Tập đoàn Toyo Ink Berhad, Công ty TNHH Điện lực Sông Hậu 2 và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Malaysia (Eximbank Malaysia) mới ký kết hợp đồng cấp tín dụng trị giá 980 triệu USD cho dự án Nhiệt điện Sông Hậu 2 nhằm phục vụ công tác thiết kế, mua sắm thiết bị, xây dựng và đưa vào vận hành của dự án.
Công ty TNHH Điện lực Sông Hậu 2 là con ty con do Tập đoàn Toyo Ventures Holding Berhad sở hữu 100% vốn. Eximbank Malaysia đóng vai trò ngânhàng đầu mối thu xếp vốn.
Nhà tài trợ thu xếp vốn phần thiết bị là i-Power Solutions Pte Ltd. Liên danh Sunway Construction và Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Điện 2 (Mã: TV2) là tổng thầu EPC.
Dự án Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 2 thực hiện theo hình thức BOT tại tỉnh Hậu Giang do Tập đoàn Toyo Ink Group Berhad làm chủ đầu tư, có công suất thiết kế 2x1060 MW, là một dự án quan trọng nằm trong Quy hoạch điện VIII.
Việc thu xếp thành công khoản vay gần 1 tỷ USD để thực hiện công tác thiết kế, mua sắm thiết bị, xây dựng và đưa vào vận hành cho dự án Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 2 có thể giúp chủ đầu tư có thể tiếp tục phối hợp với các bên liên quan để triển khai các giai đoạn tiếp theo.
Trước đó vào tháng 3/2023, TV2 và Sunway Construction đã ký kết gói thầu phát triển dự án nhiệt điện Sông Hậu 2 với tổng giá trị khoảng 2,42 tỷ USD, giá trị hợp đồng của TV2 trong tổ hợp thầu trên ước tính khoảng 45%.
Theo kế hoạch, tổ máy số 1 của nhà máy vận hành thương mại vào quý II/2021 và toàn bộ nhà máy vận hành thương mại vào quý II/2022. Tuy nhiên, Nhà máy Nhiệt điện sông Hậu 2 bị trễ tiến độ vì dự án vẫn đang trong quá trình kiểm đếm để thực hiện đền bù, hỗ trợ tái định cư.
Đây là một trong 5 nhà máy nhiệt điện than đang bị chậm tiến độ, gặp khó khăn trong thay đổi cổ đông thu xếp vốn. Bộ Công Thương được yêu cầu làm việc với các nhà đầu tư để cho phép kéo dài đến tháng 6/2024, nếu không triển khai được phải xem xét chấm dứt theo quy định.
Đến đầu tháng 4/2024, Bộ Công Thương có công văn nhắc nhở Công ty Điện lực Sông Hậu 2 về việc “Vi phạm của Bên phát triển Dự án” và Ý định chấm dứt Hợp đồng BOT của Dự án BOT Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 2.
Việc nối lại hoạt động tài trợ tín dụng để triển khai các giai đoạn tiếp theo giúp cho triển vọng dự án sáng sủa hơn, qua đó nhà đầu tư kỳ vọng hoạt động của TV2 có thể khởi sắc khi nhận được nhiều việc hơn.
Mã chứng khoán này từng có đợt lao dốc 21% sau thông tin có thể “khai tử” dự án Sông Hậu 2, về đáy ngắn hạn quanh 35.000 đồng/cp.
Tuy nhiên, TV2 từ cuối tháng 5 đến nay đã có pha đảo chiều mạnh mẽ để leo lên 53.100 đồng/cp, mức đỉnh lịch sử và tăng gấp rưỡi so với đáy ngắn hạn. Giá trị vốn hóa thị trường theo đó cũng lập mức mới 3.586 tỷ đồng.
Hoạt động kinh doanh của TV2 trong một thập kỷ gần nhất nhìn chung đạt mức tăng trưởng cao khi công ty mở rộng sang hoạt động tổng thầu EPC cho các nhà máy nhiệt điện (giai đoạn 2016-2019) và các dự án điện tái tạo (giai đoạn 2019-2021).
Giai đoạn 2016–2019, TV2 đã trúng thầu các hợp đồng EPC cho các dự án nhiệt điện quy mô lớn như Vĩnh Tân 4 (1.200 MW) và Vĩnh Tân 4 mở rộng (600 MW). Ngoài ra, Công ty còn là nhà thầu EPC cho một số dự án điện mặt trời có tổng công suất trên 150 MWp từ năm 2018-2019.
Giai đoạn 2019-2021, TV2 đã giành được một số hợp đồng EPC cho các dự án điện tái tạo như trang trại năng lượng mặt trời Gio Thành 1 & 2 (100 MWp), Điện gió Tân Thuận – giai đoạn 1 (75 MW) và dự án điện gió Chính Thắng (50). MW). Mảng O&M cũng ghi nhận tăng khi công ty ký thêm 450-500 MW công suất năng lượng tái tạo mỗi năm trong giai đoạn 2020-2021.
Tuy nhiên, trong giai đoạn 2022-2023, lợi nhuận của TV2 đạt mức thấp nhất trong 10 năm do các khoản đầu tư vào mảng năng lượng tạm thời chững lại.
Chứng khoán Vietcap từng phân tích nếu nhà thu xếp độc quyền Eximbank Malaysia vẫn bảo đảm nguồn tài chính trước tháng 6/2024 (thời hạn do Chính phủ Việt Nam quy định) thì dự án có thể tiến hành xây dựng.
Theo đó, Vietcap kỳ vọng tổ hợp Nhiệt điện Sông Hậu 2 sẽ bắt đầu vào đầu tháng 7/2024 và đóng góp tổng doanh thu 26.500 tỷ đồng cho TV2 trong giai đoạn 2024-2028 – tương đương 70% tổng doanh thu của công ty.