Thậm chí, đã có 3 ngân hàng vượt kế hoạch cả năm chỉ sau 9 tháng là LienVietPostBank, Eximbank và Saigonbank.
Cụ thể, lợi nhuận trước thuế của Eximbank 9 tháng đầu năm đạt 3.181 tỷ đồng, cao cấp 3 lần mức đạt được cùng kỳ. Trong khi đó, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên hồi tháng 4/2022, ngân hàng chỉ đặt ra mục tiêu lợi nhuận 2.500 tỷ đồng trong năm 2022. Như vậy, sau 9 tháng, Eximbank đã hoàn thành được 127% kế hoạch cả năm.
Kết quả ấn tượng này có được nhờ các hoạt động kinh doanh của Eximbank tăng trưởng khả quan, dẫn dắt bởi thu nhập lãi thuần 9 tháng tăng tới 64% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, Eximbank cũng giảm mạnh chi phí dự phòng rủi ro giúp lợi nhuận tăng trưởng theo cấp số nhân.
LienVietPostBank cũng đã “về đích” sớm khi lợi nhuận 9 tháng đạt 4.822 tỷ đồng, vượt mục tiêu cả năm (4.800 tỷ đồng). Lợi nhuận ngân hàng này tăng mạnh 72% so với cùng kỳ với nhiều mảng kinh doanh có kết quả tích cực. Động lực tăng trưởng tín dụng của LienVietPostBank chủ yếu đến từ mảng cho vay bán lẻ và danh mục cho vay bán lẻ đang chiếm phần lớn trong tổng các khoản vay tại ngân hàng.
Tại Saigonbank, theo kế hoạch kinh doanh được ĐHĐCĐ thông qua, ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2022 đạt 190 tỷ đồng, tăng 23% so với năm 2021. Thế nhưng, chỉ trong 9 tháng, lợi nhuận của ngân hàng này đã đạt tới 236 tỷ đồng.
Nhìn chung, hầu hết các ngân hàng vẫn đang theo đúng lộ trình, hoàn thành được hơn 3/4 mục tiêu lợi nhuận cả năm sau 9 tháng.
Những ngân hàng lớn như Vietcombank, MB, BIDV, VietinBank, ACB đều đã hoàn thành trên 80%. Techcombank và SHB cũng đã đạt 77% mục tiêu cả năm.
Đây là năm đầu tiên Vietcombank lên kế hoạch lợi nhuận vượt mốc 30.000 tỷ đồng. Trong 3 quý đầu năm, hoạt động kinh doanh của “ông lớn” này duy trì tích cực, dù tăng trích lập dự phòng nhưng lãi trước thuế vẫn đạt 24.940 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ.
VPBank cũng đặt mục tiêu lợi nhuận gần với Vietcombank, là 29.662 tỷ đồng cho cả năm. Tuy nhiên, sau 9 tháng, lợi nhuận của VPBank mới ghi nhận 19.387 tỷ đồng, đạt 67% kế hoạch cả năm. Sau khi lợi nhuận bứt phá mạnh quý 1 thì lợi nhuận quý 2, quý 3 của VPBank có dấu hiệu tăng chậm lại.
Ở nhóm tầm trung, nhiều ngân hàng cũng đã đang đi đúng tiến độ, hoàn thành kế hoạch 9 tháng. Chẳng hạn như VIB có lãi trước thuế 7.800 tỷ đồng, đạt 74% so với mục tiêu năm 2022 là 10.500 tỷ đồng. TPBank, MSB, cũng đã hoàn thành được trên 70% kế hoạch cả năm.
Tuy nhiên, chiều ngược lại cũng có ngân hàng chưa hoàn thành được nửa kế hoạch năm dù đã bước qua tháng 9. Như OCB ghi nhận lợi nhuận sụt giảm 30% so với cùng kỳ xuống 2.649 tỷ đồng, mới chỉ đạt 37% kế hoạch cả năm (7.110 tỷ đồng). Hay BaoVietBank cũng mới chỉ đạt 40% mục tiêu cả năm.
Còn tại NCB, ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 không đề ra mục tiêu lợi nhuận trước thuế (sau phương án cơ cấu lại) mà chỉ dự kiến lợi nhuận trước phương án cơ cấu lại là 608 tỷ đồng. Tuy nhiên, 9 tháng đầu năm, ngân hàng đã báo lỗ 180 tỷ.
Trên thực tế, đầu năm nay, các ngân hàng cũng đã lên kế hoạch kinh doanh khá thận trọng với mục tiêu tăng trưởng không đột biến như những năm trước. Chẳng hạn như ở nhóm ngân hàng lớn, MB chỉ dự kiến lợi nhuận năm 2022 tăng 23% lên 20.300 tỷ đồng, Techcombank dự kiến tăng 16% lên 27.000 tỷ đồng.
Sự thận trọng này cũng là điều dễ hiểu khi nền kinh tế vừa đi qua 2 năm đại dịch, tuy đã mở cửa trở lại nhưng rủi ro cũ vẫn còn tiềm ẩn. Bên cạnh đó, thị trường tài chính xuất hiện thêm nhiều rủi ro mới như áp lực lạm phát, tăng lãi suất và đứt gãy chuỗi cung ứng, bất ổn địa chính trị trên thế giới. Do đó, các ngân hàng sẽ phải mở rộng tín dụng một cách cẩn thận để hạn chế rủi ro nợ xấu, đảm bảo chất lượng tài sản để đi qua giai đoạn khó khăn.