Tài chính

PVcomBank sẽ xử lý nợ xấu và trái phiếu bất động sản như thế nào?

Đổ hàng nghìn tỷ đồng vào trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Theo thông báo Đại hội đồng cổ đông Thường niên năm 2023 của Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVcomBank) sẽ diễn ra vào ngày 21/4/2023. Kết quả kinh doanh của PVcomBank sẽ được công bố.

Tuy nhiên, báo cáo tài chính hợp nhất quý 4 năm 2022 của Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc Nova (Novaland) hé lộ phần nào khoản đầu tư trái phiếu doanh nghiệp bất động sản của PVcomBank.

Tính đến thời điểm 31/12/2022, PVcomBank đang đầu tư khoảng 3.000 tỷ đồng vào trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản trên. Đây là khoản đầu tư lớn có thể tác động đến “sức khỏe tài chính” của một ngân hàng.

PVcomBank sẽ xử lý nợ xấu và trái phiếu bất động sản như thế nào? - Ảnh 1.

PVcomBank đổ hàng nghìn tỷ đồng vào trái phiếu doanh nghiệp bất động sản. (Ảnh: KT)

Trong đó, đầu tư trái phiếu ngắn hạn năm 2022 là 1.350 tỷ đồng, tăng 475 tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2021. Trái phiếu dài hạn là 1.650 tỷ đồng, giảm 1.170 tỷ đồng so với 31/12/2021.

3.000 tỷ đồng trái phiếu bất động sản do PVcomBank đầu tư đều từ chi nhánh Sài Gòn. Với trái phiếu ngắn hạn theo mệnh giá bằng đồng Việt Nam đáo hạn vào năm cuối năm 2023 và cuối năm 2024. Kỳ tính lãi đầu tiên với lãi suất cố định từ 11,75% và 12,5%/năm theo từng gói trái phiếu phát hành. Lãi suất cho các kỳ tính lãi tiếp theo được điều chính ba tháng một lần và bằng lãi suất cơ sở tại thời điểm điều chỉnh cộng từ 4,25 - 5%. Trái phiếu dài hạn đáo hạn vào tháng 11/2024. Lãi suất cho kỳ tính tính lãi đầu tiên cố định 12,5%.

Đây là một phần bức tranh đầu tư trái phiếu doanh nghiệp bất động sản của PVcomBank.

Nợ xấu trên ngưỡng

Theo báo cáo tài chính hợp nhất của PVcomBank quý 2 năm 2022, tổng tài sản của PVcomBank đạt 196.473 tỷ đồng, tăng 2,4% so với hồi đầu năm. Trong đó, cho vay khách hàng tăng 6,5% đạt 94.495,7 tỷ đồng, tiền gửi của khách hàng đạt 155.550 tỷ đồng, tăng 4%.

Thu nhập lãi thuần PVcomBank trong 6 tháng đầu năm đạt mức 1.097,6 tỷ đồng tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh tăng 327,6% lên mức 161,7 tỷ đồng; lãi từ hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư tăng lần lượt 128,6% lên mức 363,6 tỷ đồng; lãi từ hoạt động dịch vụ tăng nhẹ 5,3% đạt 197 tỷ đồng.

Lợi nhuận thuần từ kinh doanh của ngân hàng tăng 114% so với cùng kỳ năm trước lên mức gần 396 tỷ đồng.

Tuy nhiên, PVcomBank phải tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro lên 334,7 tỷ đồng do nợ xấu tăng mạnh.

Tỷ lệ nợ xấu của PVcomBank tính đến ngày 30/6/2022 là 3.030 tỷ đồng (nợ từ nhóm 3, 4 và 5). Trong đó, nợ nhóm 5 – nợ có khả năng mất vốn tăng lên mức 2.144,4 tỷ đồng, chiếm 70,7% tổng nợ xấu của PVcomBank. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng của PVcomBank là hơn 3,2%, đây là tỷ lệ nợ xấu ở mức báo động.

Hoạt động kinh doanh ngoại hối của PVcomBank ghi nhận lỗ hơn 51,6 tỷ đồng./.

Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam được thành lập ngày 16/9/2013 trên cơ sở hợp nhất giữa Tổng công ty Tài chính cổ phần Dầu khí Việt Nam (PVFC) và Ngân hàng TMCP Phương Tây (WesternBank). Ngày 1/10/2013, PVcomBank chính thức hoạt động với vốn điều lệ 9.000 tỷ đồng.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm