Ông tên là Phạm Trung Trường, 74 tuổi, nhưng người dân ở thôn Thọ An, xã Bình An, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi chỉ quen gọi ông là Hai Tấn.
Mối duyên của ông với những người đồng bào Cor ở Thọ An bắt đầu từ năm 1992 nhân một chuyến lên bản thăm mộ người thân. Là giám đốc một doanh nghiệp xây dựng có công trình trải khắp dải miền Trung, ông chứng kiến các địa phương thay đổi từng ngày nhưng Thọ An như tách biệt với thế giới. Lối vào bản là con đường mòn độc đạo. Hơn trăm hộ dân sống trong những túp lều, thiếu ăn, thiếu mặc.
"Trong đêm gió rét có một phụ nữ đau đẻ, mà đường, điện, phương tiện không có, đàn ông thay nhau khiêng người phụ nữ đi trạm xá, tôi dắt xe theo sau soi đường", ông kể.
Thương bà con, ông Trường xin chính quyền huyện cho làm con đường đèo 2,5 km nối thôn với trung tâm xã. Khi xong, ông tiếp tục xin làm thêm 5 km nối liền bốn thôn với trung tâm và vận động quyên góp xây được một trạm xá.
Kể từ đó, bà con người Cor coi ông như người thân. Nhà nọ nhà kia họp lại, mỗi hộ tặng ông một vạt rẫy, tổng cộng lên đến cả trăm hecta. "Nếu từng sống với bà con sẽ biết cái tình của đồng bào. Họ có năm đồng sẽ sẵn sàng cho cả năm nếu thấy đáng", ông Trường chia sẻ.
Lúc nhận đất của bà con, ông Trường thú thực cũng không biết để làm gì. Đúng năm đó, nhà nước ra chương trình 327 phủ xanh đất trống đồi trọc. Ông chủ doanh nghiệp xây dựng quyết định quay lại Thọ An trồng rừng trên 200 hecta để tạo công ăn việc làm cho dân bản. Năm 1998, dự án 5 triệu hecta rừng được triển khai trên toàn quốc. Ông được chính quyền giao cho thêm 450 hecta và tạo điều kiện cho vay vốn. Chỉ sau hai năm những quả đồi trọc khô cằn đã biến thành những rừng keo xanh mượt, 300 người dân của 5 huyện Bình Sơn, Sơn Hà, Trà Bồng, Ba Tơ, Tây Trà có việc làm.
Để cải thiện điều kiện kinh tế cho bà con, ông hiến 16 hecta đất để xây hồ chứa nước Tuyền Tung. Những năm đó ông Trường nổi danh cả nước, là đại biểu duy nhất của tỉnh được báo cáo tại Hội nghị biểu dương Chủ trang trại và Doanh nghiệp nông thôn điển hình toàn quốc lần thứ nhất và xuất hiện trong chương trình Người đương thời. Người ta gọi ông là "vua rừng".
Trồng cây sắp đến ngày thu hoạch thì tháng 9/2009, cơn bão số 9 (bão Ketsana) đổ bộ vào Quảng Nam, Quảng Ngãi. Huyện Bình Sơn nằm trong tâm bão, 650 ha rừng hơn 7 năm tuổi bị quật ngã toàn bộ. Đứng trên chòi canh cao 17 mét nhìn bao quát cả khu rừng, ông muốn ngã qụy vì bao công sức đổ sông đổ bể.
"Đó là cơn bão giết cuộc đời tôi", ông nói. Đoàn kiểm tra của ngân hàng ước tính ông thiệt hại 48 tỷ đồng.
Nhưng chưa kịp gục ngã vì mất trắng sản nghiệp, ông bỗng nghe thấy những tiếng gào khóc vì mất nhà, mất của của dân bản. Cơn bão hoành hành suốt 12 tiếng khiến cả bản làng không còn ngôi nhà nào nguyên vẹn. May mắn người không bị thiệt hại, vì một nửa trú ở nhà ông Trường, nửa còn lại trú ở bể chứa nước của xã.
Ông Trường quyết định mở kho có hai tấn gạo chia cho mỗi người hai kg với suy nghĩ phải no bụng người dân mới có sức dọn cây ngã đổ, mở đường thông xuống xã để các đoàn cứu trợ lên bản.
