Thông tin này được bà Cao Thị Ngọc Quỳnh, Giám đốc khối Ngân hàng đầu tư Công ty cổ phần Chứng khoán SSI, đơn vị tư vấn thương vụ thoái vốn của Petrolimex tại Ngân hàng Xăng dầu (PGBank), nêu tại hội nghị nhà đầu tư chiều 22/3.
Theo bà Quỳnh, PGBank là số ít nhà băng trên thị trường còn "room" ngoại - tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tối đa 30%, trong khi hầu hết đã kín hạn mức này. Do đó, nếu nhà đầu tư ngoài mua cổ phần khi Petrolimex thoái vốn có thể sở hữu tối đa 28% vốn.
"Đây là cơ hội tốt trong bối cảnh Chính phủ có thể tạm ngừng cấp phép cho ngân hàng 100% vốn nước ngoài", bà Quỳnh nói.
Theo kế hoạch, toàn bộ 120 triệu cổ phiếu PGBank (mã CK: PGB) tương đương 40% vốn Petrolimex nắm tại ngân hàng này, sẽ được đấu gia công khai tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) vào ngày 7/4. Giá khởi điểm là 21.300 đồng một cổ phiếu, ước tính số tiền Petrolimex thu về không dưới 2.550 tỷ đồng khi thoái hết 40% vốn tại PGBank.
Ông Trần Ngọc Năm, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu (Petrolimex), cho biết sau thoái vốn sẽ dành tiền tập trung vào mảng kinh doanh cốt lõi là xăng dầu và đầu tư vào các dự án chiến lược.
Lãnh đạo Petrolimex nói tin tưởng thương vụ này "thành công lớn", bởi vốn điều lệ của PGBank hiện là 3.000 tỷ đồng, còn dư địa tăng vốn rất lớn khi có sự tham gia của nhà đầu tư mới. Tỷ lệ nợ xấu thấp, khoảng 2,56%, nên PGBank có điều kiện mở rộng tăng trưởng tín dụng so với các băng khác cùng phân khúc.
Về việc hợp tác sau thoái vốn, ông Trần Ngọc Năm nói tập đoàn này vẫn đồng hành với PGBank trên nguyên tắc bình đẳng, đảm bảo hiệu quả, lợi ích.
PGBank hiện nằm trong số ít ngân hàng có vốn sở hữu thấp, 3.000 tỷ đồng. Mạng lưới hoạt động có 16 chi nhánh, 63 phòng giao dịch tại 15 tỉnh thành phố và 74 điểm ATM.
Thực tế, việc Petrolimex thoái vốn ít nhiều ảnh hưởng tới tiền gửi, khoản vay, bảo lãnh phát hành, tài khoản ngân hàng, dịch vụ thanh toán tại các cây xăng. Nhưng ông Nguyễn Quang Định, Chủ tịch PGBank, chia sẻ ngân hàng đang mở rộng mạng lưới khách hàng sang nhiều doanh nghiệp khác trong chiến lược đa dạng hoá, giảm thiểu rủi ro. Tỷ trọng huy động vốn từ Petrolimex và các doanh nghiệp thành viên chỉ chiếm hơn 5% tổng huy động; dư nợ nhóm khách hàng này khoảng 2%.
Các dịch vụ tài chính PGBank cung cấp cho Petrolimex và các công ty con trong hơn 16 năm qua với giá cạnh tranh, chất lượng cao, nên ngân hàng tin vẫn giữ được nhóm này sau thoái vốn.
Ông nói thêm, ngân hàng đã trải qua thời gian dài tái cấu trúc, từ năm 2015 đến nay không tăng vốn điều lệ (3.000 tỷ đồng), giữ nguyên mạng lưới 69 phòng giao dịch. Nếu vốn được tăng thêm, cùng với hỗ trợ của nhà đầu tư mới, ngân hàng sẽ có bước phát triển đột phá hơn.
Năm 2022, PGBank lãi trước thuế 506 tỷ đồng. Biên lãi ròng (NIM) của ngân hàng này đã giảm từ 3% vào năm 2019 xuống chỉ còn 2% vào năm 2021 trước khi tăng trưởng trở lại vào năm 2022. Cơ cấu dư nợ vay chủ yếu là khách hàng doanh nghiệp đạt 16.120 tỷ đồng, tương đương 55,5% tổng dư nợ cho vay; cá nhân chiếm 43,8%.
Tiền gửi tại ngân hàng chủ yếu đến từ tiền gửi có kỳ hạn của khách hàng cá nhân với hơn 20.390 tỷ đồng (74,5%), còn lại là khách hàng doanh nghiệp với hơn 7.960 tỷ.
Đại diện Petrolimex và PGBank đều cho biết nhận được nhiều quan tâm từ các nhà đầu tư tới cổ phiếu PGB trong quá trình chuẩn bị cho thương vụ thoái vốn này. Tuy nhiên, phương án thoái vốn cuối cùng được cấp có thẩm quyền quyết là chào bán ra công chúng, không hướng tới bất kỳ nhà đầu tư đặc biệt nào để đảm bảo minh bạch.