Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, mã chứng khoán: STB) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2025. Báo cáo ghi nhận đến cuối quý I, số lượng nhân viên còn 17.118 người, giảm 970 người so với cuối năm 2024. Dù tinh giản nhân sự nhưng chi phí cho nhân viên của Sacombank lại tăng 6% lên 2.078 tỷ đồng.
Tại phiên họp đại hội đồng cổ đông thường niên mới đây, ông Dương Công Minh - Chủ tịch HĐQT Sacombank - cho biết, năm 2024, ngân hàng bắt đầu cắt giảm nhân sự 500 nhân sự và kế hoạch này sẽ tiếp tục được triển khai trong giai đoạn 2025-2026. Số lượng phòng giao dịch truyền thống dự kiến sẽ giảm dần, nhường chỗ cho các hoạt động giao dịch trong không gian số.

Ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Sacombank (Ảnh: STB).
Về kết quả kinh doanh, lợi nhuận trước thuế quý I của ngân hàng đạt 3.674 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu nhờ chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm mạnh.
Thu nhập lãi thuần trong quý đạt hơn 6.863 tỷ đồng, tăng 15%. Hoạt động dịch vụ đem về khoản lãi gần 728 tỷ đồng, tăng 26%. Lãi từ kinh doanh ngoại hối giữ ổn định ở mức 308 tỷ đồng, trong khi hoạt động kinh doanh khác ghi nhận lỗ 103 tỷ đồng.
Chi phí hoạt động tăng 11% lên 3.927 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh vẫn tăng 16%, đạt 3.869 tỷ đồng. Đặc biệt, chi phí dự phòng chỉ còn 195 tỷ đồng, giảm tới 71% so với cùng kỳ.
Với mục tiêu lợi nhuận trước thuế 14.650 tỷ đồng cho cả năm, Sacombank đã thực hiện được 25% chỉ tiêu chỉ sau quý đầu tiên.
Đến 31/3, tổng tài sản đạt 757.093 tỷ đồng, tăng 1% so với đầu năm. Tiền mặt được duy trì ở mức 8.498 tỷ đồng, tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước giảm 9% còn 16.074 tỷ đồng.
Dư nợ cho vay khách hàng tăng 5% lên 546.327 tỷ đồng. Về nguồn vốn, tiền gửi khách hàng tăng 3% lên 585.569 tỷ đồng.
Tỷ lệ nợ xấu tăng từ 2,4% lên 2,51%, với tổng nợ xấu 14.150 tỷ đồng, tăng 9% so với đầu năm. Trong đó, nợ nghi ngờ tăng 5%, nợ có khả năng mất vốn tăng 12%, còn nợ cần chú ý giảm nhẹ 2%.
Tại phiên họp đại hội đồng cổ đông thường niên 2025, vấn đề nợ xấu của Sacombank tiếp tục được quan tâm. Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm - Tổng giám đốc Sacombank - cho biết, đến thời điểm cuối năm 2024, ngân hàng đã xử lý được 13 trên tổng số 14 nội dung của Đề án tái cơ cấu, chỉ còn lại khoản nợ liên quan đến ông Trầm Bê và các cá nhân có liên quan.
Tính đến ngày 31/12/2016, tổng dư nợ gốc của nhóm khách hàng này là 35.400 tỷ đồng, với lãi dự thu khoanh theo đề án là 12.919 tỷ đồng. Lũy kế từ năm 2017 đến cuối năm 2024, Sacombank đã thu hồi được 25.612 tỷ đồng, bao gồm 23.363 tỷ đồng nợ gốc và 2.249 tỷ đồng tiền lãi.
Dư nợ còn lại là 12.037 tỷ đồng, trong đó có 10.538 tỷ đồng đã được bán cho VAMC, phần còn lại là các khoản repo và phải thu trị giá 1.454 tỷ đồng. Tổng số tiền lãi phải trả theo hợp đồng đến cuối năm 2024 là 57.605 tỷ đồng. Giá trị cổ phiếu STB đang đảm bảo cho các khoản vay và khoản phải thu là 6.611 tỷ đồng, tương đương 604,9 triệu cổ phiếu, chiếm 32% vốn cổ phần Sacombank.
Ngân hàng cho biết toàn bộ nợ gốc và các khoản repo (khoản lợi nhuận mà bên mua có thể kiếm được khi giữ tài sản chứng khoán từ bên bán cho đến ngày đáo hạn - PV) liên quan đã được trích lập dự phòng 100%. Sau khi xử lý xong, Sacombank sẽ trình phương án phân bổ giá trị thu hồi lên Ngân hàng Nhà nước. Với khoản lãi treo lớn như vậy, ngân hàng khẳng định chắc chắn sẽ không có phần dư thừa sau xử lý.
Đối với khoản nợ liên quan đến Khu công nghiệp Phong Phú, trong năm 2024, ngân hàng này nói đã thu hồi hơn 1.500 tỷ đồng, hạch toán giảm dư nợ xấu và thực hiện trích lập dự phòng. Ngân hàng đã làm việc với khách hàng tham gia đấu giá và dự kiến năm 2025 sẽ thu hồi thêm 30-40%. Đến năm 2026, toàn bộ khoản nợ này dự kiến sẽ được thu dứt điểm.