Tài chính

Tăng trưởng cung tiền ở mức thấp kỷ lục, tiền đã chảy đi đâu?

Theo số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tổng phương tiện thanh toán hay cung tiền M2 đang có tốc độ tăng trưởng thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Cụ thể, tính đến tháng 9/2022, tổng phương tiện thanh toán (chưa loại các khoản phát hành giấy tờ có giá do các tổ chức tín dụng khác trong nước mua) chỉ tăng 3,2% so với cuối năm 2021.

Tốc độ tăng trưởng của tổng phương tiện thanh toán có xu hướng giảm kể từ năm 2019, đi cùng với đó là lạm phát luôn duy trì ở mức thấp. Có thể nói, cung tiền M2 là một trong những yếu tố được xem xét khi phân tích xu hướng lạm phát và tăng trưởng. 

 

Trước năm 2012, dữ liệu này không được NHNN công bố chính thức, song báo cáo thường niên 2011 của NHNN cho biết mức tăng trưởng so với cùng kỳ của tổng phương tiện thanh toán giảm từ 33,3% cuối năm 2010 xuống chỉ còn 12,1% cuối năm 2011. Giai đoạn chuyển giao từ năm 2010 sang 2011 cũng là thời điểm trong nước, lạm phát trên đà tăng cao, cán cân vãng lai thâm hụt mạnh và VND chịu áp lực phá giá.

Nhìn lại giai đoạn 2001-2007 khi Việt Nam thực thi chính sách tiền tệ mở rộng, cung tiền M2 đạt mức bình quân rất cao là 26,7%/năm, trong khi GDP tăng tương ứng 7,5%/năm. Chính điều này là yếu tố gây nên mức lạm phát cao chưa kể độ trễ và lũy tích của việc tăng cung tiền đối với nền kinh tế trong các năm kế tiếp, theo báo cáo "Cung tiền và lạm phát ở Việt Nam – nguyên nhân và khuyến nghị" của TS. Tôn Thanh Tâm và ThS. Nguỵ Bảo Hiệp.
 
Vào năm trước bùng nổ (2006), tốc độ mở rộng cung tiền đạt tới đỉnh điểm 33,6% và cùng với các yếu tố khác đã góp phần làm tăng lạm phát trong năm kế tiếp. Kết quả là lạm phát dường như ngoài tầm kiểm soát trong những tháng cuối năm 2007 và đầu năm 2008 và gây nên những ảnh hưởng tới quá trình tăng trưởng bền vững của nền kinh tế. 

Tiền đã chảy đi đâu?

Trong bối cảnh hiện nay, thanh khoản không còn dồi dào như giai đoạn trước khi lượng tiền lớn được bơm vào nền kinh tế. Điều này phần nào có thể giải thích qua Lý thuyết lượng tiền tệ của M.Friedman (1956): Vòng quay tiền (V) x Cung tiền (M2) = Giá cả (P) x Sản lượng hàng hóa, dịch vụ (Q) (hay GDP danh nghĩa).

Như vậy về mặt nguyên tắc, lượng cung tiền phải bằng với GDP danh nghĩa (GDP tính theo giá hiện hành). Tuy nhiên tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm đã tăng đến 8,83%, trong khi tăng trưởng cung tiền mới chỉ đạt khoảng hơn 3%.

Chia sẻ trên kênh Tài chính kinh doanh, CEO AFA Capital Nguyễn Minh Tuấn cho rằng lượng tiền trong lưu thông so với tăng trưởng GDP đang bị thiếu hụt, tức toàn nền kinh tế đang thiếu thanh khoản hay thiếu tiền để quay vòng.

Một trong những yếu tố cần lưu ý để giải thích việc thiếu thanh khoản, theo ông Tuấn, là tiền đang đi vào tín dụng rất nhanh (tăng trưởng tín dụng đã đạt 11,5%), trong khi lượng lớn tín dụng đã chảy vào lĩnh vực bất động sản. "Và nếu các dự án bất động sản không tạo ra doanh thu thì tiền sẽ nằm "chết" ở đấy," vị chuyên gia này nói thêm.

Báo cáo mới đây của CTCP Chứng khoán SSI (SSI Research) cũng cho biết tình trạng trì trệ của thị trường bất động sản đã khiến khoảng 7 - 8% tổng tín dụng bị mắc kẹt, đặc biệt trong khi bối cảnh hạn mức tăng trưởng tín dụng tương đối hạn chế, đã dẫn đến dư địa để các ngân hàng giải ngân cho các lĩnh vực phi bất động sản không còn dư dả. 

Theo đó, một phần lượng tiền mặt bị đóng băng hoặc quay vòng chậm đã ảnh hưởng đến tình trạng thanh khoản chung của các ngân hàng.   

Hơn nữa, tăng trưởng huy động mới chỉ tăng 4,8% từ đầu năm, nghĩa là lượng tiền gửi vào các ngân hàng sụt giảm, đặc biệt sau những sự kiện có ảnh hưởng đến niềm tin của người gửi tiền gần đây. Trên thị trường 1, chênh lệch giữa số dư huy động vốn và dư nợ đã chuyển sang trạng thái âm kể từ tháng 7.

 

Ông Tuấn cho rằng nợ xấu tăng lên sau giai đoạn tái cấu trúc nợ do COVID-19 kết thúc, tiền cũng nằm trong nợ xấu này. Bên cạnh đó, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công 10 tháng đầu năm rất chậm cũng khiến dòng tiền bị ứ đọng, không đi vào lưu thông.

Tại báo cáo gửi Quốc hội trong tháng 10, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết trong những năm gần đây, các khoản giải ngân của Ngân sách Nhà nước vẫn chậm so với yêu cầu dẫn đến

Ngoài ra, trước việc Cục dự trữ Liên bang mỹ (Fed) tăng lãi suất khiến tỷ giá USD/VND tăng cao, NHNN đã bán ra khoảng 22 tỷ USD vào năm 2022 từ dự trữ ngoại hối, làm giảm lượng tiền lưu thông trong hệ thống ngân hàng thương mại.

Mặt khác, ông Phan Lê Thành Long, nhà sáng lập và CEO của AFA Group cho rằng tăng trưởng cung tiền thấp cũng nhằm mục tiêu kiểm soát lạm phát.

Theo Tổng cục Thống kê, tổng phương tiện thanh toán gồm tiền mặt lưu thông ngoài hệ thống ngân hàng; các khoản tiền gửi tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài của các tổ chức, cá nhân là người cư trú của Việt Nam thuộc khu vực thể chế phi tài chính, khu vực thể chế hộ dân cư, khu vực thể chế không vì lợi nhuận phục vụ hộ dân cư; các loại giấy tờ có giá bằng đồng Việt Nam, ngoại tệ do các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phát hành cho các tổ chức, cá nhân là người cư trú của Việt Nam. 

Cùng chuyên mục

Đọc thêm