Bất động sản

Sự thật về dự án Discovery Complex 302 Cầu Giấy: Chủ đầu tư chưa từng gửi hồ sơ xin cấp “sổ đỏ” cho người mua nhà

Sự thật về dự án Discovery Complex 302 Cầu Giấy:  Chủ đầu tư chưa từng gửi hồ sơ xin cấp “sổ đỏ” cho người mua nhà- Ảnh 1.

Dự án Discovery Complex 302 Cầu Giấy có vị trí đắc địa, ngay sát tuyến đường sắt đô thị mới của Hà Nội.

UBND TP. Hà Nội vừa có Báo cáo trả lời kiến nghị cử tri trước và sau kỳ họp thứ 17 Hội đồng Nhân dân TP Khóa XVI với nhiều nội dung kiến nghị “nóng” được người dân hết sức quan tâm, theo dõi.

Theo đó, vừa qua, cử tri Quận Cầu Giấy đã có kiến nghị yêu cầu thành phố quan tâm, chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền sớm giải quyết dứt điểm vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và sở hữu nhà ở cho các hộ dân tại nhà chung cư Discovery, số 302, đường Cầu Giấy, phường Dịch Vọng.

Trả lời kiến nghị nói trên của người dân, UBND TP. Hà Nội cho biết, qua tra cứu phần mềm tiếp nhận hồ sơ từ năm 2015 đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hà Nội chưa tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận cho các hộ gia đình, cá nhân mua nhà tại Dự án Chung cư Discovery Complex 302 Cầu Giấy, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.

Theo UBND TP. Hà Nội, việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua nhà ở, công trình xây dựng được thực hiện theo quy định tại Điều 41 Nghị định 101/2024/NĐ-CP ngày 29/7/2024.

Do đó, UBND TP. Hà Nội tiếp tục đề nghị cử tri, người dân căn cứ quy định nêu trên liên hệ với Văn phòng đăng ký đất đai - Sở Tài nguyên và Môi trường để được hướng dẫn theo quy định.

Như vậy, sau nhiều năm mua nhà tại Dự án Chung cư Discovery Complex 302 Cầu Giấy, người dân sẽ tiếp tục “bơ vơ” trong hành trình đòi quyền lợi hợp pháp, chính đáng của mình.

Theo tìm hiểu, dự án văn phòng và nhà chung cư cao tầng bán và cho thuê (Discovery Complex 302, Dịch Vọng, Cầu Giấy), do Công ty cổ phần đầu tư thương mại và dịch vụ Cầu Giấy làm chủ đầu tư được khởi công từ năm 2009.

Theo hồ sơ phê duyệt ban đầu, dự án gồm 5 tầng hầm thông nhau, 5 tầng khối đế thông nhau, 1 tầng cây xanh, khu văn phòng 38 tầng và khu chung cư cao cấp 50 tầng, với tổng diện tích mặt bằng 10.158m2, mức đầu tư dự kiến khoảng 5.000 tỷ đồng.

Theo Hợp đồng mua bán căn hộ, khách hàng sẽ được nhận bàn giao căn hộ vào cuối năm 2016. Tuy vậy, đến tháng 11/2017, Chủ đầu tư mới tiến hành bàn giao căn hộ cho khách hàng. Bên cạnh đó, nhiều cư dân cũng bức xúc cho rằng Chủ đầu tư điều chỉnh tăng diện tích căn hộ bàn giao thực tế so với diện tích căn hộ khi ký Hợp đồng mua bán.

Sự thật về dự án Discovery Complex 302 Cầu Giấy:  Chủ đầu tư chưa từng gửi hồ sơ xin cấp “sổ đỏ” cho người mua nhà- Ảnh 2.

Vừa qua, UBND quận Cầu Giấy đề nghị Công ty Điện lực Cầu Giấy rà soát các hợp đồng cung cấp điện đối với các đơn vị, doanh nghiệp, có phương án xem xét tạm dừng cung cấp điện với cơ sở vi phạm PCCC, trong đó có dự án Discovery Complex 302 Cầu Giấy.

Thanh tra Chính phủ 2 lần nhắc tên Discovery Complex 302 Cầu Giấy tại các Kết luận năm 2018 và 2021

Ngày 23/7/2021, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã công bố kết luận thanh tra một số dự án đầu tư xây dựng từ nguồn vốn ngân sách, nguồn vốn vay, việc chuyển đổi, chuyển nhượng, nhà đất của cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nhà nước, nhà đất có vị trí đắc địa sang mục đích khác tại Thành phố Hà Nội.

Tại kết luận thanh tra, TTCP đã chỉ ra các sai phạm trong việc xác định tiền sử dụng đất phải nộp của dự án. Trong đó, đối với dự án trung tâm thương mại, văn phòng, căn hộ để bán và cho thuê tại 302 Cầu Giấy (tên thương mại là Discovery Complex), chủ đầu tư đã thay đổi mục đích và công năng sử dụng từ thuê đất xây dựng trung tâm thương mại, văn phòng với diện tích 1.438,5 m2 đã được phê duyệt sang giao đất có thu tiền sử dụng đất xây dựng căn hộ chung cư để bán.

Mặc dù đã được Sở Quy hoạch - Kiến trúc chấp thuận điều chỉnh quy hoạch tổng mặt bằng và phương án kiến trúc nhưng dự án chưa được UBND thành phố Hà Nội cho phép điều chỉnh dự án đầu tư và chuyển mục đích sử dụng đất, chưa xác định và thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất bổ sung, điều này là vi phạm Luật Đất đai 2013.

Bên cạnh đó, chủ đầu tư cũng chuyển đổi một phần diện tích từ đất thuê trả tiền hàng năm sang hình thức giao đất có thu sử dụng đất khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép. Đoàn thanh tra tạm tính số tiền bổ sung 403.309 triệu đồng. Trách nhiệm thuộc UBND TP Hà Nội, các sở ngành: Tài chính; TN&MT, Xây dựng, Cục thuế Hà Nội và chủ đầu tư dự án.

Với những vi phạm nêu trên, Thanh tra Chính phủ kiến nghị tính tiền sử dụng đất phải nộp đối với diện tích 1.438,5 m2 xây dựng căn hộ chung cư để bán và 2.094 m2 xây dựng khu văn phòng, thương mại theo chỉ tiêu quy hoạch (trong đó bao gồm cả 4 tầng cây xanh) do chủ đầu tư đã thay đổi mục đích sử dụng đất từ thuê trả tiền hàng năm sang giao có thu tiền sử dụng đất.

Tính tiền thuê đất đối với diện tích sân vườn và toàn bộ tầng hầm mở rộng, điều chỉnh quyết định giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất theo đúng quy định. Yêu cầu chủ đầu tư hoàn thiện các thủ tục về đầu tư xây dựng theo đúng quy định của pháp luật.

Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Xây dựng tổ chức kiểm điểm trách nhiệm trong việc thẩm định hồ sơ thiết kế kỹ thuật vượt diện tích sàn xây dựng không phù hợp với phương án kiến trúc được chấp thuận.

Đồng thời, TTCP kiến nghị thu hồi hơn 361,5 tỷ đồng tiền sử dụng đất do chủ đầu tư tự ý chuyển mục đích sử dụng đất 1.438,5 m2 và tiền sử dụng đất khu văn phòng, thương mại 2.094 m2 do xác định chưa đúng quy định của dự án 302 Cầu Giấy trong tổng số tiền hơn 403,3 tỷ đồng tạm tính, bởi hơn 41,7 tỷ đồng chủ đầu tư đã tự nộp ngân sách nhà nước ngày 25/12/2015.

Trước đó, ngày 04/09/2018, Thanh tra Chính phủ cũng đã có kết luận 1468/KL-TTCP, trong đó chỉ điểm đối với diện tích đất thuê xây dựng Trung tâm thương mại, văn phòng 1.438,5m2 được phê duyệt, Chủ đầu tư đã thay đổi mục đích sang giao đất có thu tiền sử dụng đất xây dựng căn hộ chung cư để bán, chủ đầu tư đã tự tạm nộp tiền sử dụng đất vào ngân sách Nhà nước 41.736. 431.472 đồng.

