Thị trường chứng khoán Việt Nam chứng kiến nhịp điều chỉnh khá mạnh giai đoạn đầu tháng 7 và có thời điểm chạm mốc 1.142,8 điểm. Tuy nhiên, tâm lý tích cực đã quay trở lại, thanh khoản được cải thiện cuối tháng giúp VN-Index kết thúc trên ngưỡng 1.200 điểm.
Theo báo cáo chiến lược mới công bố, CTCP Chứng khoán BIDV (BSC) đánh giá P/E của VN-Index tiếp tục ở mức định giá hấp dẫn. Đội ngũ phân tích BSC cho rằng P/E có thể vận động trong vùng 13-13,5 khi thanh khoản thị trường cải thiện cùng tâm lý tích cực giữ vai trò chủ đạo.
Hai kịch bản cho chứng khoán Việt Nam trong tháng 8
Dựa trên thống kê nghiên cứu, báo cáo đưa ra hai kịch bản cho thị trường chứng khoán trong tháng 8/2022.
Kịch bản 1: BSC dự báo VN-Index cân bằng ở ngưỡng 1.200 điểm đồng thời hướng đến vùng 1.300-1.320 điểm khi thanh khoản cải thiện cùng tâm lý tích cực lan tỏa trên thị trường. Nền kinh tế tiếp tục cho thấy tín hiệu khả quan bên cạnh những nỗ lực của cơ quan quản lý trong việc kiềm chế lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, khơi thông nguồn vốn tín dụng… cùng diễn biến khả quan từ khối ngoại.
Ngoài ra, thị trường sẽ tiếp tục phân hóa dựa trên KQKD quý 2 khi các doanh nghiệp cơ bản tốt đang ở vùng định giá hấp dẫn có thể là điểm đến của dòng tiền giai đoạn này.
Kịch bản 2: BSC đưa ra quan điểm về dấu hiệu suy thoái kinh tế Mỹ cũng như các nền kinh tế phát triển khác ngày một rõ nét, bên cạnh sự giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc. Sau nhịp hồi phục, tâm lý tiêu cực quay trở lại có thể lấn át những nỗ lực hồi phục trước đó. Hơn nữa, xu hướng bán ròng tiếp diễn ở khối ngoại khi "cuộc đua nâng lãi suất" của các NHTW chưa có dấu hiệu dừng lại, và thanh khoản chưa cho thấy sự cải thiện rõ rệt. Dựa trên những dự báo này, BSC nhận định VN-Index sẽ dao động quanh 1.200 điểm.
Về thanh khoản thị trường, đội ngũ phân tích dự báo dao động ở mức 0,8-1 tỷ USD/phiên khi VN-Index diễn biến trong kịch bản hướng tới 1.300-1.320 điểm, tâm lý tích cực và dòng tiền quay trở lại thị trường. Trước đó, tháng 7 ghi nhận thanh khoản bình quân phiên giảm 22,2% so với tháng 6. Tâm lý nhà đầu tư tiêu cực và thận trong giữ vai trò chủ đạo khi thị trường chờ đợi những thông tin trong nước cũng như diễn biến trên thế giới.
Về giao dịch khối ngoại, BSC nhận định diễn biến khối ngoại trong tháng 7 cho thấy những ảnh hưởng nhất định từ việc FED và các NHTW lớn nâng lãi suất. Các chuyên gia BSC kỳ vọng xu hướng mua ròng sẽ trở lại trong tháng 8 khi tâm lý ổn định hơn bên cạnh các thông tin tiêu cực đã được phản ánh khá rõ nét giai đoạn vừa rồi.
Những yếu tố tác động đến thị trường trong tháng 8
Báo cáo của BSC cũng chỉ ra một số yếu tố tác động đến chứng khoán Việt Nam trong tháng 8. Về yếu tố tích cực, chuyên gia BSC tin tưởng rằng nền kinh tế tiếp tục phát triển cùng nỗ lực của Chính phủ trong triển khai giải pháp đẩy mạnh tăng trưởng; điều hành linh hoạt, ổn định giá cả các mặt hàng cùng quyết tâm đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công sẽ mang lại diễn biến khởi sắc cho thị trường. Bên cạnh đó, VSD dự kiến hoàn thiện hệ thống triển khai giao dịch T+2 cũng là một điểm sáng trong tháng 8 này.
Mặt khác, BSC cũng nhấn mạnh có nhiều yếu tố tiêu cực có thể tác động đến thị trường. Tiêu điểm là rủi ro suy thoái nền kinh tế Mỹ và một số quốc gia khác trong khi "cuộc đua" nâng lãi suất chưa có dấu hiệu dừng lại.
BSC cũng nhấn mạnh xung đột địa chính trị Nga-Ukraine tiếp tục kéo dài, các biện pháp trừng phạt và đáp trả với tần suất và mức độ lớn hơn trước có thể gây tâm lý bất ổn kìm hãm đà tăng trưởng kinh tế thế giới.
Chiến lược đầu tư
Trên cơ sở nền kinh tế trong nước vẫn cho thấy đà tăng trưởng tốt, BSC khuyến nghị nhóm cổ phiếu có định giá hấp dẫn như Ngân hàng, Chứng khoán, Thép và Bất động sản.
Đồng thời, nhà đầu tư nên xem xét phân bổ tỷ trọng danh mục các nhóm cổ phiếu an toàn nắm giữ khi suy thoái: Công nghệ, Tiện ích, Dầu khí.
Thêm vào đó, BSC cũng đánh giá cao nhóm cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng cao nhưng định giá chưa hấp dẫn: Dệt may, Thủy sản, Vận tải biển và Bán lẻ.
Tuy nhiên, BSC cũng lưu ý nhà đầu tư cần thận trọng quan sát tình hình kinh tế thế giới khi vẫn đang diễn biến phức tạp. Cụ thể, nền kinh tế Mỹ đã bước vào suy thoái về mặt kỹ thuật, hay việc các NHTW lớn vẫn tiếp tục lộ trình nâng lãi suất…