Bất động sản

Nguyên nhân giá bất động sản vẫn tăng dù ngân hàng siết vốn cho vay

Các chuyên gia của Công ty Savills Việt Nam nhận định, trên thị trường đầu tư hiện nay, các kênh đầu tư phổ biến nhất vẫn là vàng, chứng khoán và bất động sản. Trong số đó, bất động sản được xem như một kênh đầu tư an toàn, giúp tích trữ tài sản với tiềm năng tăng lợi nhuận trong tương lai. Tuy nhiên, hiện nguồn cung bất động sản vẫn nhỏ giọt và giá tiếp tục tăng nhanh sau COVID-19.

Thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy, trong quý II vừa qua, số lượng nhà ở thương mại được cấp phép mới là 29 dự án với 6.753 căn, chỉ bằng khoảng 74,4% so với quý trước đó và bằng 42% so với cùng kỳ năm trước. Miền Bắc dẫn đầu với 17 dự án gồm  3.763 căn; miền Trung có 9 dự án với 678 căn và miền Nam chỉ có 3 dự án nhưng chiếm tới 2.312 căn.

Số liệu này cho thấy, nguồn cung về nhà ở thương mại trong quý II vẫn chưa được cải thiện, đặc biệt là số lượng dự án được cấp phép mới chỉ bằng khoảng 42% so với cùng kỳ năm 2021.

Nguồn cung mới các sản phẩm bất động sản ở tất cả các phân khúc trong nửa đầu năm 2022 đều hạn chế. Bộ Xây dựng lý giải, nguồn cung mới bị hạn chế chủ yếu là do việc siết chặt các thủ tục pháp lý của các dự án bất động sản.

Ngoài ra, việc dòng vốn cho thị trường bị thu hẹp từ nhiều phía như kiểm soát chặt nguồn vốn tín dụng, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, sự suy giảm của thị trường trái phiếu… cũng là nguyên nhân khiến nguồn cung hạn chế.

Trong khi đó, nhà ở, đất nền vẫn là loại hình bất động sản thu hút sự quan tâm, đặc biệt là phân khúc nhà ở thương mại trung cấp, bình dân và nhà ở xã hội thì nguồn cung cho phân khúc này lại tương đối ít - Cục Quản lý Nhà và Thị trường Bất động sản thông tin.

Theo Tiến sỹ Sử Ngọc Khương - Giám đốc cấp cao Bộ phận Đầu tư Savills Việt Nam, từ nay đến cuối năm, nguồn cung bất động sản sẽ không nhiều với bối cảnh xung đột giữa Nga - Ukraine vẫn diễn ra, xăng, dầu sẽ tăng cao và không có nhiều thay đổi.

Bên cạnh đó, nguồn cung trên thị trường khá hạn chế dẫn đến việc tăng giá bất động sản từ 20-30% so với các năm trước. Việc tăng giá đến từ nhiều yếu tố khác như giá xăng dầu, vật liệu xây dựng và nhân công đều tăng, lạm phát...

“Nguồn cung mới trên thị trường khá hạn chế, chủ đầu tư tăng giá bán, người mua sơ cấp kỳ vọng giá trị gia tăng do lạm phát, giá cả nguyên vật liệu xây dựng gia tăng. Đây là những diễn biến trong thị trường vừa qua và 1 năm trở lại đây, đặc biệt là bất động sản nhà ở” - ông Sử Ngọc Khương dẫn chứng.

Chuyên gia này phân tích, giá bất động sản tăng trong thời gian vừa qua được coi là tăng theo tính tịnh tiến và tiệm cận. Điều đó có nghĩa giá bất động sản không tăng nóng như các năm trước là tăng một lúc từ 10-15% mà giá sẽ tăng vài phần trăm hàng tháng.

Tuy nhiên, khi nhìn lại thị trường trong suốt một năm thì bất động sản tăng giá tới 20-25%. Đây chính là diễn biến thị trường trong thời gian qua. Từ nay đến cuối năm, thị trường sẽ không thay đổi nhiều so với những quý đầu năm khi nguồn cung bị hạn chế và ngân hàng vẫn mạnh tay thắt chặt tín dụng.

Đáng chú ý, thị trường bất động sản tăng nhưng tính thanh khoản lại chậm do người có nhu cầu mua ở thực khó có khả năng chi trả. "Đây là một vấn đề cần nhìn ở thị trường dưới góc độ cung cầu, tính thanh khoản và giá cả”, chuyên gia Savills Việt Nam nhấn mạnh.

Hiện nay, nguồn vay ngân hàng vẫn là dòng vốn chính của bất động sản và các ngân hàng đang rà soát khả năng cho vay với phân khúc này. Nếu những yếu tố vĩ mô như chính sách tài khóa, tiền tệ thay đổi và vướng mắc pháp lý của dự án được giải quyết thì thị trường sẽ có tín hiệu tích cực hơn. Các doanh nghiệp khác về xây dựng, dịch vụ cũng sẽ hưởng lợi từ doanh nghiệp bất động sản.

Để phát triển một dự án bất động sản các chủ đầu tư cần vốn chủ sở hữu, vốn vay từ ngân hàng, vốn từ các đối tác và vốn nhận thu trước từ khách hàng. Đây là những nhóm vốn chính để triển khai các dự án bất động sản nhà ở; trong đó, phần lớn nguồn vốn đến từ vay ngân hàng.

Bởi vậy, xu hướng siết dần dòng vốn tín dụng của nhiều ngân hàng sẽ làm thị trường khó khăn hơn. Tuy nhiên, các nhà phát triển sẽ xoay sở để giải quyết vấn đề này thông qua nhiều hình thức khác nhau.

