BS.CKI Nguyễn Hữu Công, Trung tâm Sản Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết người chỉ số khối BMI lý tưởng 18,5-25 có thể thụ thai tự nhiên, còn chị Điệp trước khi mang thai nặng 91 kg, chỉ số BMI 38. Tình trạng béo phì và lượng mỡ cao dẫn đến rối loạn hormone, kinh nguyệt không đều, chu kỳ rụng trứng hàng tháng gián đoạn, 4 năm chị mới mang thai.
Lần khám thai đầu tiên, chị Điệp được bác sĩ cảnh báo về số cân nặng và tư vấn chế độ dinh dưỡng nghiêm ngặt để đảm bảo thai kỳ an toàn, khuyến cáo số cân nặng có thể tăng tối đa trong quá trình mang thai. Tuy nhiên chị khó kiểm soát chế độ ăn uống theo yêu cầu. Tuần thai 16, chị tăng 7 kg, bác sĩ chỉ định nghiệm pháp dung nạp glucose sớm do mẹ béo phì (thường quy thực hiện ở tuần 24-28), kết quả là đái tháo đường thai kỳ mức độ nặng.
Bác sĩ tại khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, điều trị cho chị Điệp bằng tiêm insulin 4 mũi một ngày trước ăn (sáng, trưa, tối) và một liều trước đi ngủ. Chỉ số đường huyết lúc đói của thai phụ cho phép chỉ dưới 5,3 mmol/l, chỉ số sau ăn hai giờ cần đạt mức dưới 6,7 mmol/l.
Đái tháo đường thai kỳ làm tăng tỷ lệ mắc bệnh, tử vong của mẹ và thai nhi. Trẻ sơ sinh có nguy cơ bị suy hô hấp, hạ đường máu, hạ calci máu, tăng bilirubin máu, bệnh đa hồng cầu và tăng độ nhớt máu. Thai phụ dễ sảy thai, lưu thai, phải sinh mổ, tiền sản giật, thai to hoặc thai khổng lồ (lớn hơn 4 kg hoặc khi sinh nặng trên 4,5 kg). Bệnh có thể khiến thai nhi cân nặng bất thường ngay cả khi mức đường huyết thai phụ điều trị ổn định. Thai phụ đái tháo đường dễ sinh con to bất thường do lượng glucose trong máu tăng lên truyền sang con, khiến tuyến tụy của thai nhi hoạt động mạnh để sản sinh insulin nhằm chuyển hóa glucose đó thành năng lượng.
Ở tuần thai 37, chị Điệp có dấu hiệu tiền sản giật, đau đầu, nhìn mờ, phù, tăng huyết áp, protein niệu trong nước tiểu, phải mổ cấp cứu lấy thai. "Đây là ca khó do mẹ béo phì, thai nhi nặng cân dễ bị chấn thương khi sinh mổ", bác sĩ Công nói. Mẹ cũng tăng nguy cơ nhiễm trùng sau sinh mổ, nguy cơ tắc mạch ối cao gấp đôi so với người cân nặng bình thường. May mắn, bé trai chào đời khỏe mạnh, mẹ cũng an toàn sau sinh và đang được theo dõi sức khỏe.

Bác sĩ Công đón em bé nặng 5 kg chào đời. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Trẻ sơ sinh đủ tháng có cân nặng trung bình khoảng 2,8-3,5 kg. Chị Điệp sinh con 5 kg, trọng lượng gần tương đương trẻ 2 tháng. Hiện, bé chào đời nặng cân nhất Việt Nam là 7,1 kg ở Vĩnh Phúc, sinh năm 2017. Một bé gái ở Gia Lai chào đời năm 2008 cân nặng gần 7 kg. Năm 2014, một bà mẹ ở Quảng Nam nặng 102 kg sinh con 6,5 kg. "Một trong ba nguyên nhân phổ biến khiến trẻ sơ sinh có trọng lượng khác thường do người mẹ bị đái tháo đường thai kỳ", bác sĩ Công nói.
Quá trình sinh nở của sản phụ mắc đái tháo đường có nhiều nguy cơ biến chứng sản khoa hơn. Người mẹ khó khăn khi sinh ngả âm đạo và nguy cơ chấn thương con (gãy xương đòn, tổn thương đốt sống cổ) vì ngạt chu sinh, phải hỗ trợ lấy thai bằng phương pháp forcep... Trường hợp con to, thai phụ nên được mổ bắt thai để đảm bảo an toàn.
Thai phụ nặng cân, béo phì tiềm ẩn nhiều nguy cơ như đái tháo đường thai kỳ, tiền sản giật, thai nhi dị tật bẩm sinh ở tim hay ống thần kinh. Thai nhi nguy cơ sinh non, chết lưu - mẹ có chỉ số BMI càng cao thì nguy cơ này càng lớn. Thai phụ phải sinh mổ do sự giãn nở của tử cung không đáp ứng kích thước thai nhi.
Bác sĩ Công khuyến cáo phụ nữ béo phì cần giảm cân trước khi mang thai, đảm bảo BMI dưới 27. Thai phụ béo phì nên thường xuyên kiểm tra chỉ số đường huyết, chức năng gan, thận, huyết áp và xét nghiệm sàng lọc thai nhi trong ba tháng đầu thai kỳ. Ba tháng giữa - tuần thai 26 đến 28 hoặc sớm hơn nếu thai phụ có chỉ định của bác sĩ - cần xét nghiệm đường huyết và phương pháp dung nạp đường huyết nhằm giảm nguy cơ tiền sản giật, đái đường thai kỳ. Hai tháng cuối, thai phụ có nguy cơ tăng huyết áp thai kỳ, tiền sản giật, đẻ khó, đẻ non... cần theo dõi chặt chẽ tránh biến chứng nặng.
Độc giả đặt câu hỏi về sản phụ khoa tại đây để bác sĩ giải đáp |