Nguyên nhân của tình trạng trên đã được xác định, tuy nhiên các địa phương vẫn chưa có giải pháp hiệu quả để tháo gỡ các “nút thắt” trong giải ngân vốn đầu tư công. Điều này đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt, những biện pháp mang tính đột phá để đẩy nhanh tiến độ các dự án và giải ngân nguồn vốn nhằm góp phần phục hồi, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.
Để có cái nhìn rõ nét về những vướng mắc và giải pháp trong giải ngân vốn đầu tư công ở một số địa phương khu vực Miền Trung - Tây Nguyên, nhóm phóng viên TTXVN triển khai chùm hai bài viết với nội dung: “Tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công”.
Bài 1: Nhiều vướng mắc “bủa vây”
Mặc dù đã bước qua quý II của năm 2022 nhưng ở nhiều địa phương tỷ lệ giải ngân vẫn đầu tư công vẫn rất thấp so với kế hoạch đề ra khiến áp lực giải ngân dồn về những tháng cuối năm là rất lớn. Tuy nhiên, hiện nay nhiều khó khăn, vướng mắc vẫn đang “bủa vây” trong quá trình triển khai các dự án sử dụng vốn đầu tư công và đặt ra “bài toán” khó cho các địa phương trong giải ngân vốn đầu tư công giai đoạn nửa cuối năm 2022.
“Ì ạch” giải ngân vốn đầu tư công
Thời điểm hiện tại, hầu hết các tỉnh, thành đều có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp, thập chí rất thấp so với kế hoạch đề ra. Đơn cử như tại tỉnh Đắk Lắk, tính đến ngày 30/6 đã giải ngân 690,22 tỷ đồng, đạt 20% kế hoạch. Ngoài ra, vốn đầu tư công năm 2021 đã được cấp có thẩm quyền quyết định kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2022; nguồn vốn ngân sách tỉnh quản lý là 614,586 tỷ đồng, đến ngày 30/6 đã giải ngân 35,76 tỷ đồng, đạt 5,81% kế hoạch.
Tại tỉnh Quảng Ngãi, kế hoạch vốn năm 2022 được tỉnh giao là 6.462,761 tỷ đồng; trong đó, ngân sách địa phương là 4.995 tỷ đồng, ngân sách trung ương là 1.467,761 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm, tỉnh chỉ mới giải ngân 25,5%. Hiện nay, kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 của tỉnh Quảng Ngãi được giao cho 31 cơ quan, đơn vị chủ đầu tư. Đến ngày 30/6, có 11 đơn vị không đạt tiến độ giải ngân cam kết; trong đó có 03 đơn vị có tỷ lệ giải ngân dưới 20% gồm: Ban quản lý khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp tỉnh (17%); Sở Y tế (8,5%); Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh (12,8%).
Còn tại thành phố Đà Nẵng, năm 2022, kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công do Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ giao cho thành phố Đà Nẵng là 5.963,336 tỷ đồng và kế hoạch do HĐND thành phố giao là 7.880,731 tỷ đồng. Tuy nhiên, tính đến hết ngày 30/6, tổng giá trị giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 toàn thành phố đạt 1.885 tỷ đồng, bằng 31,6% kế hoạch do Thủ tướng Chính phủ giao và 23,9% kế hoạch do HĐND thành phố giao.
Những “con số biết nói” đã thể hiện thực trạng chung tại các địa phương là tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trong 6 tháng đầu năm 2022 rất thấp so với kế hoạch đề ra. Đặc biệt, các tỉnh, thành đều chỉ ra được những nguyên nhân căn bản khiến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp.
Vướng nhất ở giải phóng mặt bằng
Theo đánh giá của Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp và cơ bản nhất vẫn là những vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, nhất là những công trình, dự án trọng điểm. Việc giải phóng mặt bằng thực hiện chậm do có nhiều khó khăn trong việc xác định giá, đo đạc... và một số chủ đầu tư chưa thật sự quan tâm ưu tiên vốn cho giải phóng mặt bằng.
