
Thuế quan đối ứng của Mỹ và xung đột địa chính trị đã khiến các thị trường dậy sóng. (Ảnh minh họa: Reuters/Getty Images/Nikkei Asia).
Nửa đầu năm 2025 là một giai đoạn đầy biến động, các thị trường liên tiếp trải qua những sự kiện gây sốc như cuộc chiến thuế quan toàn cầu và xung đột địa chính trị leo thang.
Đầu tiên, thị trường tài chính trải qua phen náo động sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt thuế quan đối ứng lên hầu hết mọi quốc gia trên thế giới vào đầu tháng 4. Chứng khoán lao dốc mạnh và sau đó phục hồi, nhưng đồng USD vẫn suy yếu đáng kể trong bối cảnh nhà đầu tư lo ngại về nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Hạn chót hoãn thuế quan đối ứng cao hơn đang đến gần, nhưng nhiều quốc gia vẫn đang nỗ lực đàm phán thỏa thuận với Washington. Không ai có thể nói trước kết quả từ các cuộc đàm phán sẽ ảnh hưởng thế nào đến doanh nghiệp và nền kinh tế thế giới. Rất có thể thị trường sẽ biến động trong một khoảng thời gian.
Để hiểu được tình thế hiện nay của thị trường, nhà đầu tư có thể xem xét lại những gì đã xảy ra trong nửa đầu năm. Dưới đây là thông tin tờ Nikkei Asia tổng hợp về diễn biến của những loại tài sản quan trọng trên các thị trường châu Á, từ cổ phiếu cho tới tiền mã hóa:
Cổ phiếu
Hàn Quốc và Hong Kong thuộc nhóm những thị trường tăng mạnh nhất trong 6 tháng đầu năm, khi các chỉ số Kospi và Hang Seng đều bật tăng hơn 20%.
Nhà đầu tư Hàn Quốc phấn khởi sau cuộc bầu cử tổng thống, kéo giá các cổ phiếu đi lên, bao gồm cả những ông lớn ngành công nghệ như SK Hynix và Samsung Electronics.
Hàn Quốc tổ chức bầu cử tổng thống sớm vào tháng 5 và chọn ông Lee Jae Myung làm lãnh đạo mới. Ông Lee cam kết sẽ cải cách thị trường để thúc đẩy cổ phiếu nội địa.
Mức tăng mạnh của các cổ phiếu công nghệ Hàn Quốc, đặc biệt là những cái tên liên quan tới trí tuệ nhân tạo (AI), khiến các nhà đầu tư quốc tế cũng phải chú ý.

Tại Hong Kong, các cuộc chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) đang diễn ra sôi nổi. Nhiều công ty Trung Quốc quyết định chọn thị trường này làm nơi huy động vốn trong bối cảnh mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington vẫn chưa hết căng thẳng.
Theo FactSet, Trung Quốc đại lục là thị trường chính của nhiều công ty trong chỉ số Hang Seng, đóng góp tới 70% doanh thu của họ.
Ông Heron Lim, nhà kinh tế của Moody’s Analytics, đánh giá chứng khoán Hong Kong vẫn đang ở trong “giai đoạn phục hồi”. Vị chuyên gia chỉ ra rằng chỉ số Hang Seng vẫn chưa quay trở lại mức như năm 2021.
Theo dữ liệu Nikkei Asia tổng hợp từ nền tảng cung cấp dữ liệu QUICK, chứng khoán Việt Nam cũng diễn biến vượt trội so với các nước khác trong khu vực. Trong nửa đầu năm, chỉ số VN-Index tăng gần 9%.
Thị trường Việt Nam cũng trải qua nhiều phiên biến động mạnh, đặc biệt là sau khi ông Trump công bố mức thuế quan đối ứng 46%. Nhưng sau đó, tâm lý nhà đầu tư được cải thiện nhờ nỗ lực giảm thiểu tác động từ thuế quan của chính phủ, tạo động lực kéo giá cổ phiếu đi lên.
Tiền tệ
Đồng tiền của các nền kinh tế Đông Á như đôla Đài Loan, yen Nhật Bản và won Hàn Quốc tăng giá mạnh mẽ trong năm nay.
Giá đôla Đài Loan đã mạnh lên hơn 10% so với USD. Đôla Đài Loan bắt đầu bật tăng từ tháng 5, sau khi có tin đồn rằng chính quyền Tổng thống Trump đã gây sức ép yêu cầu Đài Loan chấp nhận để đồng tiền tăng giá như một phần của thỏa thuận thương mại.

Nhìn chung, trong nửa đầu năm, sức mạnh của đồng USD đã suy yếu trên diện rộng, thể hiện qua mức giảm gần 11% của chỉ số USD (DXY). Tuy nhiên, VND vẫn mất giá khoảng 2,5% so với đồng bạc xanh.
Theo chuyên gia, lý do là nhu cầu USD trong nước thời gian qua tăng lên, xuất phát từ nhu cầu xuất nhập khẩu tăng mạnh trước khi thuế quan có hiệu lực. Một nguyên nhân khác là triển vọng kinh tế Việt Nam đã trở nên kém tích cực hơn do ảnh hưởng của thuế quan.
Trái phiếu chính phủ
Lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm đi lên đều đặn trong năm nay, thuộc nhóm tăng mạnh nhất trong khu vực. Cụ thể, lợi suất kỳ hạn 10 năm đã tăng hơn 0,35 điểm % lên mức khoảng 1,445%.
Lợi suất các loại trái phiếu kỳ hạn siêu dài cũng lên cao trong bối cảnh nhu cầu sụt giảm. Lợi suất và giá trái phiếu di chuyển ngược chiều nhau, lợi suất tăng báo hiệu nhu cầu dành cho trái phiếu đi xuống và ngược lại.
Trong bối cảnh đó, ngân hàng trung ương Nhật Bản quyết định sẽ làm chậm tốc độ giảm mua trái phiếu chính phủ bắt đầu từ mùa xuân năm sau. Ngoài ra, Bộ Tài chính nước này cũng sẽ giảm phát hành trái phiếu kỳ hạn siêu dài kể từ tháng 7.
Ông Masamichi Adachi, nhà kinh tế trưởng về Nhật Bản của UBS Securities, viết trong lưu ý: “Áp lực lên lợi suất trái phiếu sẽ lên cao hơn, bởi lợi suất cần có đủ sức hấp dẫn để thu hút nhà đầu tư trong khu vực tư nhân như các cá nhân hay nhà đầu tư ngoại.
Chỉ riêng nhu cầu từ nhóm nhà đầu tư truyền thống như ngân hàng và công ty bảo hiểm nhân thọ là không đủ”.

Trái với tình hình của Nhật Bản, lợi suất tại các thị trường mới nổi ở châu Á đang đi xuống, bao gồm ở Thái Lan, Indonesia và Malaysia. Đây là kết quả khi nhà đầu tư bán ra các tài sản USD và ngân hàng trung ương những nước này hỗ trợ nền kinh tế bằng cách nới lỏng chính sách tiền tệ.
Ông Kota Hirayama, nhà kinh tế cấp cao của Nikko Securities, dự đoán trong nửa sau năm 2025, triển vọng về các đồng tiền và lợi suất trái phiếu của các thị trường mới nổi “sẽ phụ thuộc” vào tình hình ở Trung Đông, diễn biến giá dầu thô và thuế quan của ông Trump.
Một trong những kịch bản của vị chuyên gia là ông Trump sẽ gia hạn thời gian đàm phán thuế quan sau ngày 9/7, qua đó giúp Mỹ tránh được nguy cơ giảm tốc nghiêm trọng.
Trong kịch bản đó, niềm tin của nhà đầu tư vào đồng USD có thể sẽ phục hồi và ngừng đà tăng giá của trái phiếu các thị trường mới nổi.