Chứng khoán

Tăng gần 40% trong hơn 1 tháng, cổ phiếu bệnh viện duy nhất niêm yết trên sàn chứng khoán lập đỉnh lịch sử

Trái với rất nhiều lựa chọn trong các lĩnh vực Bất động sản, Tài chính..., thì Bệnh viện là lĩnh vực khan hiếm để đầu tư tại Việt Nam. Trên sàn HoSE hiện chỉ có duy nhất một bệnh viện niêm yết là CTCP Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên (Mã CK: TNH).

Là lĩnh vực "hiếm", không bất ngờ khi TNH thu hút sự quan tâm lớn của các nhà đầu tư, bao gồm các tổ chức ngoại. Từ khi lên sàn chứng khoán vào năm 2021 tới nay, TNH liên tục được các tổ chức nước ngoài mua vào và hiện tỷ lệ sở hữu của khối ngoại đã lên tới hơn 26%. Mới đây nhất, nhóm quỹ KWE Beteiligungen AG (Thụy Sĩ) đã nâng sở hữu lên 6,27% cổ phần TNH, qua đó trở thành cổ đông lớn của bệnh viện.

Trên sàn Chứng khoán, cổ phiếu TNH cũng có những biến động khá tích cực. Kết thúc phiên giao dịch 21/3, thị giá TNH đạt 55.000 đồng/cp, thiết lập đỉnh cao mới từ khi niêm yết. Tính từ Tết nguyên đán tới nay, TNH đã bứt phá 38% và là một trong những cổ phiếu tăng trưởng hàng đầu thị trường.

Tăng gần 40% trong hơn 1 tháng, cổ phiếu bệnh viện duy nhất niêm yết trên sàn chứng khoán lập đỉnh lịch sử - Ảnh 1.

Song hành với đà tăng giá cổ phiếu, kết quả kinh doanh của TNH cũng khá khả quan khi tăng trưởng khá đều đặn trong 4 năm trở lại đây. 

Luỹ kế cả năm 2021, doanh thu thuần của TNH đạt 412 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ. Trừ đi chi phí, bệnh viện thu lãi sau thuế cả năm khoảng 142 tỷ đồng, tăng mạnh 30% so với kết quả thực hiện trong năm 2020. EPS năm đạt 3.419 đồng, tăng 30%. Đây cũng là mức lãi kỷ lục của doanh nghiệp từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán.

Tăng gần 40% trong hơn 1 tháng, cổ phiếu bệnh viện duy nhất niêm yết trên sàn chứng khoán lập đỉnh lịch sử - Ảnh 2.

Tính đến 31/12/2021, tổng tài sản của TNH đã tăng 129 tỷ đồng so với đầu năm, đạt xấp xỉ 1.286 tỷ đồng; trong đó 134 tỷ đồng tiền, tăng hơn 111 tỷ so với hồi đầu năm. Nợ phải trả của TNH tại thời điểm cuối năm ghi nhận hơn 506 tỷ đồng.

Báo cáo hồi đầu năm của Chứng khoán SSI cũng đưa ra quan điểm tích cực của nhóm cổ phiếu ngành y tế trong năm 2022 khi nhu cầu chăm sóc sức khỏe dự báo phục hồi và tăng trưởng khoảng 13% so với cùng kỳ.

Đánh giá riêng về TNH, SSI cho rằng doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi bởi ba yếu tố chính:

(1) Bệnh viện chuyên khoa mới đi vào hoạt động. TNH dự kiến sẽ hoàn thành việc xây dựng bệnh viện mắt trong quý 2 và bệnh viện phụ sản trong Q4/2022, để phục vụ các dịch vụ có nhu cầu cao tại tỉnh Thái Nguyên. SSI ước tính cả 2 bệnh viện mới này sẽ mang lại khoảng 5 - 10% doanh thu tăng thêm trong năm 2022, đồng thời thu hút thêm bệnh nhân từ các bệnh viện công gần đó.

(2) Tiếp tục điều chỉnh tăng nhẹ giá khám chữa bệnh, với nhiều dịch vụ cao cấp hơn trong điều trị thai sản và mắt: TNH dự kiến sẽ tiếp tục tăng giá viện phí trung bình khoảng 6 - 8% trong năm 2022, đặc biệt là sau khi bệnh viện phụ sản và bệnh viện mắt đi vào hoạt động. Bù lại, bệnh viện cũng sẽ phải đối mặt với mức chi phí lương cao hơn để thuê nhiều bác sĩ chuyên khoa, song SSI tin rằng bệnh viện có thể bù đắp một phần chi phí với việc tăng giá hầu hết dịch vụ để duy trì biên lợi nhuận gộp của TNH ở mức 45% đến 50% trong năm 2022, gần bằng mức năm 2021.

(3) Nợ vay được cơ cấu lại để cải thiện khả năng sinh lời. Hiện tại, nợ dài hạn chiếm 72% tổng nợ của TNH, với lãi suất khá cao từ 8% đến 11%, do hầu hết các khoản vay đều được thực hiện từ trước năm 2019 để xây dựng cơ sở ở Thái Nguyên và Yên Bình. Do đó, bệnh viện dự kiến sử dụng nguồn vốn bổ sung từ đợt phát hành cổ phiếu sắp tới để thanh toán 30% nợ dài hạn (tương đương 20% tổng nợ), điều này sẽ giảm chi phí tài chính xuống 25% và có thể giúp cải thiện biên lợi nhuận ròng thêm 2% trong 2022. 

Cùng chuyên mục

Đọc thêm