Sáng 12-7, TAND quận Phú Nhuận, TP.HCM xét xử sơ thẩm lần hai vụ án hình sự về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ đối bị cáo Nguyễn Trần Hoàng Phong (bị cáo lái xe Mercedes tông nữ tiếp viên hàng không).
Tại phiên tòa hôm nay có bị hại Hường, bà Lê Thường Vân người đại diện cho bị hại Thường. Đúng 8 giờ, bị cáo Phong được dẫn giải đến trụ sở tòa án. HĐXX cũng triệu tập tám cá nhân là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan cùng ba nhân chứng.
Bị cáo Phong tại phiên tòa 12-7. Ảnh: Huỳnh Thơ
Theo cáo trạng mới nhất, khoảng 5 giờ 27 phút ngày 30 -1-2020, Phong lái xe Mercedes đi từ đường Hồng Hà (quận Tân Bình) đến ngã tư Hoàng Minh Giám (quận Phú Nhuận).
Khi lái xe đến trước địa chỉ 123 Hồng Hà do phóng nhanh, Phong đã lao xe sang làn đường chiều ngược lại, tông trực diện vào xe máy do ông Thường điều khiển. Sau khi tai nạn xảy ra, bị cáo tự ý rời khỏi hiện trường, bỏ lại xe ô tô. Hậu quả, ông Thường tử vong và nữ tiếp viên hàng không Nguyễn Thị Bích Hường (ngồi sau xe ông Thường) bị thương tật vĩnh viễn 79%.
Kết luận điều tra cho thấy, Phong không có giấy phép lái xe theo quy định, điều khiển xe trong tình trạng sử dụng chất ma túy, lưu thông không đúng phần đường quy định, lưu thông với 84 km/giờ (chạy quá tốc độ).
Tại phiên tòa hôm nay, bị hại Hường yêu cầu bị cáo bồi thường hơn 1,6 tỉ đồng. Đại diện bị hại Thường yêu cầu bồi thường hơn 417 triệu đồng. Trước đó, Bà Trần Hoàng Họa Mi (mẹ ruột Phong) đã tự nguyện bồi thường thiệt hại, khắc phục một phần hậu quả cho bị hại Hường và người thân ông Thường mỗi người 60 triệu đồng.
Cũng theo cáo trạng, bị cáo Phong bị VKS buộc tội theo điểm a, b, c Khoản 2 Điều 260 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) với tình tiết không có giấy phép lái xe, sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông và bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc không cố ý cứu giúp người bị nạn.
Trước cáo buộc của VKS, bị cáo Phong trình bày không đồng tình với tình tiết bị cáo bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc không cố ý cứu giúp người bị nạn theo điểm c khoản 2 Điều 260 HLHS và đề nghị xem xét lại trách nhiệm bồi thường.
Trả lời câu hỏi của HĐXX: “Vì sao bị cáo chạy xe nhanh”. Bị cáo Phong trả lời: “Do xe mới và mạnh nên khó điều khiển”.
Bị cáo này cũng cho biết trước khi gây tai nạn bị cáo chưa bao giờ sử dụng ma túy. Việc sử dụng ma túy là do uống một ly nước được bạn đưa. Bị cáo cũng thừa nhận mình có lỗi do chạy xe không có bằng lái, chạy quá tốc độ.
Bị cáo Phong cũng cho biết căn nhà được kê biên để yêu cầu bồi thường là do mẹ bị cáo mua và chỉ đứng tên giúp mẹ bị cáo không có giấy tờ tùy thân.
"Bị cáo sang tên cho mẹ để mẹ bị cáo cầm", bị cáo Phong trả lời.