
Đoàn công tác của Thủ tướng nước CHDCND Lào làm việc với lãnh đạo GVR. (Ảnh: Tạp chí Cao su).
Thông tin từ Tạp chí Cao su, ngày 22/2, Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (Mã: GVR) đã có buổi hội kiến với ông Sonexay Siphandone – Thủ tướng nước CHDCND Lào nhân chuyến công tác của Thủ tướng tại TP HCM.
Theo thông tin được Chủ tịch HĐQT Trần Công Kha công bố, Tập đoàn GVR đã thành lập 6 công ty tại Lào trên địa bàn 5 tỉnh là: Champasak, Savanaket, Salavan, Bolykhamxay và Oudomxay.
Tổng vốn đăng ký đầu tư ra nước ngoài tại các dự án là 254,54 triệu USD. Đến nay tổng vốn đã đầu tư hơn 164 triệu USD. Tổng diện tích cao su tại Lào là 26.644 ha, trong đó diện tích cao su tập đoàn đã đưa vào khai thác 23.239 ha.
GVR đã đầu tư 3 nhà máy chế biến mủ cao su tại Lào, với tổng công suất chế biến 34.000 tấn/năm. Tổng sản lượng cao su khai thác từ khi đưa dự án vào kinh doanh đạt 344.150 tấn.
Tổng doanh thu đạt được từ khi bắt đầu đưa dự án vào khai thác là 554,52 triệu USD. Tổng lợi nhuận trước thuế từ khi bắt đầu khai thác là 74,91 triệu USD. Tổng kim ngạch xuất khẩu từ khi đưa dự án vào kinh doanh thương mại đến nay trên 547 triệu USD với tổng giá trị nộp ngân sách từ đầu dự án đến nay là 29 triệu USD, trong đó riêng năm 2024 là 5,23 triệu USD.
Tổng số lao động tại các dự án là hơn 5.500 người, trong đó lao động người Lào gần 4.800 người, thu nhập bình quân là 350 USD/người/tháng. Đã có nhiều lao động là người Lào nắm giữ những vị trí quan trọng của các đơn vị thành viên tập đoàn.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch HĐQT GVR Trần Công Kha cũng cho biết tập đoàn đã và đang khảo sát tại một số địa phương tại Lào và xác định được các diện tích đất trồng cao su phù hợp. Thời gian tới công ty sẽ thu được chứng chỉ cabon từ vườn cây cao su. Do đó, ông Trần Công Kha kiến nghị Thủ tướng Sonexay Siphandone ủng hộ chủ trương của Tập đoàn về việc tiếp tục mở rộng diện tích trồng cao su tại Lào, khi việc đầu tư trồng cao su hiện gặp khó khăn do Chỉ thị số 13 từ năm 2012 của Thủ tướng.
GVR là tập đoàn hoạt động trong 6 lĩnh vực kinh doanh chính là trồng, chăm sóc, khai thác cao su; sản phẩm công nghiệp cao su; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; chế biến gỗ; đầu tư kinh doanh hạ tầng và lĩnh vực mới là năng lượng tái tạo.
Thủ tướng Lào cho biết sẽ rất hoan nghênh nếu GVR đầu tư sản xuất sản phẩm công nghiệp cao su như lốp xe, nhằm khai thác giá trị chế biến sâu và giải quyết việc làm cho người dân. Ngoài ra theo Thủ tướng, về các lĩnh vực như khu công nghiệp, năng lượng…Thủ tướng cũng đề nghị GVR xem xét đầu tư trong thời gian tới để tăng giá trị doanh nghiệp, tạo việc làm cho người dân Lào.
Thủ tướng Sonexay Siphandone cho biết về kiến nghị của GVR về mở rộng diện tích trồng cao su và Chỉ thị số 13, sẽ giao các bộ ngành nghiên cứu xem xét. Với những kiến nghị khác, đề nghị GVR gửi văn bản đến văn phòng Thủ tướng để Thủ tướng chỉ đạo các bộ ngành giải quyết.
Năm vừa rồi, GVR ghi nhận 26.254 tỷ đồng doanh thu, tăng 19% so với năm 2023. Lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ ở mức 4.213 tỷ đồng, tăng 61%. Đây đều là các con số cao nhất kể từ năm 2012 đến nay. Qua đó, tập đoàn lần lượt hoàn thành 105% mục tiêu doanh thu và 148% mục tiêu lợi nhuận năm đã đề ra.
Với việc quản lý hơn 410.000 ha cao su ở trong và ngoài nước, GVR hưởng lợi trực tiếp từ việc giá mủ cao su thế giới tăng cao trong thời gian vừa qua khi thị trường thiếu hụt nguồn cung.
Theo Tổng cục Hải quan, giá xuất khẩu bình quân cao su trong cả năm 2024 đạt 1.701 USD/tấn, cao hơn 26% so với năm 2023. Tính chung cả năm ngoái, xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt 2 triệu tấn, tương đương kim ngạch xuất khẩu 3,4 tỷ USD. Đây là mức kim ngạch xuất khẩu cao su cao nhất từ trước tới nay của nước ta.

Nguồn: Báo cáo tài chính GVR.