Theo lời kể từ các Thành viên HĐQT độc lập của CTCP Tập đoàn xây dựng Hòa Bình (Mã: HBC) với báo chí vào chiều ngày 5/1, đỉnh điểm xung đột tại Hòa Bình diễn ra từ những ngày cuối tháng 10, khi ban HĐQT không đồng ý việc công ty mẹ Hòa Bình cấp khoản vay cho công ty con Tiến Phát và công ty cháu do con trai ông Lê Viết Hải làm Chủ tịch.
Trước đó, HĐQT Hòa Bình đã thống nhất thành lập Tổ công tác độc lập (ITF) để làm việc, rà soát lại toàn bộ kế hoạch sản xuất kinh doanh, dòng tiền tài chính của công ty mẹ trong những năm gần đây và dưới các công ty con chủ chốt; dòng tiền qua lại giữa công ty mẹ với các công ty con và công ty liên kết, bao gồm hiệu quả kinh doanh của mỗi công ty khi nhận thấy "một số giao dịch bất thường" tại công ty.
Trả lời câu hỏi của báo chí về "đưa ra các thông tin này, ông có cân nhắc đến việc sẽ ảnh hưởng đến Hòa Bình, đối tác, cổ đông nhỏ hay không và hai bên có tìm giải pháp, ngồi lại với nhau sau mâu thuẫn lên đỉnh điểm không?”, ông Phú cho rằng bản thân ông sẵn sàng ngồi lại để có giải pháp thỏa đáng vì lợi ích chung.
Ông Phú nói: “Câu chuyện này xảy ra làm sao mà tốt cho tập đoàn Hòa Bình được. Chúng tôi đã đề nghị có cuộc họp HĐQT vào ngày 5/1 nhưng vì nhiều lý do nên anh Hải đã từ chối và thống nhất cuộc họp vào ngày 10/1”.
Liên quan đến những tranh chấp pháp lý, ông Nguyễn Công Phú cho biết “trước đó HĐQT đã thống nhất bầu tôi làm Chủ tịch nhưng không rõ vì sao ông Hải đột ngột thay đổi quyết định. Chúng tôi đã gửi văn bản đến Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) đề nghị các cơ quan xác nhận các nghị quyết của Hòa Bình đã ban hành vào ngày 14/12/2022”.
Hiện ông Phú không sở hữu cổ phiếu HBC nào. Phản hồi về nghi vấn có nhóm cổ đông lớn đứng sau hậu thuẫn, ông Phú khẳng định: “Tôi là người độc lập và tự do, đó là tiêu chuẩn cuộc đời tôi. Tôi không bao giờ chấp nhận tôi là một con rối”.
Trong tương lai, ông Phú cho rằng dù là Chủ tịch của Hòa Bình nhưng ông sẽ không mua cổ phiếu HBC. "Nếu ai có tiền mua cổ phiếu thì cứ mua. Việt Nam và thế giới không thiếu chủ tịch không nắm bất cứ cổ phiếu nào trong doanh nghiệp mà mình lãnh đạo và doanh nghiệp đó vẫn phát triển rất tốt”.
Ngày 14/12/2022, Hòa Bình công bố thông tin về việc chấp thuận đơn xin từ nhiệm của ông Lê Viết Hải và ông giữ vai trò Chủ tịch Hội đồng Sáng lập từ ngày 1/1/2023. Đồng thời, ông Nguyễn Công Phú, Thành viên HĐQT độc lập làm Chủ tịch HĐQT từ ngày 1/1/2023.
Tuy nhiên đến ngày 31/12/2022 , HĐQT Hòa Bình công bố Nghị quyết số 53 thông qua việc hoãn thi hành đơn xin từ nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT của ông Lê Viết Hải kể từ ngày 1/1/2023; hoãn thi hành đơn từ nhiệm của ông Lê Viết Hải khỏi tư cách thành viên Hội đồng Quản trị được ký ngày 12/12/2022; hoãn thi hành việc thành lập Hội đồng Sáng lập Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình theo Nghị quyết số ngày 14/12/2022; hoãn thi hành việc bổ nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc đối với ông Lê Viết Hiếu; hoãn thi hành việc bầu ông Nguyễn Công Phú vào chức vụ Chủ tịch HĐQT theo nghị quyết ngày 14/12/2022.
Tính đến nay, các bên vẫn chưa đi đến thống nhất. Thông tin tại họp báo chiều ngày 5/1, ông Dương Văn Hùng, Thành viên HĐQT độc lập của Hòa Bình, cho biết HĐQT sẽ có cuộc họp vào ngày 10/1 tới để bàn bạc, làm rõ lại các vấn đề tồn tại. Sau thời gian này, HĐQT sẽ đưa ra quyết định và xem xét mời cơ quan chức năng vào làm việc.
“Ngày 10/1 chúng tôi sẽ họp để phân định rõ vì sao có Nghị quyết số 53 bất thường như vậy. Nếu đi được đến thống nhất, chúng tôi và nhiều cổ đông sẽ khởi kiện vì có rất nhiều sai phạm của Hòa Bình trong những năm gần đây.
Sáng ngày 6/1, CTCP Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình có thông cáo báo chí liên quan tới những thông tin xung quanh buổi họp báo do các thành viên HĐQT độc lập tổ chức chiều ngày 5/1.