Thuế tăng nhắm vào giới siêu giàu
Hôm 18/2, Bộ trưởng tài chính Singapore LaurenceWong đã công bố kế hoạch tăng thuế thu nhập cá nhân, tài sản và thuế xe cộ - những biện pháp nhằm vào giới siêu giàu.
Bộ trưởng Bộ tài chính Singapore Laurence Wong
Đối với những người siêu giàu của quốc đảo Sư tử, thuế suất thu nhập sẽ được tăng lên bắt đầu từ năm 2024. Mức hiện tại là 22%
Ở Singapore, người dân có thu nhập từ 500.000 đô la Singapore đến 1 triệu đô la Singapore sẽ bị đánh thuế từ mức 22% lên 23% và mức thu nhập vượt quá 1 triệu đô la Singapore (khoảng 17 tỷ VND) cũng tăng từ 22% lên 24%.
Những người có nhà mang đi đầu tư, từ năm 2024 sẽ phải trả 12 đến 36% thuế bất động sản nhà so với mức 10 đến 20% hiện nay. Thuế bất động sản cũng tăng từ 4-16% hiện nay lên 6-32% vào năm 2024.
Tăng thuế GST để có chi phí trang trải cho phúc lợi xã hội và người già
Đối với việc tăng thuế hàng hóa và dịch vụ (GST), Wong cho biết, lộ trình sẽ theo 2 bước, với mức tăng từ 7% hiện tại lên 8% vào tháng 1 năm sau, và sau đó là 9% vào năm 2024.
Thuế carbon hiện tại của nước này là 5 đô la Singapore / tấn cũng sẽ tăng gấp 4 lần vào năm 2024 và sau đó sẽ được tăng lên cho đến khi lên tới 80 đô la Singapore / tấn vào năm 2030.
Wong cho biết, bất chấp những thảm họa kinh tế tiếp diễn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Đây là những động thái quan trọng giúp tăng doanh thu để phục vụ cho các nhu cầu chăm sóc sức khỏe và xã hội cho tầng lớp dân số già của quốc gia cũng như đối phó với biến đổi khí hậu.
Wong nói: "Doanh thu từ việc tăng thuế GST sẽ hướng tới dành cho các phúc lợi chăm sóc sức khỏe và người già".
GST lần đầu tiên được áp dụng vào năm 1994, trong nhiệm kỳ của cựu thủ tướng Goh Chok Tong, với tỷ lệ 3%. Năm 2003, tỷ lệ này đã được tăng lên 4%, và một năm sau đó đã được tăng lên 5%.
Năm 2007, ba năm sau khi thủ tướng đương nhiệm Lý Hiển Long nhậm chức, thuế GST tiếp tục được tăng lên 7%.
Tranh luận về sự cần thiết phải tăng thuế bắt đầu từ đầu những năm 2010 khi các nhà phê bình cho rằng, chính phủ Singapore nên lấy từ các nguồn dự trữ ngoại hối khổng lồ nhiều hơn để trang trải các chi phí xã hội.
Trong bài phát biểu của mình, Wong cho biết lợi nhuận từ các khoản dự trữ đã đóng góp khoảng 17 tỷ đô la Singapore hàng năm vào doanh thu của chính phủ - khoảng 3,5% GDP.
"Đối với mỗi đô la chúng tôi chi cho các dịch vụ công, khoảng 80 xu đến từ thuế và 20 xu còn lại có được thông qua [lợi nhuận đầu tư ròng từ các khoản dự trữ]," Wong nói.
Không ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh quốc gia
Ngay cả với đợt tăng thuế mới nhất, ba loại thuế chính của nước này - GST, thuế doanh nghiệp và thuế thu nhập - vẫn ở mức thấp theo tiêu chuẩn quốc tế, mặc dù đối thủ truyền thống là Hồng Kông không có thuế bán hàng.
Selina Ling, chịu trách nhiệm bộ phận nghiên cứu và chiến lược tại Ngân hàng OCBC của Singapore cho biết, những thay đổi này sẽ không tác động đến năng lực cạnh tranh của Singapore.
"Lộ trình tăng thuế carbon là rất tham vọng và có thể là một cú sốc đối với các công ty, nhưng vẫn là một bước đi đúng hướng với quan điểm bền vững," bà chia sẻ với This Week in Asia sau bài phát biểu của ông Wong.
Bà nói: "Các loại thuế khác chủ yếu liên quan đến cá nhân và tài sản, vì vậy sẽ không ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh quốc gia".
Theo Wong, chi tiêu của chính phủ Singapore dự kiến sẽ tăng lên hơn 20% GDP vào năm 2030, lúc đó cứ 4 người Singapore thì có một người từ 65 tuổi trở lên. Ông nói, nếu không tăng thuế GST, chính quyền sẽ "không có đủ ngân sách để trang trải khi nhu cầu chi tiêu tăng".
Chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe dự kiến sẽ đạt 27 tỷ đô la Singapore (20 tỷ USD) vào năm 2030, tăng từ 11,3 tỷ đô la Singapore vào năm 2019.
(Theo SCMP)