Bên cạnh đó, giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp còn do ảnh hưởng của giá nhiên liệu, vật liệu xây dựng tăng đột biến, nên nhà thầu thi công hoạt động cầm chừng chờ giá vật liệu giảm, dẫn đến không có khối lượng để thanh toán. Giá nguyên vật liệu tăng làm tăng chi phí xây dựng, dẫn đến làm vượt tổng mức đầu tư, gây khó khăn cho việc lập, phê duyệt dự án đầu tư, phê duyệt giá gói thầu. Nhiều địa phương chưa quy hoạch mỏ đất để khai thác thực hiện công trình, ảnh hưởng đến tiến độ thi công công trình.
Tại thành phố Đà Nẵng, các cơ quan chuyên môn cho rằng, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chậm có nguyên nhân quan trọng là khó khăn trong giải phóng mặt bằng. Cụ thể, vướng mắc về chính sách hỗ trợ trượt giá nhà, vật kiến trúc đối với các dự án (phê duyệt trước đây); về xử lý các trường hợp xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp; về hỗ trợ suất tái định cư tối thiểu; về sử dụng hiệu quả quỹ đất tái định cư hiện có; về kinh phí hoạt động của một số ban giải phóng mặt bằng quận, huyện còn khó khăn…
Đơn cử như tại Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông thành phố Đà Nẵng, tiến độ giải ngân vốn 6 tháng đầu năm 2022 của Ban đạt 253,761 tỷ đồng, đạt 19,25% kế hoạch. Một phần nguyên nhân được xác định là do vướng mắc trong giải phóng mặt bằng.
Cùng chung thực trạng trên, bà Trần Thị Mỹ Ái, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ngãi thừa nhận, tại địa phương, một số dự án chuyển tiếp nhưng chưa có khối lượng giải ngân hoặc giải ngân chậm do gặp vướng mắc trong bồi thường, giải phóng mặt bằng. Do đó, UBND tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc kiểm tra thực tế các công trình đang gặp vướng mắc và chỉ đạo quyết liệt để tháo gỡ.
Bên cạnh đó, quá trình giải ngân của tỉnh Quảng Ngãi chưa đạt như kỳ vọng một phần do một số dự án có khối lượng thanh toán nhưng do chưa có nguồn nhập TABMIS (là cấu phần quan trọng nhất, có giá trị lớn nhất trong Dự án Cải cách quản lý tài chính công) như Đập dâng hạ lưu sông Trà Khúc (34 tỷ đồng); Đường nối từ cầu Thạch Bích đến Tịnh Phong (90 tỷ đồng).
Một số dự án chuyển tiếp hiện vẫn đang hoàn trả khối lượng thi công cho kế hoạch vốn năm 2021 tạm ứng nên giải ngân kế hoạch vốn năm 2022 chậm như: Đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh giai đoạn IIa, thành phần 1 (18/400 tỷ đồng); Hồ chứa nước Suối Đá (4,6/40 tỷ đồng).
Phó Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư thành phố Đà Nẵng Lê Thanh Tùng cho biết, bên cạnh một số vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, giá nguyên vật liệu tăng cao… ảnh hưởng đến tiến độ công trình và tỷ lệ giải ngân vốn thì tình trạng điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án cho thấy một số vấn đề còn tồn tại như: chất lượng tư vấn, thẩm định về nguồn vốn chưa sát thực tế; việc chậm trễ phân cấp thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư các công trình nhỏ về cho các quận, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các công trình dân sinh tại các địa phương...
Ngoài ra, đối với các công trình mới, những tháng đầu năm các đơn vị thường triển khai hoàn thành các hồ sơ thủ tục phê duyệt thiết kế thi công và dự toán; hoàn thành các thủ tục lựa chọn nhà thầu nên chưa khởi công công trình. Vì vậy, nhiều dự án chưa khởi công, chưa tạm ứng và chưa có khối lượng để giải ngân như: Dự án Đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu chưa giải ngân 500 tỷ đồng; Dự án Đầu tư xây dựng nâng cấp bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng mới giải ngân 2,3/100 tỷ đồng; Chung cư xã hội cho người có công với cách mạng chưa giải ngân 40 tỷ đồng...
Bài cuối: Tháo gỡ điểm nghẽn