Kinh doanh

Sáu mặt hàng xuất khẩu chịu tác động mạnh nhất

Tóm tắt:
  • Mỹ áp thuế đối ứng 46% lên 15 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, ảnh hưởng nặng nhất 6 nhóm.
  • Thuế cao làm giảm sức cạnh tranh của hàng Việt tại Mỹ, đe dọa dòng FDI và gây áp lực tỷ giá.
  • 6 nhóm chịu tác động mạnh: điện tử, máy móc, dệt may, gỗ, giày dép, thủy sản (đặc biệt tôm Cà Mau).
  • Doanh nghiệp FDI có thể dịch chuyển sản xuất sang nước có thuế thấp hơn như Ấn Độ, Indonesia.
  • Cà Mau khẩn trương đánh giá tác động và đề xuất giải pháp ổn định xuất khẩu thủy sản.

Theo MBS, mức thuế đối ứng cao sẽ tác động tiêu cực lên ba khía cạnh kinh tế chính. Thứ nhất, thuế suất đối ứng cao làm giảm sức cạnh tranh của các mặt hàng chủ chốt của Việt Nam vào thị trường Mỹ như máy móc, thiết bị, linh kiện điện tử, điện thoại, may mặc, da giày..., trong khi các đối thủ cạnh tranh trực tiếp có mức thuế thấp hơn đáng kể như Ấn Độ (26%), Trung Quốc (34%), Thái Lan (37%)... Thứ hai, trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam cũng là nước chịu mức thuế đối ứng cao nhất, điều này sẽ ảnh hưởng đến dòng vốn FDI sản xuất đang dịch chuyển vào Việt Nam theo chiến lược Trung Quốc +1. Thứ ba, tỷ giá sẽ chịu thêm sức ép do Việt Nam cần phải tăng cường nhập khẩu từ Mỹ nhằm thu hẹp thặng dư thương mại với nước này.

Sáu mặt hàng xuất khẩu chịu tác động mạnh nhất ảnh 1

Việc Mỹ áp thuế 46% sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành sản xuất, chế biến, xuất khẩu thủy sản, đặc biệt là ngành tôm của tỉnh Cà Mau.

“Chúng tôi cho rằng tác động đến các ngành nghề sản xuất sẽ khác nhau phụ thuộc vào tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ trong tổng giá trị xuất khẩu cũng như các đối thủ cạnh tranh của Việt Nam trong cùng phân khúc. Bên cạnh đó, một số mặt hàng còn có hiệu lực về mức thuế cam kết được áp dụng theo Hiệp định Thương mại Việt Nam - Mỹ có hiệu lực tháng 12/2001. Vì vậy, chúng tôi cho rằng các nhóm ngành dệt may, thủy sản, đồ gỗ, bất động sản khu công nghiệp, logistics là những nhóm ngành chịu tác động tiêu cực nhất. Các nhóm ngành cao su, giấy, dây cáp điện... chịu tác động trung bình do tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ thấp. Trong khi đó, nhóm sản phẩm sắt thép không chịu tác động do không nằm trong danh sách sản phẩm chịu thuế đối ứng”, VBS nhận định.

6 nhóm sản phẩm hứng đòn nặng nhất

Thứ nhất là máy tính, sản phẩm điện tử, linh kiện. Các doanh nghiệp sản xuất mặt hàng này chủ yếu là các doanh nghiệp FDI từ Mỹ như Intel, HP, Dell, Amkor… Đứng trước nguy cơ bị áp thuế đối ứng cao, các doanh nghiệp này có thể chủ động dịch chuyển một phần sản xuất trong khâu hoàn thiện đóng gói sản phẩm sang các quốc gia bị đánh thuế đối ứng thấp hơn như Ấn Độ, Indonesia..., tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp và vận tải logistics.

Thứ hai là máy móc, thiết bị, dụng cụ. Tương tự nhóm sản phẩm điện tử linh kiện, các doanh nghiệp chủ yếu trong nhóm mặt hàng này như Rockwell Automation, First Solar cũng là các doanh nghiệp FDI từ Mỹ, ngoài ra còn một số doanh nghiệp FDI từ Trung Quốc, Hong Kong (Trung Quốc). Như vậy, cũng có tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp và vận tải logistics.

Thứ ba là dệt may. Sản phẩm dệt may gia công từ Việt Nam sẽ chịu nhiều bất lợi hơn so với các quốc gia cạnh tranh khác như Bangladesh, Ấn Độ, Trung Quốc, Sri Lanka... với các mức thuế đối ứng thấp hơn. Các doanh nghiệp dệt may Việt Nam có tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ lớn sẽ chịu ảnh hưởng như MSH (70%), TNG (50%), TCM (25%), STK (10%).

Thứ tư là gỗ và sản phẩm gỗ. Trong quá khứ, với những lợi thế về giá thành rẻ nhờ chi phí nhân công và chi phí nguyên liệu rẻ do 70% nguyên liệu là từ trong nước, Việt Nam vươn lên top 3 nước nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ nhiều nhất vào Mỹ. Nếu bị áp thuế đối ứng lên tới 46%, giá các sản phẩm gỗ của Việt Nam sẽ mất đi tính cạnh tranh do giá thành tăng cao, ngang bằng với đối thủ cạnh tranh lớn nhất trong khu vực là Trung Quốc. “Theo chúng tôi đánh giá, các quốc gia như Canada (hiện chiếm 46,4% kim ngạch nhập khẩu gỗ của Mỹ), hay các nước trong khu vực như Indonesia (chiếm 1,5% kim ngạch nhập khẩu gỗ của Mỹ), Malaysia (0,1% kim ngạch nhập khẩu gỗ của Mỹ) có cơ hội để gia tăng thị phần nhờ những lợi thế về giá khi chỉ bị áp thuế ở mức 10-25%”, MBS nhận định.

Thứ năm là giày dép. Nhờ xu hướng dịch chuyển chuỗi sản xuất để giảm phụ thuộc vào Trung Quốc, trong các năm trước, nhiều hãng sản xuất giày dép đã dịch chuyển nhà máy sang Việt Nam, trong đó bao gồm một số hãng nổi bật như Nike (hiện sản xuất khoảng 25% sản phẩm tại Việt Nam), Ugg và Hoka (hiện Việt Nam là nhà cung ứng lớn thứ 2), VF Corporation - sở hữu các hãng như Vans, Timberland (khoảng 18% nguồn cung từ Việt Nam). “Hiện không có doanh nghiệp niêm yết liên quan đến sản xuất da giày, song các doanh nghiệp phát triển bất động sản khu công nghiệp và logistics đường biển sẽ chịu ảnh hưởng lớn nhất”, MBS nói.

Thứ sáu là thủy sản. Hiện nay, các sản phẩm xuất khẩu thủy sản chủ lực như tôm và cá tra đang có mức ưu đãi về thuế xuất khẩu sang Mỹ, do vậy, việc áp thuế đối ứng ảnh hưởng khá tiêu cực đến các doanh nghiệp trong ngành thủy sản. Cụ thể, về ngành tôm tại Mỹ, tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đạt 691 triệu USD, chiếm 18% tổng lượng tôm xuất khẩu năm 2024; sản phẩm tôm Việt Nam đang phải cạnh tranh cao với tôm của Ecuador và Ấn Độ (thuế áp dụng cho Việt Nam trước thuế đối ứng thấp hơn 1-6% so với cả Ấn Độ và Ecuador - hai quốc gia mạnh về quy mô và chi phí sản xuất), bên cạnh đó có cả Indonesia. Về ngách cá tra tại Mỹ, tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đạt 345 triệu USD, chiếm 17% tổng lượng cá tra xuất khẩu năm 2024. Với Mỹ, Việt Nam là thị trường xuất khẩu cá tra lớn thứ hai (sau Trung Quốc). Bên cạnh đó, Indonesia đang dần tăng tỷ trọng xuất khẩu cá tra sang Mỹ.

