Trái cây là một loại thực phẩm không bao giờ thiếu trong thực đơn của mọi người. Chúng được các chuyên gia nhận định là "thuốc tiên của thiên nhiên", cung cấp dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể như vitamin, chất xơ… Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo mỗi người trưởng thành nên ăn 100-200gr trái cây chín mỗi ngày.
Tuy trái cây tốt là vậy nhưng không phải ai cũng ăn đúng cách. Có một số thói quen khi ăn đang vô tình gây phản tác dụng và khiến bạn "rước bệnh" vào người. Theo Subah Jain Saraf – chuyên gia dinh dưỡng người Ấn Độ, sau đây là một số sai lầm khi ăn trái cây khiến bạn "tiền mất tật mang", cần sửa đổi ngay:
Ăn trái cây mà phạm phải những sai lầm này thì chẳng khác nào "rước thêm bệnh".
5 sai lầm khi ăn trái cây tạo điều kiện cho bệnh tật "tấn công"
1. Ăn càng nhiều càng tốt
Ăn trái cây rất tốt cho sức khỏe, cải thiện thể trạng lẫn nhan sắc nhưng không phải muốn ăn bao nhiêu cũng được. Subah cho biết, có một số loại trái cây chứa nhiều tinh bột hơn bạn tưởng. Nếu ăn nhiều sẽ làm tăng calo và tăng lượng đường trong máu, dẫn đến béo phì và tạo tiền đề cho bệnh tiểu đường.
Do vậy, thay vì ăn quá nhiều trái cây trong 1 lần thì hãy ăn vừa phải. Bạn nên chọn những loại trái cây phù hợp với chế độ ăn và sức khỏe của bản thân. Tốt nhất là hãy kết hợp thêm các loại thực phẩm khác để tăng cường lợi ích thay vì ăn nhiều, ví dụ như ăn trái cây với sữa chua.
Ăn trái cây cũng nên có liều lượng nhất định, không phải cứ muốn là ăn.
2. Ăn trái cây ngay sau khi dùng bữa xong
Rất nhiều người thích ăn trái cây ngay khi vừa ăn cơm xong, vừa tráng miệng lại còn tạo cảm giác thoải mái dễ chịu. Tuy nhiên theo Barry Sears – chuyên gia dinh dưỡng có đầu sách The Mediterranean Zone bán chạy nhất năm 1995, đây chính là thói quen khiến lượng đường trong máu tăng mạnh, gây khó tiêu trầm trọng.
"Thực tế, các loại trái cây đều chứa nhiều đường và carbohydrate, nếu ăn trong lúc no sẽ khiến lượng đường này cộng hưởng với lượng đường trong bữa cơm, khiến đường huyết tăng vọt. Chưa kể lúc này bụng cũng đang no, nếu cố ăn thêm sẽ tăng áp lực lên dạ dày và gây khó tiêu, đầy bụng…" - Barry chia sẻ.
Tốt nhất là bạn chỉ nên ăn trái cây ít nhất 30 phút sau bữa cơm. Ngoài ra, việc ăn trái cây sau bữa ăn sẽ khiến các chất dinh dưỡng trong chúng không được hấp thụ đúng cách, gây lãng phí. Hãy từ bỏ thói quen này dần và chờ bụng bớt no rồi ăn là tốt nhất, vừa tăng cường sức khỏe mà không gây hại.
Sau khi dùng bữa không nên ăn trái cây ngay vì sẽ gây hại hơn bạn tưởng.
3. Ăn trái cây để quá lâu
Một thói quen nhiều người thích chính là mua nhiều trái cây rồi để dành trong tủ lạnh, hoặc gọt ra rồi để nhiều ngày không ăn. Tuy nhiên bạn nên từ bỏ ngay bởi việc này sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cũng như hương vị của trái cây. Để quá lâu sẽ khiến các dưỡng chất bị mất dần, ăn vào cũng không còn tác dụng gì.
Subah Jain cho hay, một số loại trái cây như táo, cam, bưởi… khi để lâu hoặc bị gọt vỏ sẽ oxy hóa cực mạnh, tạo điều kiện cho các loại vi khuẩn bám vào gây bệnh. Vậy nên đừng bao giờ gọt vỏ sẵn rồi để lâu trong tủ lạnh, lúc nào ăn thì mới lấy ra gọt và ăn hết, đừng để thừa. Chị em cũng không nên mua trữ hoa quả quá nhiều kẻo hỏng.
Khi cắt trái cây xong nên ăn ngay chứ đừng để lâu, sẽ bị hao hụt dinh dưỡng.
4. Uống nước ép trái cây thay vì ăn trực tiếp
Nhiều người vì ăn hoa quả liên tục nên thấy "ngán", muốn thay đổi nên đã ép lấy nước uống. Thế nhưng Barry cảnh báo rằng, việc này đang khiến bạn lãng phí nguồn chất xơ dồi dào từ trái cây. Vì đa phần chất xơ đều nằm ở phần bã, nếu bạn ép nước thì phải bỏ đi hết nên không còn hấp thụ được lợi ích từ trái cây.
Bên cạnh đó, khi bạn ép lấy nước thì chẳng khác nào uống toàn đường vào cơ thể, toàn bộ chất xơ đã bị bỏ đi nên không còn tác dụng vốn có. Bạn nên ăn trực tiếp trái cây hoặc dùng sinh tố thay vì chỉ uống nước ép. Còn nếu vẫn muốn uống nước ép thì nên dùng luôn cả phần bã chứ đừng vứt đi.
Nên ăn trái cây trực tiếp thay vì uống nước trái cây.
5. Ăn trái cây khi đói
Một số phụ nữ ăn kiêng thường dùng trái cây khi đói để tạo cảm giác no, hạn chế calo nạp vào người. Tuy nhiên chuyên gia Barry khuyên bạn nên bỏ dần thói quen này, bởi trong trái cây có chứa một lượng axit nhỏ, nếu ăn khi đói sẽ làm cồn cào ruột và ảnh hưởng xấu đến hệ tiêu hóa.
Khi đói, bạn không nên ăn trái cây mà hãy ăn nhẹ bằng các thực phẩm lành mạnh như salad rau củ. Hoặc bạn có thể kết hợp trái cây với sữa chua để hạn chế tác hại của axit. Ăn quả hồng, chuối, cam, quýt, táo gai... lúc đói bụng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến dạ dày, gây đau bụng, đầy hơi.
Một số loại trái cây khi ăn lúc bụng đói sẽ ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa.
Theo Prevention, Luke