Solve for Tomorrow được Samsung toàn cầu khởi xướng vào năm 2010 tại Mỹ. Ở Việt Nam, cuộc thi được tổ chức từ 2019 và trở thành sân chơi tư duy sáng tạo thường niên cho học sinh lứa tuổi 12-18. Sau 15 năm, chương trình khuyến khích sáng tạo, đổi mới công nghệ cho 2,6 triệu học sinh trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Ông Kim Yong Sup, Phó tổng giám đốc phụ trách đối ngoại Tổ hợp Samsung Việt Nam, cho rằng nhân tài và công nghệ là hai giá trị tạo tiền đề của công ty. Đây cũng là yếu tố cốt lõi của quốc gia để cạnh tranh trong bối cảnh hiện nay. "Qua cuộc thi, Samsung muốn trao quyền cho thế hệ trẻ làm những điều tốt đẹp bằng công nghệ, mang đến những mảnh ghép sáng tạo để lấp đầy khoảng trống còn thiếu trong bức tranh chuyển đổi số của Việt Nam", ông cho hay.
Sau 5 năm tổ chức ở Việt Nam, chương trình công nghệ này thu hút 300.000 học sinh và giáo viên đăng ký, nhận về 5.200 bài dự thi, nhiều dự án thực tiễn của học sinh được đưa vào đời sống.
Trong năm đầu, giải pháp "Ứng dụng kiến thức khoa học và các đặc điểm của thực vật trong việc tạo ra màu sắc, hương, vị nước giải khát an toàn" của Trường THCS Phước Hiệp, huyện Mỏ Cày Nam (Bến Tre) giành giải nhất. Sau cuộc thi, dự án của nhóm được Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bến Tre chọn đưa vào sách tài liệu giáo dục của tỉnh dành cho học sinh lớp 6 nhằm lan tỏa nội dung về sáng tạo, khởi nghiệp trong cuộc sống.
Tương tự, mô hình Hệ thống quản lý thư viện thông minh của học sinh trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Đà Nẵng), thắng giải cao nhất Solve for Tomorrow 2022 và được đưa vào thư viện Trường Hy Vọng (Hope School). Trường được thành lập bởi Tập đoàn FPT và Quỹ Hy Vọng.
Bước sang năm thứ 5, đại diện ban tổ chức cho biết Solve for Tomorrow không chỉ mở rộng đề tài mang tính nhân văn, khuyến khích dự án về giải pháp công nghệ hỗ trợ cuộc sống cho nhóm người yếu thế, cuộc thi còn được thiết kế nhằm trao quyền cho thế hệ trẻ, thúc đẩy đóng góp tích cực cho cộng đồng.
Đây cũng là lần đầu Samsung triển khai "Xe buýt Solve for Tomorrow" để phổ cập kiến thức STEM đến học sinh tại Việt Nam. Điểm xuất phát tại trường THPT chuyên Bình Long, Bình Phước. Hành trình dự kiến vượt chặng đường 8.000 km và dừng chân tại các trường học ở ba miền, tiếp cận trực tiếp hơn 10.000 học sinh, nhất là ở địa phương vùng sâu vùng xa.
Theo đại diện Samsung, công nghệ đang hiện diện khắp nơi, công cuộc chuyển đổi số cũng diễn ra mạnh mẽ ở Việt Nam, thúc đẩy kinh tế số tăng trưởng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khía cạnh công nghệ chưa chạm đến một cách sâu rộng như môi trường, sức khỏe, người yếu thế... Thế hệ trẻ có thể tìm ra giải pháp mới để tiếp cận nhóm này.
Thông qua sáng kiến đổi mới sáng tạo, đào tạo kiến thức miễn phí, hỗ trợ thiết bị công nghệ, hỗ trợ triển khai thực tế và mở rộng mạng lưới công nghệ, Samsung cho biết hãng mong muốn tiếp tục là vườn ươm, trao quyền cho thế hệ học trò - những "người khổng lồ tý hon" để mang công nghệ số về giải quyết các vấn đề của từng địa phương, cộng hưởng tạo nên thay đổi cho toàn xã hội.