Dựa vào các mẫu vật được khai quật vào năm 2012 bởi các nhà nghiên cứu từ Viện Cổ sinh vật học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Mông Cổ tại sa mạc Gobi, các nhà khoa học đã xác định đây là hóa thạch thuộc về một loài khủng long mới, có niên đại khoảng từ 90 triệu năm trước.
Loài khủng long mới được đặt tên gọi Deinonychus tsogtbaatari, trong đó "Deinonychus" nghĩa là "móng vuốt" trong tiếng Hy Lạp, vì loài khủng long này sở hữu 2 ngón tay với móng vuốt dài khoảng 60cm.
Deinonychus tsogtbaatari có kích thước trung bình so với các loài khủng long khác, chỉ nặng khoảng 257kg và cao khoảng 3m.

Hình ảnh minh họa về loài khủng long Deinonychus tsogtbaatari, với 2 móng vuốt lớn và lớp da được bao phủ bởi lông vũ (Ảnh: AOL).
Đây là loài thuộc nhóm khủng long có tên gọi therizinosaurs, là những loài khủng long có những đặc điểm chung như móng vuốt kích thước lớn và cong như lưỡi liềm để cắt lá cây, xương hông hướng về phía sau, cổ dài nhưng đầu nhỏ và được bao phủ bởi lông tơ hoặc lông giống như lông vũ.
Therizinosaurs là nhóm khủng long từng sống phổ biến ở khu vực châu Á và Bắc Mỹ trong thời kỳ Phấn trắng, từ 145 triệu đến 66 triệu năm trước.
Tuy nhiên, loài Deinonychus tsogtbaatari chỉ có 2 ngón tay có móng vuốt dài ở mỗi bàn tay, ít hơn một ngón so với các loài khác thuộc nhóm khủng long therizinosaurs. Đây chính là đặc điểm tạo nên sự khác biệt của loài Deinonychus tsogtbaatari.
"Điều này khiến tôi kinh ngạc. Tôi cảm thấy sự phấn khích dâng trào vì một phát hiện hoàn toàn mới ở đây", Phó giáo sư Yoshisugu Kobayashi đến từ Đại học Hokkaido, Nhật Bản, trưởng nhóm nghiên cứu về loài khủng long Deinonychus tsogtbaatari, cho biết.
"Therizinosaurs đã là nhóm khủng long kỳ quái nhất ở ngoài kia và giờ đây Deinonychus tsogtbaatari đã đẩy sự kỳ quái đó tiến xa hơn. Nó giống như sự tiến hóa", Phó giáo sư Kobayashi chia sẻ thêm.
Phó giáo sư Darla Zelenitsky, đến từ Đại học Calgary (Canada), đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết điểm đặc biệt của loài khủng long Deinonychus tsogtbaatari đó là móng vuốt sắc và to lớn, dài khoảng 60cm.

Hóa thạch móng vuốt của loài khủng long Deinonychus tsogtbaatari (Ảnh: AOL).
Các nhà nghiên cứu tin rằng Deinonychus tsogtbaatari sử dụng móng vuốt của mình một cách hiệu quả để cắt và kéo thực vật trên cao đến miệng. Ngoài ra, móng vuốt sắc nhọn cũng được loài khủng long này sử dụng để tự vệ và chống lại kẻ thù.
Mặc dù các loài khủng long thuộc nhóm therizinosaurs có chế độ ăn đa dạng bao gồm cả thực vật và ăn thịt, Deinonychus tsogtbaatari lại được cho là loài khủng long ăn thuần thực vật.
Theo Michael Benton, Giáo sư cổ sinh vật học tại Đại học Bristol (Anh), khủng long từng có 5 ngón tay trên mỗi bàn tay giống như con người, nhưng sau đó chúng tiến hóa theo thời gian và hầu hết khủng long sẽ còn lại 3 ngón tay. Việc Deinonychus tsogtbaatari chỉ có 2 ngón tay đã tạo nên sự đặc biệt, thậm chí là bất thường, cho loài khủng long này.
Việc có 2 ngón tay giúp Deinonychus tsogtbaatari hoạt động hiệu quả hơn và được xem là bước tiến hóa so với các loài khủng long có 3 ngón tay.
Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) gọi sa mạc Gobi của Mông Cổ là "kho chứa hóa thạch khủng long lớn nhất thế giới".
Ước tính hàng ngàn hóa thạch khủng long, bao gồm xương, trứng, dấu chân… đã được tìm thấy tại sa mạc Gobi trong gần một thế kỷ qua.