Tiến sỹ Sử Ngọc Khương cho rằng, bên cạnh nguồn vốn, khó khăn lớn nhất của thị trường hiện nay là vấn đề pháp lý của dự án. Yếu tố này tác động trực tiếp đến tiến độ của dự án bất động sản tại Việt Nam. Nhiều dự án đã được chuyển nhượng thành công nhưng để phê duyệt dự án từ bước có chủ trương cho đến khi có được giấy phép xây dựng lại mất từ 3-5 năm.

Vì vậy, Chính phủ cần đưa ra những hướng giải quyết để giúp doanh nghiệp bất động sản có cơ hội tạo ra giá trị và bổ sung nguồn cung mới, phục vụ nhu cầu nhà ở cho người dân - ông Khương nhận xét.

Mặc dù vậy, nếu những chính sách tài khóa, tiền tệ, pháp lý trong từ 3-5 năm tới vẫn tiếp tục khó khăn như hiện nay thì nguồn cung bất động sản sẽ không nhiều. Các đô thị lớn sẽ dần mất sức hút và tính cạnh tranh so với vùng lân cận.

Do đó, trong dài hạn, bất động sản nhà ở tại Hà Nội, Đà Nẵng và Nha Trang sẽ nhận được sự quan tâm của người dân đến sống và làm việc. Do đó, bài toán nhà ở sẽ đòi hỏi một nguồn cung rất lớn và cần được ưu tiên lên hàng đầu - chuyên gia này dự báo.

Dưới góc độ cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực này, ông Nguyễn Mạnh Khởi - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản cho rằng, giữa thị trường vốn và thị trường trái phiếu có liên hệ mật thiết với nhau và quan hệ khăng khít với thị trường bất động sản. Khi điều chỉnh thị trường trái phiếu và vốn thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường bất động sản.

Thời gian qua, khi thị trường trái phiếu nóng thì bất động sản cũng nóng theo, dẫn đến sự phát triển bất bình thường, thiếu sự ổn định. Do đó, cần điều chỉnh việc phát hành trái phiếu theo hướng sửa Nghị định số 153/2020/NĐ-CP về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ để việc phát hành đúng mục đích, quản lý có hiệu quả.

Cùng đó, việc kiểm soát dòng vốn cần ưu tiên cho các dự án có tính khả thi cao, cung cấp nguồn cung ra thị trường nhanh, đặc biệt là phân khúc nhà ở xã hội, nhà thương mại giá thấp.

Bộ Xây dựng đề xuất, tăng cung cho thị trường, tăng cường công khai minh bạch thông tin, nhất là về dự án, quy hoạch, nguồn hàng, tránh hiện tượng câu kết tăng giá; tăng nguồn vốn đầu tư - ông Khởi cho hay.

Các tin khác

Chứng khoán lao dốc

Áp lực bán ngày càng mạnh khiến VN-Index mất hơn 10 điểm, nối dài mạch giảm phiên thứ tư liên tiếp và tiệm cận vùng tâm lý 1.300 điểm.

Giá vàng tiếp tục tăng

Sáng nay (26/3), giá vàng trong nước tiếp tục duy trì đà tăng ngày thứ 2 liên tiếp. Theo đó, giá vàng SJC tiến sát mốc 98 triệu đồng/lượng còn vàng nhẫn gần 99 triệu đồng/lượng.

PTI đã giúp VNDirect phất lên như thế…

Khó có thể phủ nhận sự thăng hoa của cổ phiếu PTI đã đóng góp tích cực tới kết quả kinh doanh của VNDirect trong 2 năm trở lại đây. 'Game' tăng vốn của công ty chứng khoán này, nhờ đó, cũng trở nên hấp dẫn.

Kỳ lân VNG lỗ sau thuế hơn 500 tỷ đồng do Zalopay

VNG lỗ sau thuế 372 tỷ đồng trong quý 2 (cùng kỳ lãi 221 tỷ đồng) và lỗ 502 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm (cùng kỳ lãi 165 tỷ đồng). Trong đó, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ là 274 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế của cổ đông không kiểm soát là 228 tỷ đồng.

Hành trình lật mặt nạ "bầu" Kiên

Trong 10 năm qua (2011-2021), lực lượng Cảnh sát nhân dân (CSND) đã xác lập, đấu tranh hàng chục nghìn chuyên án trên các lĩnh vực đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy, hình sự, kinh tế…

Lính cứu hỏa nhận định nguyên nhân những vụ cháy quán karaoke

Nhìn lại các vụ cháy quán karaoke thời gian vừa qua, một cán bộ cảnh sát phòng cháy chữa cháy nhận định nguyên nhân gây ra hỏa hoạn đa phần do chập điện và sự bất cẩn trong việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt; đồng thời, việc sử dụng các vật liệu cách âm chất lượng kém cũng là nguyên nhân gây nguy h

Thủ tướng: Ngành ngân hàng giữ vững ngọn cờ tiên phong trong chuyển đổi số để toàn dân tham gia, toàn dân hưởng lợi

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, chuyển đổi số là xu thế tất yếu, khách quan, là yêu cầu cấp bách, bắt buộc, ngành ngân hàng hội tụ đủ những yếu tố để tiên phong và thực tế đang đi tiên phong trong tiến trình này. Chuyển đổi số cần mọi người dân tham gia, để mọi người dân được hưởng lợi thì mới thành công.