Sáng 30/03, CTCP Tập đoàn Hòa Phát (mã chứng khoán HPG) tổ chức Đại hội cổ đông thường niên 2023.
Năm 2022, Hòa Phát đạt 142.770 tỷ đồng doanh thu, giảm 5% so với năm 2021 và lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 8.444 tỷ dồng, chỉ bằng 24% của năm 2021. Đây cũng là năm đầu tiên kể từ 2008, biên lợi nhuận của quý bị âm.
Những yếu tố chính làm ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả kinh doanh của Hòa Phát bao gồm (i) Ngành bật động sản đột ngột đảo chiều vào giữa quý 2 và trầm lắng đến hết năm làm sụt giảm mạnh cả cầu và giá thép xây dựng, (ii) Giá than luyện cốc lên cao gấp 3 lần thông thường vào tháng 3 và tháng 5/2022, duy trì mức giá cao hơn 1,5 lần năm 2021 cho đến hết năm làm biên lợi nhuận gộp của Hòa Phát giảm từ 27% còn 12%. (iii) Giá USD tăng mạnh liên tục trong năm và đảo chiều hạ sâu vào cuối năm, Hòa Phát lỗ ròng tỷ giá 1.858 tỷ đồng, (iv) lãi suất tăng mạnh trong 6 tháng cuối năm.
Một số mục tiêu đáng chú ý cho năm 2023: Tiếp tục đầu tư xây dựng Dự án Khu liên hợp sản xuất Gang thép Hòa Phát Dung Quất 2; Hoàn thành và đưa vào chạy thử Nhà máy sản xuất Container… Kế hoạch doanh thu là 150.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 8.000 tỷ đồng – giảm 5% so với năm trước.
HĐQT trình ĐHCĐ thông qua kế hoạch không chia cổ tức năm 2022, toàn bộ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối sau khi trích quỹ sẽ được dùng cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Mở đầu đại hội, ông Trần Đình Long – Chủ tịch HĐQT đã nói ngay vấn đề không chia cổ tức. Theo ông Long, đề xuất với KQKD như năm 2022, sau khi cân nhắc rất kỹ, HĐQT đã đề xuất không chia cổ tức 2022.
“Năm 2022 ngành thép Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung trải qua chu kỳ khó khăn. Tôi đã dự đoán như đã nói tại ĐHCĐ năm ngoái và thành thật là nó còn xấu hơn dự đoán của mình” – Ông Long chia sẻ.
Tuy nhiên, đặt trong cái chung của ngành thép, Hòa Phát tự hào là KQKD 2022 không tồi, đó là sự cố gắng của hơn 30.000 nhân viên và điều hành của ban điều hành. Thậm chí dưới nhiều góc độ, KQKD đó là tốt khi LNST của HPG vẫn bằng tất cả các công ty thép trên sàn cộng lại – ông Long tự hào.
Lý do cho việc không chia cổ tức (dù bằng tiền mặt hay bằng cổ phiếu) là do nhu cầu về vốn của năm 2023 rất lớn. Cụ thể, ông Trần Đình Long cho biết, tổng đầu tư giai đoạn 2 cho Dung Quất riêng tài sản cố định đến nay là 75.000 tỷ (trên 3 tỷ USD).
“Giai đoạn này, trên lãnh thổ Việt Nam không có nhiều dự án quy mô 3 tỷ đô như Hòa Phát, nên phải nói là chúng tôi đang tập trung toàn lực cho một dự án lớn như vậy, tập trung vào quả đấm thép trên 3 tỷ đô. 1 dự án này bằng 1.000 dự án vừa và nhỏ, bằng 100 dự án lớn khác mà Hòa Phát là tự lực chứ không có sự hỗ trợ từ tập đoàn nước ngoài nào cả. Do đó, tôi khẳng định Hòa Phát đang cần rất nhiều vốn, nên việc trả cổ tức bằng tiền mặt là không hợp lý và không có nguồn để làm điều đó” – Ông Long nhấn mạnh.
