Đại úy Vũ Minh Khoa - Trưởng Công an phường Thuận Phước (quận Hải Châu) cho biết không thể quên vụ ngày 7/3 mới đây. Nhận được tin báo có người đang chuẩn bị nhảy cầu Thuận Phước, anh cùng anh em trong đơn vị lập tức đến hiện trường. Lúc này ông V.T (43 tuổi) đã dừng chiếc xe ô tô 4 chỗ và bước ra ngồi phía ngoài thành cầu. Người thân của nạn nhân nhà gần đó cũng đã chạy ra.
Lưc lượng PCCC-CNCH trên sông túc trực khi có người muốn nhảy cầu. Ảnh: CA
Anh em làm nhiệm vụ cùng gia đình đứng thuyết phục, động viên nạn nhân từ bỏ ý định tự tử. Đến trưa người đàn ông đã chịu ăn bánh mì, uống nước. Suốt thời gian trên, các lực lượng Phòng Cảnh sát PCCC-CNCH trên sông cũng đã chuẩn bị sẵn các phương án để ứng cứu khi nạn nhân nghĩ quẩn. Cuộc thương thuyết kéo dài suốt gần 15 tiếng đồng hồ, mãi đến gần 12 giờ đêm cùng ngày, người đàn ông mới chịu leo vào để về nhà. Nhưng thật không ngờ 7 giờ sáng hôm sau anh em nhận được tin báo người đàn ông đó đã nhảy xuống cầu ngay vị trí hôm qua, Đại úy Khoa kể.
Theo Đại úy Khoa, có những trường hợp đã bỏ ý định tự tử quay trở về nhà, nhưng chịu không nổi áp lực của dư luận, nên tiếp tục tự tử. Như vụ việc trên, trên mạng xã hội có không ít những câu bình luận ác ý, thậm chí “cổ vũ” người đàn ông này nhảy cầu (!).
“Ngoài ý chí chủ quan của những người muốn tự tử, thì tác động tiêu cực của mạng xã hội là không nhỏ. Đó là những bình luận khích bác ác ý, kích động ít nhiều tác động gây tâm lý tiêu cực cho nạn nhân, suy nghĩ lệch lạc mà dẫn đến việc tự tử lần hai. Nếu gỡ được nút thắt đó, công tác tuyên truyền, vận động sẽ có hiệu quả cao hơn”. Đại úy Vũ Minh Khoa - Trưởng Công an phường Thuận Phước (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) trăn trở |
Tuy nhiên, cũng có không ít lần tấm lòng yêu thương con người của anh em được đền đáp. Mới đây nhất là trưa ngày 10/3, cụ ông N.N.K. (sinh năm 1936, trú quận Thanh Khê) lập cập bước lên thành cầu Thuận Phước với ý định tự tử. Vì có bệnh tật, tâm lý ông cụ 86 tuổi ấy lúc đó chỉ không muốn làm khổ con cháu, muốn kết thúc nhanh. Lực lượng chức năng đã kịp thời có mặt tận tình khuyên giải, để cuối cùng cụ đã đồng ý bước xuống và được lực lượng chức năng đưa về tận nhà.
Ngay hôm sau ngày 11/3, vào khoảng 21 giờ đêm chị V.N.H.Y (sinh năm 1990 trú phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) trong tâm trạng quẫn bách vì nợ nần đã leo ra thành cầu Thuận Phước với ý định nhảy xuống. Các chiến sĩ làm nhiệm vụ lập tức có mặt tiếp cận nhỏ to khuyên giải, và sau hàng giờ đồng hồ người phụ nữ đã đồng ý về với gia đình. Trong lời kể của các chiến sĩ Phòng Cảnh sát PCCC-CNCH trên sông với tôi đã không giấu được niềm hân hoan. Khi anh em vừa nhận được tin người phụ nữ trẻ ấy đã cân bằng được tâm lý trở lại với cuộc sống bình thường, và đã trả được hết nợ nần. Hòm thư của cơ quan Phòng Cảnh sát PCCC-CNCH vẫn luôn nhận được những bức thư tay cảm ơn của người nhà nạn nhân từ nhiều nơi trong và ngoài thành phố. Các anh cười vui nói rằng mỗi lần nhận được những lá thư và thông tin như vậy còn vui hơn nhận được thư tình!
Những hy sinh thầm lặng
Thiếu tá Lê Văn Lưu, Phó trưởng phòng Cảnh sát PCCC-CNCH trên sông, cho hay: Công tác chữa cháy và cứu nạn trên bờ khó khăn, vất vả là thế, song công tác dưới nước còn khó khăn gấp bội. Khi lặn xuống đáy sông thì gần như không thấy gì nữa, đèn pin cầm theo nhìn cũng cấp sáng được trong chừng một gang tay, công tác cứu hộ đúng tính chất mò kim đáy bể. Chưa kể đến môi trường và địa hình địa vật dưới đáy sông rất phức tạp: bùn đất, các vật liệu xây dựng còn tồn đọng, chướng ngại vật đầy rẫy, dòng nước chảy thì vô định. Việc xác định phương hướng thi thể trôi gần như là không thể. Do đó các anh vừa phải có kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ tốt vừa đòi hỏi có một tinh thần thép, vượt qua được nỗi sợ đến từ công việc tìm thi thể.
Trải lòng cùng chúng tôi, Thượng úy Nguyễn Thành Trung- người thường xuyên trực tiếp làm nhiệm vụ cứu nạn cứu hộ trên sông, cho hay: Đa số các anh em tại đây đều làm nghiệp vụ trên bờ cả, trước kia làm gì có đội Cứu nạn cứu hộ trên sông bao giờ. Nay làm sông nước cảm giác khó khăn nguy hiểm hơn rất nhiều. Khi được hỏi về cảm giác sau mỗi lần làm nhiệm vụ, Thượng úy Trung thật lòng: Cũng nhợn lắm! Các thi thể khi ngâm dưới nước trong thời gian lâu thì bắt đầu phân hủy, biến dạng. Về phải sát trùng rượu nhiều lần, vứt bỏ cả bộ quần áo, chưa kể phần da của họ dính vào da của mình, cảm giác đến rợn người, cơm ăn cũng phải bỏ mấy ngày.
Đại úy Ông Ích Thành - cán bộ Phòng PCCC - CNCH trên sông cho biết anh công tác đã được 18 năm, trong chừng ấy năm ngoài công việc chữa cháy anh còn tham gia vớt không biết bao nhiêu là xác nhảy cầu, có những xác 7-8 ngày sau mới tìm được. Lúc ấy cảm giác rất sợ. Nhưng mỗi khi nhìn người nhà của nạn nhân đau đớn van xin, đứng khấn giữa trời mưa gió lạnh lẽo, chờ đợi trong mệt mỏi, khiến mình càng phải cố gắng hơn để “nghĩa tử nghĩa tận”, tìm được thi thể cho người thân mang về.
Làm việc trong môi trường nguy hiểm và thường xuyên được điều động khẩn cấp, các chiến sĩ Phòng PCCC-CNCH trên sông phải túc trực 24/24 tại cơ quan, thời gian dành cho gia đình gần như là không có. Đại úy Ông Ích Thành chia sẻ: Nghĩ đến vợ con cũng tội, mình không có thời gian đưa đi chơi. Đến các dịp lễ, tết thì gửi con cho mấy cô mấy dì trong nhà dắt đi chơi cùng!