Bất động sản

"Sóng" bất động sản phía Nam đang bắt đầu hình thành, thu hút sự chú ý của giới đầu tư đổ về khu vực này

Tại Hội thảo "Bất động sản siêu đô thị TP.HCM: Thời cơ vàng cho nhà đầu tư Hà Nội" diễn ra mới, đánh giá tác động của việc sáp nhập Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP.HCM trở thành một siêu đô thị, TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đưa ra 3 tác động cơ bản.

Thứ nhất là từ thị trường đô thị chuyển thành thị trường vùng mở rộng không gian phát triển. Bởi vì sự hình thành siêu đô thị mở rộng định nghĩa về thị trường bất động sản TP.HCM, theo đó không còn giới hạn, ranh giới địa lý mà trải trên trục kết nối vùng từ Thủ Đức sang Biên Hòa ở phía Đông Bắc, đến Long Thành, Nhơn Trạch ở phía Đông, tới Bà Rịa, Hồ Tràm ở phía Đông Nam.

Tiếp theo là tạo ra các hành lang phát triển bất động sản công nghiệp, logistics, đô thị và nghỉ dưỡng gắn với các tuyến hạ tầng lớn như Vành đai 3, cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây… Trong một siêu đô thị như vậy, bất động sản không chỉ là nơi ở mà còn là mắt xích trong chuỗi giá trị sản xuất gắn với chiến lược phát triển của toàn vùng.

TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

Thứ hai, trục Đông Bắc là cơ hội hình thành cực tăng trưởng bất động sản mới. Trục Đông Bắc là TP.HCM trải từ Thủ Đức đến Dĩ An, Thuận An, Bình Dương cũ, Biên Hòa, Long Thành. Trục này là nơi hội tụ hạ tầng hiện đại gồm các tuyến cao tốc metro, sân bay, cảng; dân số trẻ và lực lượng lao động dồi dào; các khu công nghiệp và đại học lớn; quỹ đất lớn để phát triển.

Tại đây đang hình thành một cực tăng trưởng bất động sản tích hợp đa chức năng, gồm: bất động sản nhà ở cao cấp cho chuyên gia, khu công nghiệp công nghệ cao, bất động sản văn phòng thương mại, trung tâm đổi mới sáng tạo và đặc biệt là không gian phát triển các đô thị sáng tạo thông minh bền vững. Nếu được quy hoạch và điều phối bài bản, đây sẽ trở thành thung lũng silicon mới của Việt Nam và là điểm đến đầu tư hấp dẫn bậc nhất cho các quỹ phát triển bất động sản quốc tế.

Thứ ba, một chu kỳ phát triển mới, chất lượng cao, bền vững gắn với thể chế đang hình thành. Khác với các giai đoạn trước khi bất động sản chủ yếu chạy theo sóng ngắn hạn, thông tin quy hoạch đơn lẻ, thì chu kỳ mới sẽ được dẫn dắt bởi thể chế mạnh mẽ, giảm rủi ro, tạo nền tảng dài hạn; quy hoạch vùng rõ ràng tăng độ minh bạch và khả năng dự báo; cơ sở hạ tầng quy mô lớn làm tăng giá trị nội tại của tài sản; chuyển đổi số minh bạch hóa thị trường, thu hút tổ chức lớn và hạn chế đầu cơ.

"Tôi cho rằng, đây là thời kỳ đầu tư của các nhà đầu tư thông minh dài hạn có chiến lược, có năng lực thực hiện các dự án quy mô lớn", TS Nguyễn Sĩ Dũng nhận định. 

Cũng tại hội thảo, TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách của Thủ tướng Chính phủ, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV thông tin, về quy mô, TP.HCM hiện nay có quy mô lớn hơn rất nhiều sau sáp nhập, gần gấp đôi Hà Nội. Về cơ cấu bất động sản, TP.HCM đa dạng và ngày càng đa dạng hơn rất nhiều so với Hà Nội. Liên quan đến nhà ở, TP.HCM có rất nhiều công nhân đang có nhu cầu nhà ở, còn Hà Nội không có nhiều công nhân.

Trong thời gian vừa qua, giá bất động sản gây nên nhiều quan ngại vì tốc độ tăng giá quá cao. Trong đó, giá bất động sản tại Hà Nội thời gian gần đây ghi nhận tốc độ tăng cao hơn TP.HCM, kể cả giá cho thuê. 

Do đó, TS. Cấn Văn Lực đánh giá, tiềm năng tăng giá của thị trường Hà Nội không thể nhiều bằng TP.HCM trong thời gian tới, nhất là khu vực Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu cũ.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, TS. Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội môi giới Bất động sản Việt Nam nhận thấy, thực tế, thị trường bất động sản khu vực phía Bắc, đặc biệt là Hà Nội và một số địa phương lân cận hiện đang có mức giá rất cao. Trong giai đoạn từ cuối năm 2024 đến nay, thị trường phía Bắc đã trải qua đợt bùng nổ mạnh, tuy nhiên hiện tại đã xuất hiện dấu hiệu bão hòa.

Ngược lại, thị trường phía Nam dù trước đây ở một số thời điểm có phần sôi động chậm hơn phía Bắc, nhưng hiện nay đang bước vào giai đoạn chuyển động tích cực. Một loạt chính sách mới được đưa ra, nhiều hoạt động được kích hoạt, đặc biệt là các dự án hạ tầng quy mô lớn được đẩy mạnh, tạo lực hút rõ rệt vào khu vực này. 

"Có thể nói, dư địa và cơ hội tăng trưởng của thị trường phía Nam đang lớn dần và sóng bất động sản cũng đang bắt đầu hình thành, thu hút sự chú ý của giới đầu tư. Nam tiến đang trở thành xu hướng tất yếu của các nhà đầu tư có tầm nhìn dài hạn.

Đặc biệt, khu vực TP.HCM mở rộng, nhất là vùng Đông Bắc sau khi sáp nhập đang cho thấy nhiều tín hiệu phát triển tích cực. Đây hứa hẹn sẽ là khu vực trở thành tâm điểm mới của dòng vốn đầu tư trong thời gian tới", ông Đính đánh giá.

Phương Hoàng

Các tin khác

5 tác dụng của gừng ngâm rượu

Gừng là loại gia vị thường gặp trong các bữa ăn của mỗi gia đình, kết hợp ngâm gừng với rượu trắng sẽ nhận được nhiều lợi ích bất ngờ.

Người dân Hà Nội bối rối khi cấm xe máy xăng

Nhiều người dân ủng hộ việc chuyển đổi xe điện để giảm phát thải, ô nhiễm môi trường. Song đa số tỏ ra bối rối, lo lắng công việc, cuộc sống bị ảnh hưởng nếu cấm xe máy xăng.

Bitcoin lập đỉnh mới, phá mốc 120.000 USD/BTC

Đồng tiền mã hóa lớn nhất đã tăng lên mức cao kỷ lục trên 120.00 USD vào phiên giao dịch sáng ngày 14/7, trong bối cảnh tâm lý lạc quan của nhà đầu tư ngày càng gia tăng.