Trong hai bức thư gửi tới Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum – được ông đăng tải trên mạng xã hội Truth Social – Tổng thống Donald Trump cho biết mức thuế 30% sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/8.
Với Mexico, ông Trump cho rằng nước này đã hỗ trợ Mỹ trong việc kiểm soát biên giới, nhưng vẫn "chưa đủ". Còn với EU, ông khẳng định nếu các công ty châu Âu xây dựng nhà máy hoặc sản xuất hàng hóa tại Mỹ, họ có thể được miễn thuế. Tuy nhiên, nếu EU hoặc Mexico đáp trả bằng việc tăng thuế, Mỹ sẽ cộng thêm mức tăng đó vào mức 30% ban đầu.
Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh ông Trump theo đuổi chiến lược thương mại “có đi có lại” và muốn đưa sản xuất quay trở lại nước Mỹ.
Cờ của Liên minh châu Âu tung bay trước Nghị viện châu Âu.
EU phản ứng ra sao trước động thái từ Washington?
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen bày tỏ lo ngại sâu sắc, cho rằng mức thuế 30% sẽ phá vỡ chuỗi cung ứng then chốt giữa hai bên và gây thiệt hại cho cả doanh nghiệp, người tiêu dùng và bệnh nhân ở hai bờ Đại Tây Dương.
Bà von der Leyen nhấn mạnh EU vẫn mong muốn đạt được thỏa thuận thương mại trước ngày 1/8, nhưng cũng sẵn sàng có “biện pháp đáp trả phù hợp” nếu cần thiết để bảo vệ lợi ích của khối.
Trước đó, hai bên từng cho thấy dấu hiệu tiến triển trong đàm phán sau khi ông Trump rút lại lời đe dọa áp thuế 50% lên EU. Tuy nhiên, việc EU vẫn nhận được thư áp thuế từ ông Trump cho thấy căng thẳng chưa hề được hóa giải hoàn toàn.
Theo Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ, EU là đối tác xuất khẩu lớn nhất vào Mỹ, với tổng giá trị hàng hóa đạt hơn 553 tỷ USD trong năm 2022. Do đó, mức thuế 30% có thể tác động nghiêm trọng đến chuỗi cung ứng toàn cầu, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ, y tế và sản xuất.
Không chỉ EU và Mexico, trong tuần qua ông Trump còn gửi thư đến 23 đối tác thương mại khác như Canada, Nhật Bản và Brazil, với mức thuế dao động từ 20% đến 50%. Những bức thư này được xem là bước đi chiến lược nhằm tái cấu trúc toàn bộ mạng lưới thương mại quốc tế theo hướng “có đi có lại” mà ông Trump theo đuổi.
Hồi đầu tháng 4, ông Trump từng công bố “Ngày Giải phóng Thương mại” với việc áp thuế gần như toàn cầu ở mức 10% và đánh thuế cao hơn với hàng nhập khẩu từ gần 60 quốc gia. Động thái này gây ra làn sóng bán tháo trên thị trường tài chính quốc tế.
Một tuần sau đó, ông tạm hoãn áp dụng phần lớn mức thuế mới trong vòng 90 ngày và kỳ vọng sẽ ký kết tới 90 thỏa thuận thương mại mới. Ngày 8/7, ông Trump quyết định gia hạn việc hoãn áp thuế thêm một lần nữa đến ngày 1/8. Và theo loạt thư mới công bố, toàn bộ các mức thuế mới – bao gồm mức 30% với EU và Mexico – đều sẽ bắt đầu từ thời điểm đó.
Liệu căng thẳng thương mại toàn cầu có còn leo thang?
Trả lời NBC News, ông Trump cho biết đang cân nhắc áp mức thuế cơ bản toàn cầu từ 15% đến 20% đối với tất cả các quốc gia còn lại chưa bị đánh thuế cao. “Chúng tôi sẽ thông báo rằng các nước còn lại đều phải trả thuế, bao nhiêu thì sẽ bàn sau,” ông Trump nói.
Nếu kịch bản này xảy ra, căng thẳng thương mại toàn cầu có thể tiếp tục leo thang, đặc biệt khi các nền kinh tế lớn như EU, Trung Quốc hay Canada đáp trả bằng biện pháp tương tự. Điều này sẽ tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu vốn đang chịu sức ép từ lạm phát và bất ổn địa chính trị.