Kinh doanh

Quốc gia đầu tiên trên thế giới lên kế hoạch sử dụng AI soạn thảo luật, tốc độ nhanh hơn 70% thông thường

Tóm tắt:
  • UAE dự kiến sử dụng AI để xây dựng và chỉnh sửa luật pháp mới.
  • Các chuyên gia lo ngại về độ tin cậy và sự thiếu minh bạch của AI.
  • AI sẽ đề xuất cập nhật luật pháp, rút ngắn thời gian xây dựng luật tới 70%.
  • UAE là quốc gia đầu tiên biến AI thành “nhà lập pháp” trong quá trình lập pháp.
  • Cần thiết lập cơ chế kiểm soát con người khi ứng dụng AI vào lập pháp.
 - Ảnh 1.

Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đang lên kế hoạch sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để hỗ trợ xây dựng luật mới và rà soát, chỉnh sửa hệ thống pháp luật hiện hành.

Theo truyền thông UAE, kế hoạch này là một cách tiếp cận tham vọng chưa từng có trên thế giới, theo đánh giá của các nhà nghiên cứu AI. Trong khi nhiều quốc gia khác đang ứng dụng AI để tóm tắt dự thảo luật hay cải thiện dịch vụ công, UAE hướng đến việc để AI trực tiếp đề xuất thay đổi luật hiện hành dựa trên dữ liệu pháp lý và hành chính.

“Chúng tôi sẽ thay đổi cách xây dựng luật pháp – nhanh hơn, chính xác hơn – nhờ hệ thống lập pháp mới sử dụng AI”, Quốc vương Dubai kiêm Phó Tổng thống UAE Sheikh Mohammad bin Rashid Al Maktoum phát biểu.

Tuần trước, nội các UAE đã phê duyệt việc thành lập đơn vị mới phụ trách triển khai kế hoạch AI trong lĩnh vực lập pháp.

Giáo sư Rony Medaglia (Trường Kinh doanh Copenhagen) nhận định UAE đang thể hiện tham vọng táo bạo: biến AI thành một “nhà lập pháp”.

Abu Dhabi đã đặt cược lớn vào AI với việc thành lập quỹ đầu tư MGX năm ngoái. MGX đã rót vốn vào quỹ hạ tầng AI trị giá 30 tỷ USD của BlackRock và bổ nhiệm một cố vấn về AI vào hội đồng quản trị.

Chính phủ UAE đặt mục tiêu xây dựng cơ sở dữ liệu lớn bao gồm luật liên bang và địa phương, cùng dữ liệu công như phán quyết tòa án và dịch vụ hành chính, để AI phân tích tác động của pháp luật đến xã hội và nền kinh tế.

AI sẽ thường xuyên đề xuất cập nhật luật pháp, giúp quá trình xây dựng luật nhanh hơn tới 70%, theo biên bản cuộc họp nội các.

Tuy vậy, các chuyên gia cảnh báo nhiều rủi ro tiềm ẩn, từ sự thiếu minh bạch trong quá trình xử lý của AI và liệu AI có thể hiểu và áp dụng luật pháp như con người hay không.

“Các mô hình AI hiện nay vẫn còn sai sót, thiếu ổn định và dễ tạo ra kết quả ảo”, nhà nghiên cứu Vincent Straub (Đại học Oxford) cảnh báo. “Chúng ta chưa thể đặt niềm tin hoàn toàn”.

Điểm đặc biệt trong kế hoạch của UAE là AI không chỉ hỗ trợ, mà còn dự đoán các thay đổi pháp luật cần thiết trong tương lai, từ đó có thể giúp tiết kiệm chi phí khi so với việc thuê các hãng luật rà soát luật pháp.

“UAE đang tiến thêm một bước, từ vai trò là công cụ hỗ trợ sang dự đoán và định hình pháp lý”, Straub nhận xét.

Theo giảng viên Keegan McBride (Viện Internet Oxford), mô hình chính quyền tập trung giúp UAE dễ dàng số hóa bộ máy hơn so với các nền dân chủ. “Họ có thể triển khai nhanh và chấp nhận thử nghiệm.”

McBride cho biết, hiện có nhiều chính phủ đang thử ứng dụng AI vào các khâu nhỏ trong quy trình lập pháp, nhưng chưa quốc gia nào triển khai kế hoạch quy mô như UAE.

Hiện chưa rõ UAE sẽ sử dụng hệ thống AI nào. Các chuyên gia cho rằng có thể cần tích hợp nhiều mô hình khác nhau. Tuy nhiên, việc thiết lập cơ chế kiểm soát và giám sát của con người là điều bắt buộc.

Tham khảo: FT

Các tin khác

Điều chỉnh tăng lương hưu từ ngày 1/7

Tại Điều 67 Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2024 quy định, lương hưu được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng phù hợp với khả năng của ngân sách Nhà nước và Quỹ BHXH.

ĐHĐCĐ Hodeco bất thành: Chủ tịch nói liên hệ mời cổ đông tham dự đại hội rất khó khăn, nhiều người đứng tên hộ không muốn lộ danh tính

Chủ tịch Hodeco cho biết công ty có đến 18.645 cổ đông. Trong giai đoạn vừa rồi khi có thông tin thuế quan của Mỹ thì cổ phiếu HDC bị bán ra rất nhiều, có thể đến ngày chốt danh sách thì nhiều cổ đông không còn nắm giữ cổ phiếu HDC nữa hoặc có thể học cũng không mặn mà đến việc tham dự đại hội.

EVNSPC tiếp tục đóng điện thành công 6 công trình 110kV chào mừng 50 năm xây dựng và phát triển

Trong hai ngày cuối tuần (19-20/4), Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) đã hoàn thành việc đóng điện và đưa vào vận hành 6 công trình lưới điện 110kV tại các tỉnh Kiên Giang, Bình Thuận, Tây Ninh, Bình Dương, Sóc Trăng và Cà Mau. Các công trình này góp phần nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế - xã hội tại các địa phương.

Chi tiết lịch cấm hơn 20 tuyến đường trung tâm TP.HCM từ nay đến 30.4

Phòng Cảnh sát giao thông TP.HCM (PC08) vừa thông báo về việc cấm đường, hạn chế lưu thông trên một số tuyến đường trung tâm thành phố nhằm bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông phục vụ các hoạt động Tổng hợp luyện, Sơ duyệt, Tổng duyệt và tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam.