Trong quá trình trưởng thành của trẻ, các bậc phụ huynh luôn vô thức dùng tiêu chuẩn "ngoan ngoãn", "hiểu chuyện" để đánh giá. Ở trường, câu hỏi "Con có ngoan không?" luôn là một trong những mối quan tâm hàng đầu của phụ huynh. Ở nhà, họ thường dặn dò: "Con phải ngoan..."; "con phải hiểu chuyện". Khi gặp nhau, các phụ huynh cũng thường khen ngợi: "Con bạn ngoan quá!"...
Nhưng liệu những đứa trẻ "hiểu chuyện" và "ngoan" đó có thực sự hạnh phúc?

Ảnh minh hoạ
1. Hiểu chuyện quá, khổ trong lòng
Một bà mẹ chia sẻ: Cô ấy mong con mình sẽ không bao giờ phải "hiểu chuyện". Bởi hiểu chuyện quá khổ, khổ trong lòng.
Thời nhỏ, gia đình cô không nghèo, nhưng bố mẹ luôn dùng cách dạy con nhường nhịn để con "hiểu chuyện": "Con gái ngoan lắm, đưa đồ chơi cho anh chị em đi". Mỗi lần đi chơi, bố mẹ đều khuyến khích cô nhường đồ chơi hoặc đồ ăn cho những đứa trẻ khác - dù chúng lớn hơn cô rất nhiều.
Ký ức đau đớn nhất là khi bốn đứa trẻ ăn kem. Cô là nhỏ nhất, nhưng kem được chia từ những đứa lớn trước. Khi đến lượt cô, ba đứa kia đồng thanh hét lên chỉ vì chúng lớn hơn và muốn loại cô ra. Cô nói: "Người lớn nghĩ trẻ con là thiên thần, có lẽ chỉ vì chúng không đủ khả năng làm hại người lớn. Nhưng chỉ trẻ con mới cảm nhận được sự ác ý từ những đứa trẻ khác".
Phụ huynh của ba đứa trẻ kia thờ ơ. Bố cô liền nói: "Con ngoan lắm, mấy anh kia không hiểu chuyện, hôm nay mình không ăn kem nhé. Trên đường về bố sẽ mua cho con". Cô nghĩ trong lòng: "Con không cần kem, con cần sự công bằng!". Nhưng cô không dám hét lên, vì bố đã dạy rằng hét là không ngoan.
Trên đường về, cô ngồi sau xe đạp của bố, đi qua một cửa hàng kem rồi lại một cửa hàng khác, nhưng bố không dừng lại. Cô nắm chặt áo bố, kéo mạnh để nhắc nhở. Bố cảm nhận được nhưng không quay lại, chỉ nói: "Con ngoan lắm, kem không tốt cho sức khỏe. Mình không ăn". Trong khoảnh khắc đó, trái tim cô như chết đi.
2. Trẻ hiểu chuyện không dám bộc lộ cảm xúc thật
Có câu nói: "Trẻ biết khóc sẽ có kẹo". Nhưng với trẻ hiểu chuyện, dù muốn ăn kẹo đến đâu, chúng cũng không dám khóc. Vì một khi khóc, chúng sẽ không còn là đứa trẻ ngoan trong mắt bố mẹ. Một đứa trẻ hư chỉ cần làm một việc tốt là được khen ngợi, nhưng một đứa trẻ ngoan chỉ cần làm một việc sai là khiến cả thế giới thất vọng.
Người mẹ này lớn lên trong sự dạy dỗ của bố, cô thực sự rất "hiểu chuyện", không bao giờ đòi hỏi gì. Từ nhỏ đến khi đi làm, quần áo cô mặc đều là đồ cũ, ít khi vừa vặn. Khi ăn cơm, cô chỉ gắp rau gần nhất, chỉ ăn những món không ai thèm ăn.