Theo Chủ tịch HĐQT, đến hết năm 2024, đầu năm 2025, khi nhà máy Dung Quất 2 này ra đời, Hòa Phát sẽ tăng doanh thu thêm 80.000 - 100.000 tỷ nữa từ mặt bằng 150.000 tỷ như năm qua.
Ông Long cũng cho biết, việc đầu tư ở bên Úc với các mỏ quặng, mỏ than… cũng tạm dừng. Do chu kỳ của ngành thép ở giai đoạn thoái trào nên kế hoạch kinh doanh không được như tính toán.
“Nhiều người trên thương trường chê HPG bảo thủ, nay phải thừa nhận là chúng tôi đúng. Để vững vàng như vậy thì chúng ta phải chấp nhận có biện pháp đặc biệt. HĐQT tạm dừng tất cả các hoạt động đầu tư không chỉ ở Úc để tập trung vào Dung Quất 2, sức cũng chỉ đến thế thôi” - Ông Long nói.
Mặc dù vậy, ông Long cũng bày tỏ quan điểm cá nhân là giai đoạn khó khăn, khốc liệt nhất của ngành thép đã qua. Nội lực của Hòa Phát và DN ngành thép là tốt, nhưng tương lai triển vọng vẫn phụ thuộc vào nhu cầu của thị trường. Chủ tịch Hòa Phát mong muốn Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công.
Theo báo cáo của Ban Giám đốc
Lĩnh vực Thép: Năm 2022, tổng sản lượng bán hàng các loại sản phẩm thép của Hòa Phát là 7,2 triệu tấn – giảm 7% so với năm 2021. Trong đó, thép xây dựng chiếm gần 4,3 triệu tấn – tăng 10%, phôi thép 375.000 tấn, thép cuộn cán nóng 2,63 triệu tấn. Thị phần thép xây dựng tăng từ 32,6% hồi cuối năm 2021 lên 34,8% cuối năm 2022, giữ vững vị trí số 1. Ống thép đạt 750.000 tấn, tăng 11% và tăng thị phần từ 24,8% lên 28,5%. Tôn đạt 328.000 tấn, giảm 23%.
Doanh thu xuất khẩu đạt hơn 31.500 tỷ đồng, chiếm 22% tổng doanh thu. Thị trường xuất khẩu của Hòa Phát hiện nay là Canada, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc…
Lĩnh vực Nông nghiệp: Đóng góp lần lượt 5% và 1% vào doanh thu và lợi nhuận sau thuê hợp nhất toàn tập đoàn. Lĩnh vực này đối mặt với nhiều biến động. Đặc biệt, thị trường bò Úc suy giảm mạnh so Trung Quốc đóng cửa biên giới. Sản lượng heo xuất chuồng 404.000 con (heo thành phẩm 352.000 con, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2021). Bò thịt tiêu thụ gần 28.000 con, giảm 45% so với năm trước. Trứng gà cung cấp gần 265 triệu quả trứng/năm, dẫn đầu về sản lượng cung cấp trứng gà sạch miền bắc.
Lĩnh vực BĐS: Bàn giao được 14,6ha đất tại các khu công nghiệp Hòa Phát. Tập đoàn đang tham gia đâu thầu và làm thủ tục pháp lý một số dự án BĐS nhà ở.
Báo cáo thường niên cho biết, năm 2023, Hòa Phát sẽ đầu tư thêm hạ tầng kỹ thuật dự án Khu công nghiệp Yên Mỹ II mở rộng với diện tích quy hoạch 216ha. Kế hoạch trong 10 năm tới, Tập đoàn sẽ phát triển 10 khu công nghiệp bao gồm cả các khu công nghiệp hiện nay đang có.
Đối với mảng dự án nhà ở - khu đô thị, Tập đoàn sẽ tập trung phát triển các đại đô thị diện tích từ 300-500ha
Lĩnh vực điện máy gia dụng: nhà máy sản xuất tại Hà Nam đi vào hoạt động từ tháng 9/2022, ra mắt sản phẩm máy lọc nước, máy làm mát không khí. Nhà máy tại Phú Mỹ đang xây dựng.