Doanh nghiệp

Nhà sản xuất "Anh trai vượt ngàn chông gai" chấm dứt giấc mơ tỷ USD

Tóm tắt:
  • Yeah1 đã bán 99,99% vốn tại Giga1, từng kỳ vọng đạt 1 tỷ USD doanh thu và 35 triệu người dùng.
  • Giga1 ra mắt tháng 11/2020, hoạt động theo mô hình M2C và hợp tác với Tân Hiệp Phát.
  • Mảng Giga1 không đạt kỳ vọng, Yeah1 lỗ gần 181 tỷ đồng năm 2020 nhưng có lãi nhờ thoái vốn năm 2021.
  • Vào giữa năm 2022, lãnh đạo Yeah1 và Tân Hiệp Phát đều thoái vốn khỏi YEG, giá cổ phiếu giảm mạnh.
  • Yeah1 dự kiến tổ chức đại hội cổ đông tháng 4/2025, tiếp tục mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giải trí.

Công ty CP Tập đoàn Yeah1 (mã chứng khoán: YEG) vừa hoàn tất chuyển nhượng toàn bộ vốn góp tại Công ty CP Công nghệ Thương mại Giga1 - nơi YEG nắm 99,99% vốn điều lệ. Giá trị thương vụ và bên nhận chuyển nhượng không được tiết lộ.

Giga1 từng được kỳ vọng là “át chủ bài” của Yeah1 trong tham vọng chuyển mình hậu khủng hoảng Youtube. Ra mắt vào tháng 11/2020, Giga1 hoạt động theo mô hình M2C (Manufacturer to Consumer), hợp tác chặt chẽ với các nhà sản xuất mà nổi bật nhất là Tân Hiệp Phát do ông Trần Quí Thanh làm chủ.

Thời điểm đó, nhà sáng lập Yeah1 là Chủ tịch Nguyễn Ảnh Nhượng Tống từng kỳ vọng Giga1 sẽ mang lại doanh thu gấp 5 lần mảng truyền thông truyền thống, hướng đến mục tiêu 1 tỷ USD giao dịch và 35 triệu người dùng. Con gái ông Trần Quí Thanh là bà Trần Uyên Phương cũng từng chi gần 300 tỷ đồng để trở thành cổ đông lớn của YEG.

Lúc đó, ái nữ của ông chủ Tân Hiệp Phát mua 6,89 triệu cổ phiếu YEG với giá 50.000 đồng/cổ phiếu. Qua đó, bà Phương trở thành cổ đông lớn thứ hai tại Yeah1 với tỷ lệ sở hữu hơn 22%, chỉ sau nhà sáng lập Yeah1 Nguyễn Ảnh Nhượng Tống.

Tuy nhiên, mảng kinh doanh này lại không như kỳ vọng. Năm 2020, Yeah1 vẫn lỗ gần 181 tỷ đồng. Sang năm 2021, công ty lãi trở lại gần 30 tỷ đồng nhưng chủ yếu nhờ thoái vốn các công ty con.

Nhà sản xuất 'Anh trai vượt ngàn chông gai' chấm dứt giấc mơ tỷ USD ảnh 1

Mảng kinh doanh Giga1 không đạt như kỳ vọng của Yeah1.

Năm 2021, Giga1 bắt đầu bị giảm vai trò trong chiến lược của Yeah1. Đầu tháng 7/2021, Yeah1 bất ngờ muốn chuyển nhượng 51% cổ phần tại Giga1 nhưng bất thành. Về phía Tân Hiệp Phát, từ cuối tháng 7/2021, bà Trần Uyên Phương cũng liên tục bán cổ phần YEG tại vùng giá chưa đến phân nửa ban đầu với 20.000 đồng/cổ phiếu và rút toàn bộ vốn vào giữa năm 2022.

Cũng vào giữa năm 2022, ông Nhượng Tống cũng thoái toàn bộ vốn và rút khỏi Hội đồng quản trị. Cổ phiếu YEG từ mức 23.000 đồng giảm về dưới mệnh giá.

Theo Công ty CP Tập đoàn Yeah1, việc thoái vốn Giga1 nằm trong kế hoạch tái cơ cấu, tập trung toàn lực cho hoạt động cốt lõi, gồm sản xuất chương trình truyền hình chất lượng cao và nội dung ngắn. Đây là mảng đang cho thấy sự phục hồi rõ rệt.

Quý IV/2024, Yeah1 đạt gần 378 tỷ đồng doanh thu thuần, gấp 2,4 lần cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu tài chính gấp gần 7 lần cùng kỳ, đạt 78 tỷ đồng. Kết quả: Yeah1 ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 57 tỷ đồng trong quý IV/2024, gấp gần 3 lần cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế tăng 400%, lên 71 tỷ đồng.

Cả năm 2024, doanh thu thuần của Yeah1 vượt mốc 1.000 tỷ đồng, gấp 2,5 lần so với năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 127 tỷ đồng, cao nhất kể từ năm 2018.

Theo giải trình của YEG, lợi nhuận cao đột biến chủ yếu do giai đoạn cuối năm 2024 Yeah1 đạt được hiệu quả trong các mảng kinh doanh. Trong đó, đóng góp lớn nhất là từ hoạt động quảng cáo trên đa nền tảng, nhãn hàng tài trợ, chương trình giải trí ăn khách.

Dự kiến, Công ty CP Tập đoàn Yeah1 sẽ tổ chức đại hội cổ đông thường niên năm 2025 trong tháng 4. Công ty dự kiến trình cổ đông thông qua báo cáo tài chính năm 2024, tình hình kinh doanh năm 2024, kế hoạch kinh doanh năm 2025.

Năm 2025, Yeah1 dự kiến sẽ tiếp tục triển khai một số chương trình giải trí. Ngoài ra, Yeah1 sẽ triển khai một kế hoạch phát triển thị trường khá tham vọng, trong đó có mở rộng hợp tác quốc tế với nhiều tên tuổi lớn trong ngành giải trí.

Trong lĩnh vực sản xuất nội dung, Yeah1 tiếp tục mở rộng mạnh mẽ hệ sinh thái phân phối đa kênh từ mạng lưới mạng xã hội Youtube, Facebook, Tiktok, Threads, website cũng như mở rộng hợp tác với các nền tảng kỹ thuật số khác trong việc phát sóng, phân phối các nội dung của mình.

Các tin khác

Dự án khu công nghiệp lớn nhất Cần Thơ hiện ra sao?

Dự án Khu công nghiệp VSIP Cần Thơ đang bị chậm tiến độ do gặp nhiều vướng mắc, đặc biệt việc thiếu cát san lấp, chậm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thi công khu tái định cư và hai tuyến đường kết nối.

Chứng khoán lao dốc

Áp lực bán ngày càng mạnh khiến VN-Index mất hơn 10 điểm, nối dài mạch giảm phiên thứ tư liên tiếp và tiệm cận vùng tâm lý 1.300 điểm.

Đau đầu vì nút thắt tín dụng

Theo các chuyên gia và doanh nghiệp, việc gỡ nút thắt về vốn thông qua xây dựng chính sách và cơ chế bảo lãnh tín dụng cởi mở, thông thoáng hơn, thủ tục vay vốn đơn giản, nhanh chóng, thuận tiện hơn, các kênh tiếp cận tài chính đa dạng hơn sẽ là giải pháp đặc biệt quan trọng với doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa để có thể hình thành các tập đoàn tư nhân lớn mạnh.