Ở lớp cũng vậy. Học lực cô rất tốt, nhưng mắt lại cận. Nhiều phụ huynh muốn xin cho con họ ngồi bàn đầu. Giáo viên biết cô là đứa "hiểu chuyện" nhất lớp, nên hỏi cô có thể chuyển ra bàn cuối không. Cô không nói gì, thu dọn sách vở ra ngồi bàn cuối. Từ đó, cô ngồi cùng những đứa trẻ không chịu học. Bàn cuối ồn ào, cô không nhìn rõ bảng, không nghe rõ giảng. Kết quả học tập tụt dốc.
Thấy thành tích sa sút, bố mẹ và giáo viên dùng đủ cách cải thiện, từ la mắng tới so sánh, doạ dẫm. Nhưng dù thế nào, đôi mắt cận ngày càng nặng khiến cô không thể nhìn rõ bảng. Kết quả thi đại học, cô chỉ đậu một trường hạng ba.
3. "Hiểu chuyện" rốt cuộc có ý nghĩa gì?
Sau này, khi gặp chồng hiện tại, cô mới nhận ra mình đã cách biệt xã hội quá xa, quá sâu. Đôi lúc cô cảm thấy mình may mắn: Từ nhỏ đã hiểu chuyện, dù mắt cận ngồi bàn cuối nhưng vẫn đậu đại học. Bao nhiêu sự thiệt thòi thời đi học cũng không đánh gục cô. Giờ lại có chồng yêu thương, che chở, còn gì phải mong cầu nữa?
Mãi đến khi có con, suy nghĩ đó mới thay đổi hoàn toàn. Bố mẹ đã về hưu đến thăm cháu. Hôm đó trời đẹp, bố dắt cháu đi chơi, tay cháu cầm một con vịt đồ chơi. Một đứa trẻ khác đi tới, nhìn đồ chơi với ánh mắt thèm muốn. Cô thấy bố cúi xuống nói với cháu: "Cháu ngoan lắm, cháu phải biết chia sẻ, chia sẻ mới vui. Đưa con vịt cho bạn chơi với!".
"Không!" - Cô suýt hét lên: "Bố không được áp đặt lên cháu những gì ông đã làm với con! Bố có biết bao năm qua con đau khổ thế nào không?". Cô không muốn con mình phải chịu đựng nỗi đau tinh thần mà chính cô cũng không chịu nổi.
Nhưng cuối cùng, cô không nói gì, chỉ đứng nhìn bố cầm tay cháu đưa đồ chơi cho đứa trẻ kia. Lý do cô không ngăn cản là vì cô đã chứng kiến quá nhiều đứa trẻ hư, dùng cách ăn vạ để đạt được mọi thứ. Cô không muốn con mình trở thành như vậy.
Cô hỏi: Liệu có cách nào để con mình không phải chịu khổ như mình, cũng không trở thành đứa trẻ hư, mà chỉ cần lớn lên hạnh phúc? Có cách nào không? Thực sự có không?
4. Giáo dục không phù hợp chỉ mang lại đau khổ
Đại học Rochester, Mỹ từng làm một thí nghiệm: Chia trẻ em thành hai nhóm, làm bài kiểm tra đơn giản. Kết quả vòng một gần như tương đương - nhóm hai còn cao hơn chút. Trước vòng hai, người làm thí nghiệm thông báo: "Các em làm rất tốt, sẽ được thưởng kẹo".
Kẹo được chia cho nhóm một trước, chia xong thì hết. Nhóm hai ngỡ ngàng. Người làm thí nghiệm cười nói: "Không sao, còn có kem". Kem cũng chia cho nhóm một trước, lại hết. Nhóm hai chết lặng.
Kết quả vòng hai: Điểm nhóm hai chỉ bằng 1/4 nhóm một. Thí nghiệm này cho thấy, phương pháp giáo dục không công bằng sẽ khiến trẻ mất niềm tin vào thế giới, mất khả năng hành động.
Bố mẹ của cô gái nói trên nã nhầm lẫn giữa sự đàn áp và giáo dục. Ví dụ, bố hứa mua kem nhưng không thực hiện. Với bố, đó là chuyện nhỏ, nhưng với trẻ con, lời hứa của bố mẹ là tất cả. Sự thất hứa khiến cô bé mất niềm tin vào bố mẹ.
Cô không dám phản kháng, chỉ biết chịu đựng trong sợ hãi. Trong mắt bố mẹ, một đứa trẻ không đòi hỏi, không quấy khóc như vậy chính là "hiểu chuyện".
Cô hình thành một tâm lý yếu đuối, tự ti, dù mắt cận không nhìn rõ bảng cũng không dám nói với giáo viên. Cô không tin tưởng người lớn, không dám đưa ra yêu cầu chính đáng.
Nỗi sợ thế giới người lớn trở thành toàn bộ nhận thức của cô. Cô tự hào vì mình không phải đứa trẻ hư, nhưng không biết mình đã trở thành một con thỏ nhút nhát, một con chuột sợ hãi - một người hoàn toàn đánh mất bản thân vì bị nỗi sợ khống chế.
5. Hiểu chuyện thực sự là gì?
Hiểu chuyện không phải là sợ hãi, không phải là yếu đuối, không phải là rút lui và khóc lóc trước sự xâm phạm. Hiểu chuyện không phải là đàn áp bản năng trẻ con, càng không phải là sự nhường nhịn của trẻ để thỏa mãn thể diện người lớn.
Hiểu chuyện thực sự là trẻ có thể hiểu đúng các quy tắc xã hội, không tự ti, không kiêu ngạo, khi gặp chuyện có thể bày tỏ nguyện vọng bản thân một cách rõ ràng, ngắn gọn. Trẻ học được cách thương lượng với bạn bè, giao tiếp bình thường với người lớn - muốn trẻ hiểu chuyện, ít nhất bố mẹ phải hiểu chuyện trước.
Bố mẹ cần hiểu tâm lý trẻ, biết rằng thế giới nhận thức của trẻ rất nhỏ bé, sự phụ thuộc vào bố mẹ rất lớn. Những chuyện nhỏ nhặt trong mắt bố mẹ có thể ảnh hưởng đến sự trưởng thành tâm lý cả đời của trẻ.
Bố mẹ hiểu chuyện có thể đánh giá chính xác môi trường xung quanh trẻ: Trẻ đang bị đàn áp bất công hay chỉ là những trò chơi vô hại? Đừng nói trẻ không hiểu, trẻ hiểu hết. Những đứa trẻ hư rất giỏi lợi dụng sự chậm chạp của người lớn, còn những đứa trẻ nhút nhát lại tràn đầy sợ hãi với người lớn.
Vì vậy, bố mẹ phải chú ý đến sự công bằng giữa các trẻ, kịp thời ngăn chặn cái ác từ những đứa trẻ hư, giải tỏa nỗi sợ của những đứa trẻ nhút nhát, không thiên vị, giữ thái độ trung lập, mới có thể tạo cho trẻ môi trường phát triển cân bằng.
Khuyến khích trẻ nhút nhát dũng cảm bày tỏ nguyện vọng. Dạy trẻ hư rằng ăn vạ không phải là cách thể hiện. Đừng để những đứa trẻ hư đạt được mục đích bằng tiếng khóc, cũng đừng để nỗi sợ của trẻ nhút nhát tích tụ vượt quá sức chịu đựng. Giáo dục chính là điều chỉnh phù hợp dựa trên trạng thái tâm lý khác nhau của trẻ.
Hãy coi trẻ như người lớn, lắng nghe từng lời nói của chúng, tôn trọng nhu cầu của chúng. Sự trưởng thành của bố mẹ là học cách chấp nhận sự non nớt, "không hiểu chuyện" của con, học cách quan tâm, tôn trọng cảm xúc thật của trẻ, để việc xử lý cảm xúc lại cho chính chúng ta.
Những phương pháp phù hợp trong quá khứ chưa chắc đã áp dụng được hiện tại, bởi môi trường đã thay đổi, tâm lý trẻ cũng khác. Đừng dùng kinh nghiệm hạn hẹp của thế hệ trước để chỉ đường cho cuộc đời đầy bất trắc của thế hệ sau.