Sau biến cố, ông gánh khoản nợ 18 tỷ đồng. Ngân hàng không cho vay nữa, ông dùng uy tín của mình đi vay người thân quen. Lần này ông thu hẹp diện tích trồng rừng còn 200 hecta và mở trang trại chăn nuôi lợn, trùn quế, ba ba. Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, ông dần gây dựng lại. 10 năm sau, ông đã thu được một lứa cây rừng, mỗi năm xuất được hai lứa lợn, về cơ bản đã trả hết nợ.
Nhưng gần cuối năm 2019, bão Nakri lại đổ bộ vào Quãng Ngãi. Trong cơn bão dữ, đồng bào lăn xả cùng ông ngoài trang trại, tiếng hô cứu đàn lợn hòa tan cùng tiếng gió rít. Đàn lợn 3.000 con được cứu, nhưng 200 hecta keo bị thiệt hại. Một lần nữa, thiên tai khiến ông Trường gánh nợ 14 tỷ đồng.
Bốn người con khuyên ông lui về an dưỡng tuổi già, số nợ này họ sẽ trả. Nhưng lương tâm ông không cho phép mình dựa dẫm. Hơn nữa, càng không thể dừng lại vì nhiều lao động của địa phương sẽ không có việc làm. "Họ toàn là người neo đơn, già cả, chỉ biết vác dao, vác rựa ngồi cửa chờ tôi giao việc. Tôi mà không làm thì họ không có cái ăn", ông nói.
Lần này ông Trường quyết định trồng cau xen kẽ với keo để giảm bớt thiệt hại của bão và xây chuồng trại kiên cố. Sau gần bốn năm, ông không còn nợ nần. Rừng cây cũng sắp cho thu hoạch, 7.000 con lợn chuẩn bị được xuất chuồng. Gần đây ông hiến 8.000 m2 đất làm đường và nghĩa địa, 2.000 m2 đất cho giáo hội Phật giáo để xây chùa và ủng hộ tiền xây cổng chào.
Là người trực tiếp ký giao đất cho ông Trường trồng 650 hecta rừng, ông Nguyễn Hoàng Sơn, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết thời đó trong tỉnh có một số người nhận đất trồng rừng, nhưng không ai làm lớn như ông Trường. Hơn nữa họ trồng ở đồng bằng, còn ông Trường tiên phong trồng ở đồi núi, vừa tạo việc làm, vừa tạo sinh kế cho bà con dân tộc.
"Hai lần bị bão tàn phá, ông Trường vẫn trụ vững, là chỗ dựa cho đồng bào, là sợi dây kết nối chính quyền với dân bản. Một phần nhờ ông, thôn Thọ An đã thay da đổi thịt rất lớn", ông Sơn nói.
Theo Chủ tịch UBND xã Bình An Võ Thanh Tuấn, doanh nghiệp của ông Trường giải quyết công việc ổn định cho khoảng 40 lao động địa phương. Không chỉ tạo việc làm cho bà con, ông luôn quan tâm ủng hộ, chăm lo đời sống người dân và rất tích cực trong công tác thiện nguyện. Từ những con đường, trạm xá, đến hồ chứa nước, nghĩa trang, chùa chiền đều có sự đóng góp của ông.
"Bác Trường là một con người vô cùng đặc biệt. Đồng bào ở đây mang ơn bác", ông Tuấn nói.
Trong buổi chiều đầu đông Hà Nội, ôm tấm bằng khen của TW Hội Người cao tuổi, ông Trường cho biết rất ấm lòng vì những nỗ lực của mình luôn được nhà nước và nhân dân ghi nhận. Điều nuối tiếc là vợ không còn sống để chứng kiến ông đã hoàn thành điều bà căn dặn.
"Trước khi mất bà nhà tôi nói 'Giờ em không còn nữa, không ai giúp anh được. Anh hãy gắng sống trả cho hết nợ, đừng để các con phải gánh", ông kể.
Những dòng cuối cùng ông muốn nói về người vợ tào khang. Từ lúc mới yêu nhau, cô y sĩ của Bệnh viện C Đà Nẵng đã hỗ trợ chồng nuôi 5 em, bởi cha mẹ ông đều bị địch bắt và hy sinh trong chiến tranh. Sau này ông đi biền biệt làm kinh tế, cũng chỉ có vợ nuôi dạy bốn người con, hiện họ đều là thạc sĩ, kỹ sư.
"Tôi vẫn sẽ đi con đường này cho đến ngày nằm xuống và tôi tin bà ấy dù đang ở đâu cũng luôn ủng hộ tôi như ngày còn sống", "vua rừng" xứ Quảng nói.