
Hình ảnh voi con ghi nhận vào ngày 8-7 tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi - Ảnh: Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi
Ngày 26-7, ông Mai Văn Dưỡng, giám đốc Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi thuộc Ban quản lý rừng đặc dụng TP Đà Nẵng, cho biết đơn vị này vừa phát hiện một voi con qua hệ thống bẫy ảnh được lắp đặt trong lâm phận của khu bảo tồn.
Đầu năm 2025, Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi nhận được tin báo từ người dân có dấu hiệu sinh sản voi con tại khu vực Nà Lau.
Ngay lập tức, ban quản lý xây dựng kế hoạch, tổ chức đặt 30 bẫy ảnh ở 15 vị trí tại các khu vực đàn voi hay di chuyển.
Kết quả lần thu ảnh thứ nhất không phát hiện hình ảnh voi mới, đơn vị không bỏ cuộc, tiếp tục thực hiện đặt lại các bẫy ảnh tại các khu vực tiềm năng khác.
Từ ngày 20-7 đến 23-7, lực lượng nhân viên của khu bảo tồn này thu bẫy ảnh, khi kiểm tra hình ảnh mọi người vỡ òa khi phát hiện hình ảnh một voi con.
Hình ảnh chú voi con đang tung tăng bên voi mẹ là "quả ngọt" cho những ngày tháng miệt mài bảo vệ rừng xanh của lực lượng bảo vệ rừng tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi.
Hình ảnh ghi nhận voi con di chuyển linh hoạt và luôn được voi mẹ theo sát bảo vệ.

Voi mẹ di chuyển ngay phía sau voi con - Ảnh: Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi
Việc ghi nhận sự xuất hiện của voi con đánh dấu một tín hiệu đáng mừng về quá trình sinh sản tự nhiên của đàn voi hoang dã đang sinh sống trong khu bảo tồn.
Phát hiện này không chỉ mang ý nghĩa đối với công tác bảo tồn, mà còn là động lực tinh thần lớn lao đối với những lực lượng đang ngày đêm bảo vệ rừng và các loài động vật hoang dã.
Đây cũng là tín hiệu tích cực cho thấy công tác bảo tồn voi nơi đây đã và đang đi đúng hướng, góp phần bảo tồn loài voi châu Á đang có nguy cơ tuyệt chủng.
Theo Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi, đến nay theo ghi nhận có ít nhất 9 con voi ở lâm phận khu bảo tồn này.
Vào năm 2020 với sự hỗ trợ của dự án Trường Sơn Xanh, Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi Quảng Nam (cũ, nay là Đà Nẵng) cũng đã ghi nhận sự xuất hiện của một voi con khoảng 1 tuổi.
Hiện nay quần thể voi hoang dã tại đây có cấu trúc đàn đầy đủ gồm voi đực, cái và con non.