Dinh dưỡng

Sai lầm "càng đau càng hiệu quả" khi tập gym

Tóm tắt:
  • Tuấn, 27 tuổi, bị đau lưng dưới khi tập gym và chủ quan bỏ qua, dẫn đến thoát vị đĩa đệm.
  • Anh tập nặng hơn để tăng cơ nhanh, nhưng không nhận ra dấu hiệu chấn thương.
  • Một bệnh nhân khác cũng bỏ qua triệu chứng đau chân, dẫn đến huyết khối tĩnh mạch sâu và phải cắt bỏ chân.
  • Tập luyện sai cách có thể gây chấn thương nghiêm trọng, cần nhận diện đúng các dấu hiệu đau.
  • Bác sĩ khuyên nên xen kẽ bài tập nặng và nhẹ, nghỉ ngơi đủ để giảm nguy cơ chấn thương.

Người đàn ông ở Hà Nội, tập gym đều đặn 6 buổi/tuần với mục tiêu tăng cơ nhanh chóng. Gần đây, để rút ngắn thời gian, Tuấn bắt đầu tập nặng hơn, tăng khối lượng tạ và rút ngắn thời gian nghỉ. Sau mỗi buổi, cơ thể ê ẩm kéo dài, anh nghĩ: "Càng nặng càng nhanh lên cơ". Hôm nào không đau, Tuấn nhầm tưởng ít hiệu quả, tiếp tục tập nặng hơn.

Một hôm khi đang tập deadlift - bài phức hợp giúp tăng sức mạnh và phát triển cơ bắp, Tuấn nghe tiếng "rắc", thấy đau buốt chạy dọc sống lưng. Anh nhăn mặt nhưng cười nghĩ: "Đau tí là bình thường, chứng tỏ cơ bắp đang được tác động và phát triển", tiếp tục đẩy tạ nặng.

Hôm sau, cơn đau trở nên dữ dội, lan xuống chân khiến người đàn ông không thể cử động hay sinh hoạt, phải vào viện khám. Bác sĩ chẩn đoán Tuấn bị thoát vị đĩa đệm và rách cơ lưng dưới, nếu không điều trị có thể mất khả năng vận động tạm thời. Tuấn được yêu cầu nghỉ ngơi, hạn chế vận động mạnh ít nhất 3 tháng, đối mặt nguy cơ bị đau lưng mạn tính sau này.

Bác sĩ Đoàn Dư Mạnh, Hội bệnh Mạch máu Việt Nam, cũng từng tiếp nhận một người đàn ông ngoài 30 tuổi, sau khi tập gym thấy chân trái hơi sưng đau, nhưng chủ quan nghĩ do cơ bắp đang phát triển nên bỏ qua. Đến khi các triệu chứng đau ngày càng nặng, chân bị bầm tím, mất cảm giác, bệnh nhân mới đến viện. Bác sĩ chẩn đoán bị huyết khối tĩnh mạch sâu chân trái, do đến trễ nên hoại tử, phải cắt bỏ.

Nguy hiểm hơn, vài tháng sau, người bệnh tiếp tục nhập viện khi xuất hiện triệu chứng đau ngực. Kết quả khám cho thấy huyết khối xuất hiện ở tĩnh mạch chân phải, tâm thất và động mạch phổi hai bên. Tình trạng này có thể dẫn đến nhồi máu phổi và tắc động mạch phổi.

Bác sĩ nhận định bệnh nhân gặp phải tình trạng huyết khối rất nặng, sau khi xuất viện vẫn phải tiếp tục theo dõi chặt chẽ vì nguy cơ luôn tiềm tàng. Trong tim bệnh nhân có huyết khối cũng giống như một "quả bom hẹn giờ", nguy cơ gây tắc hoàn toàn động mạch phổi, dẫn đến tử vong. Người bệnh cũng cần dùng thuốc chống đông máu suốt đời, song mặt trái của loại thuốc này là khiến cơ thể dễ chảy máu hơn, vết thương lâu liền vì không đông được máu. Nếu dùng quá liều có thể dẫn đến xuất huyết dạ dày, não.

Ảnh minh họa: qq

Ảnh minh họa: QQ

Bác sĩ Nguyễn Trọng Thủy, Trung tâm Y học thể thao Starsmec, nguyên bác sĩ đội tuyển quốc gia và U23 Việt Nam, cho biết cơn đau nhức mang tính hiệu quả - dấu hiệu của sự phát triển cơ bắp, được gọi là DOMS (Delayed Onset Muscle Soreness). Cơ thể sẽ đau nhức sau khoảng 24 - 48 giờ kể từ khi thực hiện các bài tập nặng hoặc không quen thuộc, dấu hiệu cho thấy cơ bắp đang phát triển.

