Khởi nghiệp

Startup công nghệ giáo dục thà từ chối "cá mập" chứ không đồng ý giảm mức định giá

Sinh ra và lớn lên tại một vùng nông thôn thiếu thốn điều kiện, ít có cơ hội giáo dục ở Đồng Tháp, nhà sáng lập dự án khởi nghiệp edtech (công nghệ giáo dục) iZi, Đào Phan tham vọng tạo ra một ngôi trường mở mà không sở hữu bất kỳ ngôi trường nào, nơi mọi người đều có thể dạy và học những điều họ mong muốn. Đến với Shark Tank Việt Nam, bà Đào Phan gọi vốn 200.000 USD cho 4% cổ phần.

Từ câu chuyện của mình, bà Đào Phan mong muốn iZi sẽ biến việc học trở nên dễ dàng hơn và tạo ra nhiều niềm vui cho người dạy lẫn người học. Đối tượng iZi tập trung là host và cộng đồng của họ, trong đó host là thế hệ Millennials từ 25-40 tuổi, có mong muốn chia sẻ hiểu biết của họ ở một phạm vi chuyên môn nhất định và cộng đồng của họ là thế hệ GenZ từ 16-25 tuổi có mong muốn, nhu cầu và sức chi cho việc phát triển bản thân.

Hai đối tượng mục tiêu này giúp định vị iZi tại thị trường Out of school (thị trường ngoài trường học) có độ lớn tại Việt Nam là gần 7 tỷ USD và trên toàn cầu là 1.600 tỷ USD.

 Bà Đào Phan, founder của startup iZi. (Ảnh: BTC chương trình).

Sản phẩm của iZi đang ở giai đoạn Beta, chưa hoàn thiện và dự định đến tháng 7/2022 sẽ là bản hoàn chỉnh, chạy trên nền tảng ứng dụng điện thoại, iZi dự kiến doanh thu sẽ bắt đầu từ thời điểm ứng dụng được hoàn thiện.

Bà Đào Phan cho biết doanh thu của iZi từ hai nguồn chính, nguồn thứ nhất là thu hằng tháng đối với các host, nguồn thứ hai là nguồn chia sẻ doanh thu giữa iZi với host khi host tạo ra những phòng học mà người dùng trả phí trực tiếp. Hiện iZi đang có doanh thu thí nghiệm, song nhà sáng lập chưa dám thẳng thắn chia sẻ doanh thu thực sự hiện có.

Về tính sư phạm trong chương trình giáo dục, bà Đào Phan và đội ngũ chuyên gia về giáo dục sẽ cùng hỗ trợ lẫn nhau.

“iZi sẽ có 1 đội ngũ kiểm tra hồ sơ và tiểu sử của những host khi tham gia, nhưng chất lượng trong quá trình mà họ triển khai, thì chúng tôi sẽ để lại cho cộng đồng đánh giá. Và đây là cơ chế mở mà chúng tôi muốn nhấn mạnh. Và dần dà khi nội dung thông tin nhiều thì chúng tôi bắt đầu dùng công nghệ để xem xét, vì để sử dụng được AI đánh giá thông tin như thế nào là phù hợp thì chúng tôi cần lượng tích lũy theo thời gian", bà Đào Phan cho biết.

Về mức định giá lên tới 5 triệu USD khi chưa có doanh thu, Founder iZi nêu lý do như sau: Thứ nhất là dựa vào các startup gần với mô hình của iZi trên thế giới mà đã vượt qua những cột mốc của họ rồi, đó là theo phương pháp so sánh.

Cách thứ hai là dựa vào mức độ tăng trưởng của iZi từ vòng gọi vốn trước cho tới vòng này. Hiện tại mức độ tăng trưởng của chúng tôi là 12 lần từ vòng gọi vốn trước về số lượng người dùng, đây là người dùng miễn phí.

Đặc biệt, bà Đào Phan so sánh iZi với một nền tảng khác là Kahoot!. Theo đó, bà Đào Phan nhận định iZi là nền tảng dành sự quan tâm tới cộng đồng và nội dung, thay vì là một công cụ như Kahoot!.

“Tôi không bị thuyết phục bởi cách so sánh, bởi cái so sánh đó là quá khứ. Lúc đó tại thời điểm đó nếu người gọi vốn như vậy người ta có những lý luận khác bạn, bởi vì lúc đó chưa có ai đi trước để mà so sánh cả. Và thời điểm đó có thể người ta là tiên phong, thời điểm đó nhu cầu thị trường nó khác, tư duy của nhà đầu tư cũng khác, cách người ta đưa ra nó hoàn toàn mới mẻ.”, Shark Hưng chia sẻ quan điểm về mức định giá của iZi, trước đó startup này đã gọi được 150.000 USD.

“100 người startup chỉ có chưa được 1 người thành công, vậy chúng ta đưa ra câu chuyện của 1 người thành công để so với họ và đưa ra giá giống họ thì đấy là câu chuyện", Shark Phú cho biết ông không thông thạo lĩnh vực này nên từ chối đầu tư.

Shark Linh cho biết gần đây bà có nghiên cứu thị trường này khá nhiều bởi bà đang muốn làm thêm những khóa học đào tạo. “Trên thị trường toàn cầu có cả trăm công ty tương tự như vậy và họ đã vận hành nhiều năm rồi. Và với mô hình trả từng học sinh là mô hình doanh thu cũ rồi. Có thể đội doanh thu cũng chưa có nghiên cứu đủ để thấy thị trường toàn cầu như thế nào”. Hiện tại bà cảm thấy iZi đang hơi trẻ, vì vậy cũng quyết định không đầu tư.

Shark Liên cũng quyết định không đầu tư, nhưng bà cho lời khuyên là startup hãy kiểm soát chặt chẽ tính sư phạm, tiếp nữa là nội dung cũng phải kiểm soát chặt. Shark Bình cho rằng sản phẩm này còn nhiều vấn đề, ông nghĩ là startup hơi sớm nên ông quyết định không đầu tư. 

Shark Hưng đánh giá ứng dụng này có tiềm năng cho những hoạt động ngoại khóa của nhà trường. “Thực ra với 200.000 USD thì chúng tôi có thể phát triển ra một phần mềm hoàn hảo cho việc ứng dụng của riêng mình. Còn bây giờ bạn đang kêu gọi số tiền chủ yếu đầu tư cho cái quá khứ này. Nếu bạn đang có 180.000 USD, tôi tính cả nhà đầu tư thiên thần trước đó nữa gấp đôi là 360.000 USD, tôi bỏ 200.000 USD, tức là tôi chiếm 35%", Shark Hưng phân tích.

Bà Đào Phan cho biết khi đến với chương trình này đội ngũ của iZi đã thảo luận và chỉ tối đa là 10% cổ phần cho ít nhất là 350.000 USD. Do đó, iZi đã từ chối lời đề nghị của Shark Hưng, thất bại trong việc gọi vốn tại Shark Tank.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm