Công nghệ

"Quái kiệt AI" Yoshua Bengio: "AI không cướp việc của con người"

"Nhìn chung, những công việc yêu cầu khả năng tự chủ và đưa ra quyết định linh hoạt vẫn là thế mạnh của con người", ông Yoshua Bengio, nhà sáng lập Viện nghiên cứu Mila, khẳng định trong cuộc đối thoại với ông Trương Gia Bình ngày 5/12 ở Hà Nội. "Tuy nhiên, điều này có thể thay đổi trong tương lai. Có thể dự đoán những công việc đơn giản sẽ được tự động hóa trước, trong khi với những công việc đòi hỏi chuyên môn cao, con người sẽ giữ vai trò chủ đạo".

AI không cướp việc của con người

Ông Yoshua Bengio (giữa) và ông Trương Gia Bình (bên phải). Ảnh: Trần Huấn

Khi được hỏi về làn sóng sa thải công nghệ thời gian qua, ông Bengio cho rằng vấn đề không hoàn toàn do hệ quả của sự phát triển AI và tự động hóa, mà còn bị ảnh hưởng bởi các yếu tố điều chỉnh kinh tế. "Điều đó xảy ra vào giai đoạn nền kinh tế không thuận lợi đối với các công ty", ông nói.

Theo ông, AI thể hiện sự tiến bộ xuất sắc trong nhiều lĩnh vực, nhưng chưa hoàn toàn thay con người, đặc biệt ở những công đoạn đòi hỏi tư duy chiến lược, nghiên cứu. Có nghĩa, AI chưa mạnh ở các lĩnh vực vật lý và tương tác xã hội.

"Những lĩnh vực ứng dụng phức tạp, có yếu tố xã hội và ảnh hưởng đến con người sẽ vẫn là nơi con người đảm nhận chủ yếu. AI sẽ hỗ trợ trong việc thiết kế công nghệ, nhưng điều đó khác hoàn toàn so với việc hiểu và xử lý bối cảnh xã hội mà công nghệ được áp dụng", Bengio nhấn mạnh.

Một số kết quả nghiên cứu thời gian qua cũng cho thấy AI không "cướp" việc con người như nhiều người lo ngại. Thống kê về tương lai của thị trường lao động tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2023 cho thấy, đến 2025, AI dự kiến tạo ra 12 triệu việc làm mới trên toàn cầu. Một nghiên cứu khác của McKinsey cũng chỉ ra AI có thể đóng góp tạo ra từ 20 triệu đến 50 triệu việc làm mới trên thế giới vào năm 2030.

Tiếp lời ông Bengio, ông Trương Gia Bình cho rằng AI cần được coi là một "đồng minh" chứ không phải mối đe dọa, giành việc của con người. Nhưng thay vì đứng yên, mỗi người cần học hỏi và thích nghi để duy trì tính cạnh tranh trên thị trường lao động, gồm những hiểu biết cơ bản về AI, học máy, khoa học dữ liệu, cũng như kỹ năng giải quyết vấn đề và phân tích để làm việc hiệu quả với các hệ thống AI.

"Món ăn của tôi có thể khác biệt so với món ăn của bạn, thậm chí trong một bữa trưa, món ăn của chúng ta cũng có thể không giống nhau", ông lấy ví dụ. "Để tạo sự khác biệt đó, bạn cần làm chủ AI, hiểu cách thức hoạt động của nó và biết cách thích nghi với những thay đổi mới. Vì thế, kỹ năng về AI và hiểu biết về công nghệ thông tin là yếu tố quyết định mỗi người sẽ có công việc trong tương lai. Những ai thiếu đi kỹ năng đó, tôi nghĩ sẽ gặp khó khăn trong việc theo kịp xu thế".

Để có được những kỹ năng như vậy, theo ông Bengio, mỗi người nên trang bị kiến thức AI càng sớm càng tốt và cần chú trọng đến một nền giáo dục tổng quát.

"Tôi tin trẻ em cần được trang bị một nền tảng vững chắc về thế giới xung quanh: xã hội, khoa học, chính trị, triết học... để không dễ dàng bị ảnh hưởng bởi thông tin sai lệch và linh hoạt thích nghi với sự thay đổi nghề nghiệp", giáo sư Bengio nói. "Mối nguy hiểm lớn nhất của tự động hóa chính là chúng ta không thể đoán trước được điều gì sẽ bị thay thế. Nếu một người chỉ chuyên môn hóa vào một lĩnh vực hẹp và lĩnh vực đó bị tự động hóa, họ sẽ gặp khó khăn. Nhưng nếu họ có một nền tảng hiểu biết rộng, việc chuyển hướng nghề nghiệp sẽ dễ dàng hơn rất nhiều".

Ông Bình thậm chí hình dung sẽ tạo ra các giáo viên AI. "AI sẽ hỏi học sinh, học sinh sẽ hỏi AI. Và sau đó, mọi người sẽ học cách xây dựng một Việt Nam mạnh mẽ. Đây là một phương pháp làm việc mới: sự hợp tác giữa con người và AI", Chủ tịch FPT nói.

Cũng trong cuộc đối thoại, ông Bengio nhấn mạnh vấn đề định hình tương lai AI có trách nhiệm. Ông đánh giá điều quan trọng nhất là phát triển công nghệ phải đi đôi với bảo vệ quyền lợi của con người và sự phát triển bền vững của xã hội. Ông dẫn một số số liệu về AI như hiệu quả sử dụng dữ liệu tăng 30%, hiệu suất thuật toán tăng gấp ba lần, đầu tư vào lĩnh vực này trung bình đạt 100 tỷ USD/năm.

"Các đánh giá cho thấy năng lực AI đã vượt qua khả năng của con người, đặc biệt trong việc làm chủ ngôn ngữ và xử lý dữ liệu", ông nói. "Sự tiến bộ nhanh chóng này đặt ra câu hỏi đáng lo ngại về khả năng kiểm soát những hệ thống AI thông minh hơn con người. Trong bối cảnh đó, câu hỏi đạo đức lớn được đặt ra: Ai sẽ quyết định mục tiêu của AI? Sự cấp bách của việc hiểu rõ và hành động đúng đắn không chỉ là trách nhiệm, mà còn là yếu tố sống còn đối với tương lai nhân loại".

Ông Bengio cũng dẫn một kết quả thống kê khác từ 3.000 nhà nghiên cứu. Khoảng 40-50% tin có ít nhất 10% khả năng AI sẽ dẫn đến kết quả thảm khốc như sự tuyệt chủng của loài người. "Một khi chúng ta xây dựng các cỗ máy thông minh hơn con người nhưng không thể kiểm soát, chúng ta nên lường trước viễn cảnh này", ông nói thêm. "Nếu tạo những cỗ máy có khả năng siêu việt trong chiến lược hóa và phát triển công nghệ mới, như trong quân sự hoặc ảnh hưởng chính trị, cái giá phải trả rất đắt nếu mất kiểm soát".

Yoshua Bengio, sinh năm 1964, người Canada, là một trong những nhà tiên phong trong lĩnh vực học sâu. Năm 1993, ông thành lập Viện nghiên cứu Mila và trở thành nơi hội tụ của các tiến bộ khoa học, góp phần quan trọng đưa Montreal (Canada) thành trung tâm toàn cầu về deep learning. Đến nay, Mila là viện nghiên cứu AI hàng đầu thế giới với cộng đồng 1.300 nhà nghiên cứu và 140 đối tác trên toàn cầu.

Ông Yoshua Bengio, Geoffrey Hinton và Yann Lecun là ba người được mệnh danh là Godfather of AI (cha đỡ đầu của AI). Năm 2018, ba ông được trao giải Turning - giải thưởng được ví như Nobel trong lĩnh vực khoa học máy tính, nhờ nghiên cứu về mạng lưới thần kinh - phần mềm máy học mô phỏng cách thức hoạt động của bộ não con người. Công trình này được đánh giá là một trong những tiến bộ lớn nhất của ngành khoa học công nghệ hiện đại và có ảnh hưởng lớn đến phát triển của AI.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm