Thời sự

Ông Lê Hòa Bình và hàng loạt phát ngôn ấn tượng: "Đầu đội pháp lý, chân đi thực tiễn"

Sáng 29/3, Thành ủy TP.HCM chính thức thông tin Phó Chủ tịch Lê Hòa Bình đã qua đời sáng cùng ngày do gặp tai nạn khi đi công tác. Tại hiện trường, chiếc xe ô tô 7 chỗ chở ông Lê Hòa Bình bị lật nghiêng, hư hỏng nặng và nằm chắn ngang làn đường khẩn cấp trên cao tốc.

Sau khi tai nạn xảy ra, ông Lê Hoà Bình đã bị thương nặng, được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Long An nhưng không qua khỏi cơn nguy kịch.

Ông Lê Hòa Bình quê xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Ông có trình độ chuyên môn kỹ sư xây dựng, thạc sĩ kỹ thuật, cử nhân kinh tế. Trình độ Cao cấp Lý luận chính trị.

Cuối tháng 12/2021, UBND TP.HCM có quyết định phân công công tác Chủ tịch, Phó chủ tịch và các viên UBND TP.HCM nhiệm kỳ 2021-2026.

Ông Lê Hòa Bình trực tiếp chỉ đạo Văn phòng UBND TP, chỉ đạo các lĩnh vực quy hoạch, quản lý, phát triển đô thị; xây dựng; quản lý đất đai - tài nguyên và môi trường; giao thông, vận tải, cấp thoát nước; quản lý nhà; giải quyết những trường hợp khiếu nại, tố cáo...

Trong quá trình công tác, ông Lê Hoà Bình từng giữ nhiều chức vụ và có đóng góp cho sự phát triển của TP.HCM. Sau đây là những phát ngôn ấn tượng của ông Lê Hòa Bình trong thời gian lãnh đạo thành phố.

"An toàn tới đâu, mở cửa tới đó"

Năm 2021, TP.HCM đã trải qua đợt dịch bệnh với sự lây lan nhanh chóng của biến chủng Delta. Sau khi dịch bệnh được kiểm soát, thành phố đã điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, từng bước nới lỏng giãn cách xã hội theo lộ trình tương ứng với diễn biến tình hình mới.

Tại buổi họp báo vào ngày 30/9, Phó Chủ tịch UBND TP. HCM Lê Hòa Bình đã công bố Chỉ thị của UBND TP HCM "Tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn thành phố".

 Ông Lê Hòa Bình và hàng loạt phát ngôn ấn tượng: Đầu đội pháp lý, chân đi thực tiễn - Ảnh 1.

Ông Lê Hòa Bình

Đồng thời, ông cũng thông tin việc nới lỏng giãn cách xã hội sẽ thực hiện trên nguyên tắc triển khai từng bước thận trọng, chặt chẽ, chắc chắn theo phương châm "An toàn là trên hết", "An toàn tới đâu mở cửa tới đó, mở cửa thì phải an toàn".

Bên cạnh đó, tại Hội nghị tổng kết tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2021 và triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2022 do UBND quận Phú Nhuận tổ chức, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hòa Bình cũng nhấn mạnh, cần xem phòng, chống dịch hiệu quả là thúc đẩy kinh tế-xã hội và ngược lại, phát triển kinh tế xã hội là tạo tiền đề, nguồn lực, vật chất cho công tác phòng, chống dịch.

"Đầu đội pháp lý, chân đi thực tiễn"

Đây là phát biểu của ông Lê Hòa Bình trong buổi làm việc đầu tiên với Sở Xây dựng TP.HCM khi ông Lê Hòa Bình rời vị trí giám đốc sở này để nhận nhiệm vụ Phó Chủ tịch UBND.

Tại đây, ông đã dành nhiều thời gian để bàn về các giải pháp nhằm ngăn chặn và hạn chế tối đa tình trạng vi phạm trật tự xây dựng. "Vì vậy, tôi phải nhắc lại các cán bộ đặc biệt là lực lượng thanh tra xây dựng phải nhớ rằng "đầu đội pháp lý, chân đi thực tiễn". Không cứng nhắc và phải thường xuyên nắm bắt thực tế để xử lý hồ sơ đúng theo quy định pháp luật", ông Lê Hòa Bình nói.

 Ông Lê Hòa Bình và hàng loạt phát ngôn ấn tượng: Đầu đội pháp lý, chân đi thực tiễn - Ảnh 2.

Phó chủ tịch Lê Hòa Bình (thứ 2 từ trái qua), trong lần thị sát cầu Thủ Thiêm 2

Do có nhiều năm đảm trách việc quản lý về xây dựng nên biết rõ công tác quản lý hoạt động xây dựng. Bên cạnh đó, vị Phó chủ tịch UBND TP HCM cũng bày tỏ mong muốn sẽ tập trung đẩy mạnh và ưu tiên phát triển nhà ở xã hội và nhà giá rẻ làm sao đảm bảo được 5 triệu m2 sàn xây dựng vào năm 2025.

"Nhất định đẩy nhanh tiến độ cấp Giấy chứng nhận nhà đất"

Vào tháng 12/2021, trong ngày được HĐND TP bầu làm Phó Chủ tịch TP.HCM, ông đã thể hiện những cam kết mạnh mẽ, ấn tượng khi trình bày chương trình hành động.

Cụ thể, Phó Chủ tịch Lê Hòa Bình nhấn mạnh sẽ tập trung giải quyết các vấn đề kéo dài gây bức xúc trong nhân dân về quy hoạch; nhất định đẩy nhanh công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở đối với căn hộ chung cư; rút ngắn thời gian cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất đối với nhà ở riêng lẻ.

Bên cạnh đó, trong chương trình hành động của mình, ông Lê Hòa Bình cho biết tập trung vào đột phá phát triển hạ tầng. Cụ thể là nâng cao năng lực khai thác kết cấu hạ tầng kỹ thuật hiện có. Có giải pháp để ứng dụng mạnh mẽ chuyển đổi số, thúc đẩy áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI), cơ sở dữ liệu lớn (big data) trong quản lý đô thị, hạ tầng kỹ thuật và giao thông. Đồng thời, thúc đẩy thu hút các nguồn lực xã hội, sự tham gia của các thành phần kinh tế để phát triển đô thị.

Phó Chủ tịch UBND Lê Hòa Bình cũng quan tâm đến phát triển nhà ở cho người dân, chỉnh trang đô thị, giảm ùn tắc giao thông, chống ngập, giảm ô nhiễm môi trường, phát triển cây xanh, mở rộng không gian kết nối với các địa phương trong vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam…

 Ông Lê Hòa Bình và hàng loạt phát ngôn ấn tượng: Đầu đội pháp lý, chân đi thực tiễn - Ảnh 3.

Thiết kế: Tuệ Nhật



Cùng chuyên mục

Đọc thêm