Theo dữ liệu của PropertyGuru Việt Nam, sau các phiên đấu giá đất liên tiếp gần đây, giá đất nền tại các huyện ven Hà Nội như Thanh Oai, Phúc Thọ, Hoài Đức...đã ghi nhận mức tăng nhẹ, dao động 3-10%.
Ví dụ tại Phúc Thọ, giá rao bán đất tăng từ 3-5%. Tại Thanh Oai, giá đất tăng 5-7%. Cụ thể, các lô đất trước đây có giá 25-30 triệu đồng/m2 nay tăng lên khoảng 26-32 triệu đồng/m2, trong khi đất phân lô tăng từ 35-40 triệu đồng/m2 lên 37-45 triệu đồng/m2.
Tuy nhiên, PropertyGuru Việt Nam cho rằng, sự tăng trưởng về giá này không quá mạnh mẽ so với các năm trước, cho thấy thị trường vẫn chưa hoàn toàn bùng nổ. Bên cạnh đó, mặc dù giá đất có xu hướng tăng nhưng số lượng giao dịch thực tế tại những "điểm nóng" về đất đấu giá thời gian qua như Thanh Oai lại không quá nhiều. Nguyên nhân là nhà đầu tư vẫn duy trì tâm lý thận trọng, tiếp tục quan sát thị trường.
Chị Nguyễn Ngọc Mai - một nhà đầu tư tại Hà Nội chia sẻ, đầu tháng 8/2024, chị rao bán mảnh đất rộng 100m2 tại huyện Hoài Đức với giá 4 tỷ đồng. Nhưng sau hơn 1 tháng, mảnh đất này vẫn chưa có người mua.
" Tôi mua từ giữa năm 2023 với giá 3,2 tỷ đồng. Cứ nghĩ sau khi đất đấu giá Hoài Đức đạt mức hơn 100 triệu đồng/m2 thì thị trường "nóng" lên, lô đất của tôi cũng được "thơm lây". Nhưng thực tế, dù nhiều người hỏi han song không ai chốt. Dường như mọi người vẫn đang có tâm lý nghe ngóng thị trường ", chị Mai nói.
Tương tự, anh Lê Trung Kiên, một nhà đầu tư đất ở huyện Thanh Oai cũng đang phải tính đến phương án hạ dần giá rao bán ban đầu để dễ bề "thoát hàng". Anh Kiên đầu tư 2 lô đất tại huyện này (cách khu vực đấu giá vừa qua khoảng 3 km), hiện đang rao bán với giá 35 triệu đồng/m2 mà vẫn khó tìm người mua.
" Đất đấu giá lên tới hơn 100 triệu đồng/m2, trong khi lô đất của tôi giá chỉ bằng 1/3, hạ tầng đẹp, khu vực có sẵn dân cư. Tôi định tranh thủ thị trường "nổi sóng" để đẩy hàng nhưng thực tế rao bán đã gần 2 tháng, dù lượng người hỏi mua nhiều song đa số họ chỉ thăm dò là chính ", anh Kiên cho biết.
Các chuyên gia bất động sản cũng cho rằng, thời điểm này, đất nền vùng ven Hà Nội dù hấp dẫn nhà đầu tư do hiệu ứng của những phiên đấu giá "nóng bỏng tay" nhưng vẫn khó có thể đột biến. Nguyên nhân là việc trả giá cao tại một số phiên đấu giá vừa qua chỉ là chiêu trò thổi giá của một nhóm nhà đầu cơ. Chiêu bài này rất dễ bị bóc trần, từ đó nhà đầu tư không có nhiều niềm tin để xuống tiền vào thời điểm này. Thậm chí, thị trường còn nhanh chóng suy thoái khi các nhóm đầu cơ này rút lui khỏi thị trường.
Ngoài ra, tại các huyện xa trung tâm, giá đất khó tăng đột biến bởi quỹ đất rộng, lại chưa có nhiều dự án quy hoạch lớn. Vì vậy, tuy có thể tăng nhưng không đáng kể và chưa thể biến động lớn.
Theo bà Phạm Thị Miền, Phó trưởng ban Nghiên cứu thị trường và tư vấn, xúc tiến đầu tư thuộc VARS, thị trường đất nền ven đô Hà Nội tại các điểm nóng quy hoạch như Đông Anh, Gia Lâm, hoặc những khu vực xung quanh vành đai 4 hiện nay vẫn nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư. Còn lại nhìn chung, giá đất nền ở vùng ven Hà Nội thời gian gần đây tăng nhẹ 3 - 5%. Điều này trái ngược so với thời điểm quý I khi giá đất nhiều nơi tăng vọt 20 - 40%.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng Giám đốc Property Guru Việt Nam, nhận xét mặt bằng giá đất nền ven Hà Nội đã tăng khoảng 10% trong một năm nay. Tuy nhiên, không phải khu vực nào cũng ghi nhận sự tăng giá.
" Đất nền tiềm năng nhưng không có nghĩa là mua đâu cũng thắng mà tùy từng khu vực, từng thời điểm. Giai đoạn tới, người đầu tư cần khó tính hơn, trước khi xuống tiền phải dựa trên dữ liệu, phân tích thông tin quy hoạch chính xác. Đã có không ít nhà đầu tư "đu đỉnh" đất nền rơi vào cảnh mắc cạn bởi mua rồi nhưng khó bán hoặc phải cắt lỗ nếu cần tiền gấp. Đất nền tăng nhưng theo khảo sát vẫn còn một số khu vực rất trầm lắng, giao dịch giảm ", ông Quốc Anh đưa ra lời khuyên.