Trong khi đó, ngày 14/7, tỷ giá Yen/USD ghi nhận mức thấp nhất trong 24 năm qua, trong bối cảnh Nhật Bản vẫn duy trì chính sách tiền tệ siêu nới lỏng.
Nguyên nhân chủ yếu khiến đồng Yen giảm mạnh so với đồng USD là do sự đối nghịch trong chính sách của Mỹ và Nhật Bản.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể tiếp tục tăng lãi suất trong phiên họp chính sách vào các ngày 27 - 28/7 tới để đối phó với lạm phát kỷ lục của nước này trong hơn 40 năm; trong khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) vẫn quyết định giữ nguyên lãi suất ngắn hạn ở mức âm 0,1% và lãi dài hạn ở mức khoảng 0%. Nhiều khả năng chính sách nới lỏng tiền tệ này sẽ vẫn tiếp tục được thực hiện, nhất là khi đảng cầm quyền dân chủ tự do LDP của Thủ tướng Kishida vừa giành thắng lợi lớn trong bầu cử Thượng viện vừa qua.
Đồng Yen mất giá thường sẽ mang lại lợi thế về xuất khẩu và du lịch cho Nhật Bản, nhưng khách du lịch nước ngoài đang bị hạn chế, trong khi đồng Yen càng rẻ sẽ làm cho chi phí nhập khẩu của Nhật Bản càng tăng, tạo ra sức ép giảm lợi nhuận đối với doanh nghiệp, đồng thời tác động tiêu cực đến tiêu dùng cá nhân, một trong hai trụ cột của nền kinh tế nước này.
Trước việc đồng Yen giảm giá nhanh kể từ đầu năm, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản cho biết, sẽ hợp tác chặt chẽ với các ngân hàng trung ương lớn khác, đặc biệt là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ để theo dõi chặt chẽ động thái tăng giảm của đồng Yen, sẵn sàng phản ứng một cách thích hợp khi cần thiết.
Tuy nhiên đến thời điểm này, Nhật Bản vẫn không có bất cứ động thái can thiệp trực tiếp nào đối với thị trường tiền tệ để điều chỉnh tỷ giá đồng Yen so với đồng USD.
Không có động thái can thiệp để điều chỉnh tỷ giá của đồng Yen, nhưng chính phủ Nhật Bản đã triển khai các biện pháp hạn chế tác động của việc đồng Yen mất giá quá nhanh, như trợ cấp trực tiếp bằng tiền cho người dân, trợ cấp cho các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu hay cung cấp các khoản vay ưu đãi đối với các doanh nghiệp gặp khó khăn.