Doanh nghiệp

SSI Research: Lợi nhuận ròng Hoa Sen có thể tăng 5% trong năm nay

Trong báo cáo về Tập đoàn Hoa Sen (Mã: HSG), SSI Research dự phóng, lợi nhuận ròng của Hoa Sen phục hồi 5% đạt 263 tỷ đồng trong năm nay. Sản lượng tiêu thụ có thể giảm 17% so với cùng kỳ đạt 1,5 triệu tấn do kênh xuất khẩu giảm 35% so với cùng kỳ.

Giả định giá bán bình quân của công ty giảm 18% so với mức giảm 23% so với cùng kỳ của giá bình quân của HRC (thép cuộn cán nóng) trung bình. Trong trường hợp giá HRC đi ngang so với mức hiện tại, công ty có thể hoàn nhập một phần khoản dự phòng hàng tồn kho, (Hoa Sen trích lập tồn kho 652 tỷ đồng, tương đương 10% giá trị hàng tồn kho tại thời điểm cuối tháng 12/2022).

Gần đây, Hoa Sen đã công bố kế hoạch niên độ tài chính 2023 theo hai kịch bản, theo đó kế hoạch lợi nhuận ròng được đặt ở mức 100 tỷ đồng (giảm 60% so với cùng kỳ) hoặc 300 tỷ đồng (tăng 20% so với cùng kỳ) tùy thuộc vào sản lượng tiêu thụ đạt 1,52 triệu tấn (giảm 16% so với cùng kỳ) hay 1,63 triệu tấn (10% so với cùng kỳ).

 SSI Research dự phóng kết quả kinh doanh của Hoa Sen năm 2023. 

Theo SSI Research, sản lượng tiêu thụ thép cả nước có thể giảm trong năm nay do xuất khẩu giảm. Trong tháng 1, tổng lượng tiêu thụ thép dẹt thành phẩm giảm 28% so với cùng kỳ. Sản lượng tiêu thụ nội địa giảm 5% do ảnh hưởng của kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, kênh xuất khẩu cũng sụt giảm 50% so với cùng kỳ.

Trong khi mức tiêu thụ nội địa được phân bổ đồng đều trong năm trước, kênh xuất khẩu trong nửa đầu năm 2022 có mức nền cao (với sản lượng tiêu thụ cao hơn 57% so với nửa cuối năm 2022) do gián đoạn nguồn cung do xung đột giữa Nga - Ukraine và tác động tiêu cực từ nhu cầu thế giới vào cuối năm.

Đơn vị phân tích nhận định, trong ngắn hạn, sản lượng xuất khẩu có thể cải thiện nhờ nhu cầu từ một số thị trường xuất khẩu như Mỹ tăng lên, do chênh lệch giá giữa các nước phát triển và thị trường Trung Quốc mở rộng trong thời gian qua.

 Nguồn: Bloomberg.

Tuy nhiên, với mức nền cao được thiết lập trong năm trước, SSI Research kỳ vọng, tổng sản lượng xuất khẩu tôn mạ kẽm và thép ống sẽ giảm hơn 10% so với cùng kỳ, trong khi nhu cầu nội địa dự kiến sẽ khá ổn định nên nhu cầu sẽ giảm dưới 10% trong năm nay.

Đơn vị phân tích cũng cho rằng, nhu cầu yếu có thể khiến doanh nghiệp thép gặp áp lực khi chi phí đầu vào tăng cao.

Giá HRC phục hồi có thể giúp cải thiện lượng hàng tồn kho của doanh nghiệp thép. Tuy nhiên, nhu cầu suy yếu đang khiến các công ty gặp khó khăn hơn trong việc chuyển toàn bộ phần tăng chi phí đầu vào vào giá bán, đặc biệt là ở thị trường nội địa. Kể từ khi chạm đáy vào tháng 11, giá tôn mạ trung bình đã phục hồi khoảng 10% trong 3 tháng qua, thấp hơn mức phục hồi khoảng 25% - 30% của giá HRC.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm