Bất động sản

Nhà đầu tư đang ôm đất Củ Chi, Hóc Môn, Cần Giờ có động thái “lạ” cận Tết

Theo ghi nhận, so với thời điểm đầu năm 2024, thị trường nhà đất Hóc Môn, Củ Chi, Cần Giờ đã có dấu hiệu sức cầu tích cực, song chưa sôi động. Nguồn hàng môi giới nhận bán từ chủ nhà/đất còn khá lớn. Giao dịch lẻ tẻ ở các nền đất, căn nhà có giá thấp hơn giá thị trường đầu năm 2022 trên dưới 20%.

Đáng nói, thời điểm cận Tết, động thái tăng giá bán ở các nhà đầu tư khó ra hàng đã bắt đầu xuất hiện. Rao bán nhiều lần nhưng không có thanh khoản, thay vì giảm giá, nhà đầu tư có động thái “ngược” là rút hàng tăng giá.

Anh Ph, một nhà đầu tư quyết định nâng giá mới cho mảnh đất 100m2 tại huyện Hóc Môn sau nhiều lần rao bán bất thành. Dù khá cần dòng tiền để xử lý công việc nhưng anh vẫn quyết định tăng thêm 150 triệu đồng so với giá rao cũ, kì vọng vào năm 2025 lô đất sẽ có thanh khoản.

Theo nhà đầu tư này, thực tế, giá rao 2.6 tỉ đồng là mức giá “không lời” so với giá anh mua vào đầu năm 2022, sau khi trừ chi phí lãi vay ngân hàng. Thấy khi thị trường có tín hiệu tốt lên anh quyết định thay đổi mức giá bán để bù đắp các chi phí. Dù không kì vọng mảnh đất ra được nhanh nhưng nhà đầu tư này hi vọng mức giá đưa ra được hấp thụ vào năm sau.

Nhà đầu tư đang ôm đất Củ Chi, Hóc Môn, Cần Giờ có động thái “lạ” cận Tết- Ảnh 1.

Bên bán bắt đầu tăng giá rao nhà đất. Ảnh: TB

Tương tự, chị V, sở hữu 2 lô đất thổ cư tại huyện Củ Chi cũng ngưng bán để chờ thị trường tốt lên. Theo chị V, sau khi gửi vài sàn rao bán lô đất nhưng không bán được, chị quyết định ngưng bán và sẽ đưa ra mức giá khác vào năm 2025. Bản thân chị chưa cần gấp dòng tiền nên có thể chờ đợi thị trường tốt lên, giá tốt hơn sẽ bán. Tuy nhiên, theo nhà đầu tư này việc tài sản ngâm quá lâu không nhích giá khiến chị lo lắng. “Lô đất mua cách đây gần 4 năm nhưng hiện rao bán ngang giá mua vào nhưng vẫn khó bán. Trường hợp bí bách dòng tiền có thể phải hạ giá sâu may chăng có thanh khoản”, chị V rầu rĩ.

Dẫu “ế” nhưng các nhà đầu tư ôm đất ven Tp.HCM vẫn trong tư thế kì vọng giá tăng vào năm sau. Theo đó, thay vì hạ giá thu dòng tiền, nhà đầu tư ôm hàng chờ thị trường. Thậm chí, có một số nhà đầu tư ở trạng thái “gồng” lãi nhưng vẫn nuôi hi vọng thanh khoản tăng, giá bật trở lại trước bối cảnh thị trường đang có tín hiệu tốt lên.

Theo các môi giới chuyên bán bất động sản tại Củ Chi, Hóc Môn, hiện nguồn hàng rao bán nhiều nhưng thanh khoản còn chậm. Giá rao và giá để khách “chốt” mua được còn khá khó khăn. Bên bán kì vọng bán được giá tốt, trong khi bên mua ở trạng thái dò giá và trả giá liên tục; muốn mua được giá thấp nhất có thể. Theo đó, sự giằng co giữa hai bên khiến thanh khoản chưa diễn ra. Tâm lý chờ đợi giá giảm vẫn xuất hiện ở nhóm người mua ở thực. Trong khi nhà đầu tư ôm nguồn hàng “ngộp” trước đó chưa mua thêm trong bối cảnh giá rao nhích dần.

Nhìn chung thị trường nhà đất khu Tây Tp.HCM còn chậm nhịp. Dự báo, thị trường sẽ hồi phục vào giữa năm 2025 khi niềm tin người mua thực sự trở lại và các tín hiệu về quy hoạch, hạ tầng được đầu tư đẩy mạnh.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm