Công nghệ

Những nạn nhân của trại lừa đảo tiền số ở Đông Nam Á

Daniel, 40 tuổi sống tại Thụy Điển, quen với Adele, một người phụ nữ Á Đông đến nước này để thăm dì của mình. Hai người gặp gỡ qua Tinder, trò chuyện trên WhatsApp và đã lên kế hoạch gặp mặt.

Adele kể cho Daniel về sở thích cá nhân và cả thành công của cô trong đầu tư tiền số, dần thuyết phục Daniel thử vận may. Sau vài tuần, Adele mời Daniel vào một nhóm WhatsApp khoảng 100 người, được lập ra để thảo luận về các khoản đầu tư thành công và nhận lời khuyên từ "chuyên gia tài chính" Manish Aurora.

Daniel thử nghiệm bằng cách mua số USDT trị giá 100 euro trên một sàn tiền số và thấy khoản lãi của mình tăng lên. Tuy nhiên, anh cần đầu tư số tiền lớn hơn để nhận được lời khuyên chuyên sâu từ Manish Aurora. Daniel chấp nhận rủi ro, bỏ ra toàn bộ 40.000 euro mà không biết đang rơi vào bẫy lừa đảo.

Vài ngày sau, một phụ nữ khác trên Tinder cảnh báo anh có thể là nạn nhân của trò lừa đảo. Daniel rút được khoản tiền nhỏ, nhưng tài khoản bị khóa ngay khi muốn rút toàn bộ tiền. Adele nói anh phải "đóng thuế" để lấy được tiền.

"Tôi từng có cuộc sống khá dư dả, nhưng giờ gần như trắng tay. Tôi thấy mình như một kẻ thất bại thảm hại", Daniel nói.

Hình ảnh của Adele gửi cho Daniel. Ảnh: El Pais

Hình ảnh của Adele gửi cho Daniel. Ảnh: El Pais

Thực tế, Adele và những nhà đầu tư trong nhóm WhatsApp đều không có thật, còn "Manish Aurora" là kẻ mạo danh nhà quản lý quỹ đầu cơ người Mỹ. Mánh khóe Daniel gặp phải được gọi là "mổ lợn". Kẻ lừa đảo sẽ làm quen với nạn nhân qua mạng, tán tỉnh rồi dụ họ đầu tư vào chương trình tài chính giả, sau đó chiếm đoạt tiền.

Mổ lợn là hình thức lừa đảo bùng nổ mạnh mẽ từ sau Covid-19. Chúng được tiến hành từ các khu trại ở Đông Nam Á, Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất và một số nơi khác. Theo tính toán của Đại học Texas ở Mỹ, các vụ lừa đảo kiểu này thu về 72 tỷ USD trong giai đoạn 2020-2024.

Một số người tự nguyện đến làm trong các khu trại, nhưng phần lớn là nạn nhân của nạn buôn người, bị ép thực hiện lừa đảo. Theo báo cáo từ Văn phòng Cao ủy Liên Hợp Quốc về Nhân quyền (OHCHR), có thể có 100.000 nạn nhân như vậy chỉ riêng tại Campuchia, trong khi con số ở Myanmar lên tới 120.000.

Nhiều người bị lừa vào các khu trại bằng những lời hứa hẹn về việc nhẹ lương cao.

Raymond, người Malaysia gốc Hoa 40 tuổi, được tuyển vào vị trí chăm sóc khách hàng có mức lương cao tại sòng bạc. Giấc mơ của anh sụp đổ khi bên tuyển dụng đưa Raymond đến một khu phức hợp, nơi có lính gác vũ trang canh khắp nơi. "Tôi muốn rời đi lập tức, nhưng họ không cho phép", anh kể.

Raymond được cấp laptop và 4 điện thoại, có nhiệm vụ săn mồi thông qua các ứng dụng hẹn hò và mạng xã hội. Anh hóa thân thành những người có lối sống xa hoa, tiếp cận nạn nhân ở châu Âu, tạo dựng quan hệ và dẫn dắt họ đầu tư tiền số, mua USDT và chuyển tiền vào các tài khoản giả mạo.

Nếu không đạt chỉ tiêu, Raymond có thể bị đánh đập hoặc bị chích điện. Sau nhiều tháng bị giam, Raymond tìm cách trốn thoát. Anh bí mật sử dụng điện thoại để liên lạc với Tổ chức chống lừa đảo toàn cầu (GASO), cung cấp thông tin về những người Malaysia cùng cảnh ngộ. Raymond và một số người khác được giải cứu, đưa về nước sau đó một thời gian.

Andrew, một người Malaysia gốc Hoa khác, thoát khỏi cảnh giam cầm nhanh hơn. Sau khi mắc bẫy làm việc ở Campuchia năm 2023, anh bị giam và liên tục bị bán qua lại giữa các khu trại với giá đến 10.000 euro. Công việc của Andrew là giả danh phụ nữ, gửi tin nhắn làm quen với các tài khoản WhatsApp ở Mỹ để dẫn dụ họ vào mạng lưới lừa đảo tiền số. Andrew cũng chứng kiến cảnh bạo lực nhằm vào những người không đạt chỉ tiêu. Anh chỉ được tự do sau khi gia đình chấp nhận nộp khoản tiền chuộc 23.000 euro.

Hàng trăm nhân chứng khác kể những câu chuyện tương tự Raymond và Andrew. "Dù quy mô mạng lưới lừa đảo toàn cầu rất lớn, rất ít người biết được điều gì đang xảy ra", nhà nghiên cứu Ivan Franceschini nói với El Pais.

(Theo El Pais)

Cùng chuyên mục

Đọc thêm