Tôm Cà Mau bị ảnh hưởng nghiêm trọng

UBND tỉnh Cà Mau nhận định, trước tình hình Mỹ áp dụng mức thuế đối ứng có thể lên tới 46% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam, dự báo sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành sản xuất, chế biến, xuất khẩu thủy sản, đặc biệt là ngành tôm của tỉnh Cà Mau. Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau yêu cầu Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Môi trường, Hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản tỉnh Cà Mau và các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản trên địa bàn tỉnh khẩn trương rà soát; đánh giá toàn diện tác động của việc Mỹ áp dụng mức thuế nêu trên đến hoạt động sản xuất, chế biến, xuất khẩu thủy sản của tỉnh. Các cơ quan, đơn vị đề xuất giải pháp trong ngắn hạn và dài hạn nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực, đảm bảo ổn định sản xuất, chế biến và thị trường tiêu thụ cho ngành hàng thủy sản của tỉnh Cà Mau.

Năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của tỉnh Cà Mau hơn 1,1 tỷ USD, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2023. Xuất khẩu tôm chiếm khoảng 80% tổng kim ngạch, riêng tôm xuất khẩu sang thị trường Mỹ khoảng 75 triệu USD.

Tân Lộc

Các tin khác

Thời tiết miền Bắc những ngày tới

Hôm nay (8/4), khu vực đồng bằng và ven biển Bắc Bộ có sương mù nhẹ, trời có mưa phùn, mưa nhỏ rải rác, ban ngày nhiều mây, ít mưa. Dự báo hình thái thời tiết này còn duy trì ở miền Bắc đến ngày 11/4.

Miền Bắc mưa đến bao giờ?

Hôm nay (6/4), miền Bắc tiếp tục có mưa rào và dông rải rác, riêng vùng núi có mưa vừa đến mưa to. Dự báo hình thái này duy trì đến hết ngày 7/4. Khu vực Bắc Trung Bộ hôm nay cũng có mưa rải rác. Các khu vực khác ít mưa, hửng nắng, riêng Đông Nam Bộ có nắng nóng.

Trở lại ngôi vị giàu nhất thế giới, Elon Musk nắm giữ khối tài sản kỷ lục

Sau hai năm xếp thứ hai, Elon Musk chính thức giành lại vị trí người giàu nhất hành tinh trong danh sách tỷ phú thế giới của Forbes năm 2025. Không chỉ sở hữu khối tài sản kỷ lục 342 tỷ USD, Musk còn vươn lên thành một nhân vật có tầm ảnh hưởng chính trị lớn tại Mỹ, trở thành cố vấn thân cận của Tổng thống Donald Trump

Trung Quốc bắt đầu áp thuế trả đũa Mỹ, giá vàng thế giới lao dốc trong ngỡ ngàng đêm 4/4

Tâm lý né tránh rủi ro vẫn ở mức rất cao vào cuối tuần giao dịch sau tin tức về thuế quan của Mỹ công bố hôm thứ Tư, cùng với các biện pháp trả đũa thương mại từ các đối tác của Mỹ. Lẽ ra điều nãy sẽ khiến tài sản trú ẩn như vàng tăng mạnh. Tuy nhiên, các kim loại quý đang chịu áp lực chốt lời lớn khiến giá vàng lao dốc ngoài dự đoán của nhiều người trong tối 4/4.

Mỹ áp thuế 46% với hàng Việt: Nỗ lực giảm thâm hụt thương mại, đa dạng hóa thị trường

TP - Về tác động của việc Mỹ áp thuế đối ứng, Thương vụ Việt Nam tại Mỹ cho biết, hiệp hội doanh nghiệp nước này đã cam kết tiếp tục duy trì hoạt động tại Việt Nam và sẽ theo dõi động thái chính sách tiếp theo. Ở trong nước, các bộ, ngành cần tích cực hỗ trợ doanh nghiệp tăng kim ngạch nhập hàng hóa từ Mỹ đồng thời nhanh chóng tìm kiếm thị trường thay thế.