Tại buổi tọa đàm “Bệ phóng cho Startup Việt chinh phục thị trường ngoại”, nằm trong khuôn khổ Diễn đàn Shark Tank Forum 2022 được tổ chức tại TP. HCM, các diễn giả đã cùng nhau giải thích lý do doanh nghiệp và startup Việt Nam nên có định hướng “go global” (vươn ra thị trường thế giới).
Theo Shark Lê Hùng Anh – Chủ tịch BIN Corporation Group, thị trường Việt Nam quá nhỏ, chi phí giá thành sản phẩm so với giá bán ra chênh lệch không đáng kể. Đó là lý do rất nhiều doanh nghiệp Việt dù có sản phẩm tốt, dịch vụ tốt vẫn luôn trăn trở vì lợi nhuận thấp. Nếu bán ở thị trường nước ngoài, biên lợi nhuận sẽ cao hơn đáng kể. Chính vì vậy, Shark Hùng Anh khuyến khích các doanh nghiệp “go global”.
Tuy nhiên, giữa thế giới quá rộng lớn, câu hỏi được đặt ra là các doanh nghiệp và startup Việt Nam phải đặt chân tới thị trường nào đầu tiên.
"Tôi cho rằng nên đánh vào thị trường Âu Mỹ - những nước nói tiếng Anh và giàu có. Đó là góc nhìn của tôi. Những nước Đông Nam Á như Lào và Campuchia không mua hàng Việt Nam", Chủ tịch BIN Corporation nêu quan điểm.
"Cứ bán thẳng qua Đức, Pháp, Mỹ, Úc, Dubai. Đó là những nước đại đa số người dân nói tiếng Anh. Đa số doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam cũng biết tiếng Anh thôi. Tiếp theo, chúng ta tận dụng tối đa nền tảng Internet. Theo tôi, mình cứ làm thẳng qua những nước lớn, rồi học hỏi các đối thủ. Khi đã có doanh thu, nguồn lực, chúng ta tiếp tục làm", ông cho hay.
Trước ý kiến này, GS Hà Tôn Vinh - Chủ tịch & Tổng giám đốc Stellar Management phản biện bằng cách lấy ví dụ về Tập đoàn Viettel.
"15 năm trước, Viettel nghĩ đến chuyện ra nước ngoài và quyết định đi Lào. Khi biết chuyện, tôi gần như ngã xuống đất. Hồi đó tôi tưởng tượng phải đi Mỹ, đi phương Tây, nhưng Viettel lại đi Lào và Campuchia. Bây giờ Viettel đã đi khắp thế giới", ông chỉ ra trường hợp thành công điển hình khi "go global" từ Đông Nam Á.
Ví dụ thứ hai ông Vinh đưa ra là FPT. Tập đoàn này ban đầu hướng đến thị trường Mỹ, Ấn Độ và đặc biệt là Nhật Bản, nhưng không thành công. Mặc dù vậy, FPT tới nay cũng đã vươn ra khắp thế giới. Từ đó, Giáo sư kết luận rằng để thành công, các doanh nghiệp luôn luôn phải kiên định, mở rộng tầm nhìn và thật kiên nhẫn.
Đối với ông Trần Bằng Việt - Nhà sáng lập và Giám đốc điều hành Đông A Solutions, việc lựa chọn điểm đến phụ thuộc vào ngành và các đặc điểm của doanh nghiệp đó.
"Nơi nào có khách hàng, có những đối tác và các yếu tố có thể giúp tôi thành công sớm hơn, tôi sẽ đến nước đó. Cùng thời điểm với câu chuyện của FPT, trong khi họ đi Mỹ và Nhật thất bại, một công ty nhỏ hơn rất nhiều ở Việt Nam đi thẳng qua Mỹ và thành công. Từ 37 nhân viên, hiện nay họ có khoảng 4.000 nhân viên".
"Như vậy, câu chuyện không phải là đi đâu, mà phải trả lời tôi là ai, có cái gì và thiếu cái gì. Nơi nào có những mảnh ghép cần thiết cho sự thành công của tôi thì tôi đi, chứ không có địa chỉ tuyệt đối", ông Việt nêu quan điểm.
Cũng trong tọa đàm, ông Việt nhận định để nhanh chóng xâm nhập thị trường nước ngoài với hành lang pháp lý khác biệt, công thức nhanh nhất là tìm đối tác địa phương đủ mạnh mẽ, đủ mong muốn, sau đó xây dựng nhà máy và hệ thống logistics, kho bãi để hạ chi phí phân phối, giao hàng xuống thấp nhất có thể. Cuối cùng là sử dụng mô hình đó triển khai tại các địa phương hay quốc gia lân cận với chi phí thấp hơn.
Ông Việt còn nhắn nhủ các startup đang ấp ủ ý định "go global" rằng hãy chọn những sản phẩm, dịch vụ đủ độ khó và có độ lớn khi "đánh" thị trường nước ngoài.
"Chúng ta không nên chọn những sản phẩm đơn giản quá, vì nếu thị trường chấp nhận rồi thì sẽ dễ bị sao chép và cạnh tranh", ông cho hay. Đặc biệt, ông tin rằng nếu các startup Việt biết nghĩ xa, nhìn gần và làm dần từng bước thì chắc chắn sẽ thành công.