Nguyên nhân bởi khi tập, cơ bắp sẽ bị đứt gãy một phần nhỏ các sợi cơ, dẫn đến một quá trình tái tạo và phục hồi các sợi cơ này. Quá trình này tạo ra viêm cơ, làm cho cơ bắp nhức mỏi - dấu hiệu cơ thể đang tự sửa chữa và xây dựng lại cơ bắp mạnh mẽ hơn. Đặc điểm nhận diện cơn đau hiệu quả gồm cảm giác nhức nhẹ đến vừa phải, đau không kéo dài quá lâu, giảm dần sau vài ngày; không có dấu hiệu sưng tấy hay bầm tím; không cản trở chuyển động.

Nhiều người không bị đau nhức sau các buổi tập, nhầm tưởng là không hiệu quả, điều này hoàn toàn sai lầm. Không đau cũng là dấu hiệu cho thấy cơ bắp đã thích nghi với lịch luyện tập đều đặn và trở nên hiệu quả hơn trong việc xử lý.

Cơn đau do tập sai cách là một nguy hiểm, dấu hiệu là đau ngay lập tức trong hoặc sau tập luyện, đặc biệt là những khu vực như khớp, lưng dưới, hoặc gân. Những cơn đau này không âm ỉ mà rất mạnh, không giảm, thường xảy ra ngay lập tức khi thực hiện động tác sai. Đặc biệt cơn đau đi kèm với sưng hoặc bầm tím hoặc giảm khả năng chuyển động là những dấu hiệu rõ ràng của chấn thương.

Nguyên nhân là khi tập luyện sai kỹ thuật, đơn cử nâng tạ quá mức hoặc tư thế không đúng, cơ thể phải gánh chịu một áp lực không cần thiết lên các khớp, cơ và gân, dẫn đến tổn thương mô. Việc cố gắng tập hoặc không có thời gian phục hồi đủ sẽ khiến cơ thể bị căng thẳng, dẫn đến chấn thương.

Bác sĩ Mạnh cảnh báo tập luyện quá mức có thể khiến cơ chân phát triển mạnh, chèn ép tĩnh mạch sâu, gây cản trở lưu thông máu từ chân lên tim, dễ dẫn đến huyết khối. Huyết khối thường biểu hiện sưng đau, mỏi chân, chuột rút ở một bên chân. Khi chân phù, bệnh đã ở giai đoạn muộn, điều trị khó khăn và nguy hiểm. Các dấu hiệu ban đầu dễ bị bỏ qua do nhầm lẫn với vấn đề khác.

Tập luyện cường độ cao cũng khiến tim đập nhanh, nhu cầu oxy tăng. Người mắc bệnh mạch vành có nguy cơ mảng xơ vữa bong tróc, gây tắc nghẽn mạch máu, dẫn đến đột quỵ hoặc nhồi máu cơ tim. Với người có bệnh tim tiềm ẩn, vận động quá sức có thể làm rối loạn hoạt động co bóp của tim.

Theo Livestrong, nên xen kẽ các bài tập nặng và nhẹ để giảm quá tải khớp và tăng hiệu quả tập luyện. Liên tục tập bài cường độ cao như chạy hay nâng tạ làm tăng nguy cơ thoái hóa khớp háng, gối. Các bài tập nhẹ giúp cơ bắp phát triển ổn định và giảm chấn thương.

Người trưởng thành nên rèn luyện sức bền ít nhất 2 lần/tuần, ưu tiên bài tập toàn thân như squat, nâng tạ, gập gối. Kéo giãn cơ khoảng 20 phút vài lần mỗi tuần giúp tăng linh hoạt và giảm nguy cơ chấn thương.

Bác sĩ Thủy khuyên nên nghỉ tập ít nhất một ngày mỗi tuần, nghỉ 6 giờ giữa các buổi tập để cơ thể phục hồi. Tránh tập ở nhiệt độ quá cao hoặc thấp và tăng độ khó từ từ để tránh chấn thương. Luôn tham khảo huấn luyện viên hoặc tài liệu chuyên môn để duy trì kỹ thuật đúng.

"Thay vì dùng cảm giác đau nhức để đo lường hiệu quả buổi tập, hãy theo dõi tiến độ thông qua cải thiện về sức mạnh, sức bền", chuyên gia nói.

Các tin khác

Bất động sản Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ diễn ra đợt “định giá lại” khi sáp nhập với Tp.HCM?

Mới đây, Thông tin Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu dự kiến sáp nhập với Tp.HCM theo Nghị Quyết 60- NQ/TW gây chú ý cho thị trường bất động sản khu vực. Khi sáp nhập vào Tp.HCM, người mua bất động sản nơi đây sẽ giải toả được tâm lý “nhà ở tỉnh”, đồng thời các khu vực này được các chuyên gia dự báo có đợt “định giá lại” về mặt bằng giá bất động sản.

Có thể trị sẹo bỏng bằng laser không?

Tôi bị bỏng nước sôi ở bắp tay cách đây hơn một năm, sẹo sậm màu, bề mặt không đều, dùng nhiều loại kem trị sẹo không cải thiện. Có thể điều trị bằng laser không? (Đức Anh, 28 tuổi, Đồng Nai)