Căn cứ hồ sơ kỹ thuật và thực tế sử dụng đất, Đoàn thanh tra xác định tiền sử dụng đất bổ sung đối với diện tích đất 1.438,5m2 xây dựng căn hộ chung cư để bán và 2.094m2 xây dựng khu văn phòng, thương mại theo chỉ tiêu quy hoạch với tổng số tiền 403.309,31 triệu đồng. Như vậy số tiền chủ đầu tư phải nộp bổ sung tạm tính là 361,572 tỷ đồng.

Hàng trăm hộ dân mua nhà tại Discovery Complex 302 Cầu Giấy cũng đã nộp đơn kiến nghị lên Tổng cục Thuế, đề nghị "thu hồi số tiền nợ đọng của chủ đầu tư", bởi họ cho rằng điều này khiến "việc mua nhà gặp nhiều rủi ro".

Sự thật về dự án Discovery Complex 302 Cầu Giấy:  Chủ đầu tư chưa từng gửi hồ sơ xin cấp “sổ đỏ” cho người mua nhà- Ảnh 3.

Dự án Discovery Complex từng vướng nhiều lùm xùm trong quá trình xây dựng vừa thực hiện cam kết trong hợp đồng với người mua nhà.

Ông chủ Discovery Complex và loạt dự án "tai tiếng"

Về chủ đầu tư dự án, CTCP Đầu tư Thương mại Dịch vụ Cầu Giấy được thành lập vào tháng 11/2005, có trụ sở ngay tại dự án Discovery Complex.

Tại thời điểm ngày 21/6/2021 vừa qua, CTCP Đầu tư Thương mại Dịch vụ Cầu Giấy này đã giảm vốn điều lệ từ 600 tỷ đồng xuống còn 181 tỷ đồng. Tổng Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật là bà Trần Minh Hằng. Chủ tịch HĐQT là ông Trần Đức Minh.

CTCP Đầu tư Thương mại Dịch vụ Cầu Giấy được biết đến là doanh nghiệp trực thuộc CTCP Đầu tư Xây dựng Phát triển Thương mại Kinh Đô (Kinh Đô TCI Group), tập đoàn do ông Trần Đức Minh làm chủ tịch HĐQT.

Đối với Kinh Đô TCI, tập đoàn của ông Trần Đức Minh sở hữu một số bất động khác ở Hà Nội như chung cư Capital Garden (102 Trường Chinh); dự án 8B Lê Trực (quận Ba Đình) hay tòa nhà Kinh Đô Tower (93 Lò Đúc). Giống như Discovery Complex, các cự án này cũng đi kèm với các sai phạm.

Cụ thể, ở dự án Capital Garden, Kinh Đô TCI từng bị người dân phản ánh chậm bàn giao nhà; không có không gian chung để sinh hoạt cộng đồng; chậm hoàn thiện hệ thống PCCC.

Tại tổ hợp trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê, căn hộ chung cư cao cấp và biệt thự liền kề 8B Lê Trực, dự án này cũng có nhiều sai phạm về xây dựng từ năm 2012, sau đó đã phải thực hiện tháo dỡ phần công trình vi phạm về xây dựng.

Cụ thể, theo kết luận của TP Hà Nội vào năm 2015, dự án 8B Lê Trực đã xây vượt giấy phép khoảng 16 m, tương đương 5 tầng nhà; diện tích sàn xây dựng cũng bị tăng thêm 6.000 m2; công trình cũng không xây dựng giật cấp như thiết kế ban đầu mà xây thẳng từ khối đế đến mái nhằm tăng diện tích sàn.

Vào năm 2016, dự án đã phải tháo dỡ phần tum thang và tầng 19. Đến năm 2020, tiếp tục tháo dỡ toàn bộ phần tường xây, vách ngăn, cửa, thiết bị tầng, cắt sàn tầng 18.

Sau khi hoàn thành tháo dỡ giai đoạn 2 vào năm 2020, tòa nhà 8B Lê Trực còn 17 tầng và tum thang, chiều cao đến mặt mái tầng 17 là 58,5 m, so với giấy phép xây dựng vượt chiều cao 5,5 m.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm