Tài chính

Serbia bị ảnh hưởng kép về nguồn cung cấp khí đốt

Mới đây (10/1), Bộ Tài chính Mỹ đã công bố lệnh trừng phạt mới nhằm giảm nguồn thu ngân sách từ ngành năng lượng của Nga, trong đó bao gồm các hạn chế đối với công ty dầu khí Naftna Industrija Srbije (NIS) của Serbia. Hiện NIS chủ yếu thuộc sở hữu của các Tập đoàn năng lượng Nga là Gazprom Neft (50%) và Gazprom (6,15%), trong khi Chính phủ Serbia nắm giữ 29,87% cổ phần. Lệnh trừng phạt mới của Mỹ đối với ngành năng lượng của Nga sẽ buộc Tập đoàn Gazprom Neft phải rút toàn bộ cổ phần khỏi công ty dầu mỏ NIS của Serbia và Serbia có thời hạn đến ngày 12/3 để hoàn tất các giao dịch tài chính cuối cùng với Gazprom và Gazprom Neft và thay đổi cơ cấu sở hữu của NIS.

Serbia bị ảnh hưởng kép về nguồn cung cấp khí đốt- Ảnh 1.

Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic phát biểu tại Belgrade, Serbia (Ảnh: balkaninsight.com)

Phát biểu trước báo giới, Tổng thống Aleksandar Vucic cho biết,  lệnh trừng phạt của Mỹ đối với công ty dầu khí đa quốc gia NIS là lệnh trừng phạt cứng rắn nhất đối với một công ty của Serbia. Ông Vucic lưu ý rằng, Serbia không góp phần vào cuộc xung đột giữa các cường quốc, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết vấn đề một cách bình tĩnh.

Trong một diễn biến liên quan khác, Tổng thống Aleksandar Vucic cũng cho biết, dòng khí đốt từ Azerbaijan tới nước này đã dừng lại và hiện chưa rõ khi nào sẽ được nối lại. Theo đó, Serbia sẽ không thể nhận được 1,7 triệu mét khối khí đốt được cung cấp mỗi ngày từ Azerbaijan . Điều này buộc Serbia sẽ phải bắt đầu sử dụng khí đốt dự trữ trong nước.

Serbia sử dụng hơn 3 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm. Năm 2023, Serbia đã ký một thỏa thuận với Azerbaijan để mua 400 triệu mét khối khí đốt tự nhiên mỗi năm kể từ năm 2024, trong khi phần khí đốt còn lại đến từ Nga.

Việc Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt nhằm vào ngành năng lượng Nga cũng như việc Azerbaijan tuyên bố ngừng cung cấp khí đốt đã tác động nghiêm trọng đến nguồn cung khí đốt của Serbia, đặt ra thách thức cho quốc gia Balkan này trong việc tìm kiếm nguồn cung thay thế. Điều này cũng cho thấy những áp lực địa chính trị mà Serbia phải đối mặt để tiếp tục duy trì quan điểm trung lập trong quan hệ với Nga và phương Tây.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm