Kỹ năng sống

Sự trỗi dậy của các nữ công tố viên Nhật Bản

Hai mươi năm trước, khoảng 8% công tố viên Nhật Bản là phụ nữ. Năm 2018, nữ công tố viên chiếm 1/3 số người được tuyển dụng mới và đến năm nay, tỷ lệ nam - nữ đã đạt mức cân bằng, theo Văn phòng Công tố quận Tokyo.

Đây là chuyện lạ ở Nhật Bản, quốc gia bị xếp thấp nhất về bình đẳng giới trong số những nước phát triển, dù đứng số một về khả năng tiếp cận giáo dục bình đẳng trẻ em gái. Vậy làm thế nào để phụ nữ tìm được chỗ đứng trong lĩnh vực rất gai góc như tòa án, công tố?

Công tố viên Rina Ito thừa nhận may mắn đóng một vai trò nào đó.

Công tố viên Tomoko Suzuki (trái) và Rina Ito tại Văn phòng công tố Tokyo, hôm 27/2. Ảnh: AP

Công tố viên Tomoko Suzuki (trái) và Rina Ito tại Văn phòng công tố Tokyo, hôm 27/2. Ảnh: AP

Ito tốt nghiệp Đại học Keio danh tiếng, nơi người sáng lập trường Yukichi Fukuzawa là người ủng hộ quyền của phụ nữ. Nữ chiếm gần một nửa tổng số sinh viên của trường. Sau đó, cô đã vượt qua bài thi lấy chứng chỉ luật sư cấp quốc gia, kỳ thi bắt buộc và cũng rất khốc liệt đối với tất cả các công tố viên Nhật Bản. Hiện cô có 10 năm thâm niên trong nghề công tố.

"Khi bạn nghĩ về việc ai có nhiệm vụ theo đuổi sự thật, đó chính là các công tố viên. Đó là lý do tôi quyết tâm theo đuổi nghề này", Ito nói.

Các công tố viên Tokyo được dư luận coi là "người bảo vệ công lý hàng đầu của Nhật Bản", nổi tiếng với những vụ điều tra nạn tham nhũng, ví dụ vụ bê bối Lockheed những năm 1970 khiến một thủ tướng mất chức hay gần đây nhất là hối lộ và gian lận đấu thầu liên quan đến Thế vận hội Tokyo .

Đạt được sự bình đẳng giới, như trong nghề nghiệp của Ito, là điều hiếm thấy ở Nhật Bản. Theo dữ liệu của Statista, phụ nữ có xu hướng được tuyển dụng nhiều trong lĩnh vực dịch vụ và nhân viên văn thư, tạp vụ và khá ít trong lĩnh vực sản xuất, nhân viên an ninh và quản lý. Theo Cục Bình đẳng giới thuộc Văn phòng Nội các Nhật Bản, chỉ có khoảng 5% thành viên hội đồng quản trị của các doanh nghiệp có niêm yết trên sàn chứng khoán là phụ nữ.

Mẹ của Ito làm nội trợ toàn thời gian, cha cô là một người làm công ăn lương, nhưng cả hai không ngăn cản cô theo đuổi sự nghiệp. Chồng cô nấu ăn và giúp chăm sóc cô con gái hai tuổi.

Cô cũng lưu ý rằng các công tố viên, nam hay nữ, phải luân chuyển rất nhiều (1-2 năm một lần) đến các văn phòng khu vực khác nhau trên toàn quốc. Việc thay đổi liên tục này khiến họ hầu như không có cơ hội lấy lòng sếp hoặc phát triển các mối quan hệ cá nhân có thể ảnh hưởng đến triển vọng thăng tiến và đánh giá công bằng.

Thành công của các nữ công tố viên Nhật Bản không thể thiếu vắng vai trò của những người đàn ông. Hầu hết công tố viên nam nói rằng họ có quan điểm đối xử bình đẳng với các đồng nghiệp nữ. "Tôi chưa bao giờ coi các nữ công tố viên là phụ nữ", phó trưởng công tố Tokyo Hiroshi Morimoto nói.

Các công tố viên đang nghỉ sinh con ngày càng nhiều. Tomoko Suzuki, người đã nghỉ thai sản trong nhiều năm để sinh hai con trai cũng mới trở lại làm việc.

Chế độ nghỉ phép dành cho cha mẹ, đặc biệt là chế độ nghỉ thai sản thường bị phản đối ở Nhật Bản. Theo dữ liệu của chính phủ, mặc dù cả nam giới và phụ nữ đều có quyền được nghỉ có lương để sinh hay chăm con nhỏ nhưng chỉ 14% ông bố sử dụng, 85% số còn lại là phụ nữ. Một số nam giới cho biết mọi người ngạc nhiên và tỏ ra khó hiểu khi biết họ xin nghỉ để chăm con.

Suzuki thừa nhận việc hài hòa các vai trò làm mẹ, vợ và công tố viên là một thử thách khó khăn. Cô cần đến sự giúp đỡ của cha mẹ, chị gái và người trông trẻ. Chồng cô làm việc trong lĩnh vực vận tải ở Singapore. Các con của cô đang học cách kết bạn với các tiếp viên hàng không và nền văn hóa đa dạng của Singapore.

"Thật căng thẳng và khó khăn khi sống xa chồng. Nhưng cũng có những mặt tích cực," Suzuki nói. Mỗi khi vợ chồng gặp nhau, cô nói "cảm giác giống như yêu lại từ đầu" và quan trọng hơn, anh lĩnh lương bằng đô la Singapore, một ưu điểm rất lớn trong bối cảnh đồng yên Nhật liên tục giảm giá.

Là phụ nữ đôi khi cũng mang lại những lợi thế trong công việc của Suzuki hay Ito. Kỹ năng giao tiếp quan trọng hơn bản án, Suzuki nói, bởi thủ phạm cũng như nạn nhân đều do dự khi nói chuyện với các công tố viên. Việc có các công tố viên nữ sẽ hữu ích khi nạn nhân yêu cầu được nói chuyện với một phụ nữ, như trường hợp đôi khi xảy ra với các tội phạm liên quan đến tình dục.

Nhưng thông thường, Ito và Suzuki cho biết, khả năng cá nhân mới là điều quan trọng.

(Theo AP)

Cùng chuyên mục

Đọc thêm