Bệnh nhân là một phụ nữ 61 tuổi, có tiền sử tăng huyết áp, nhập viện trong tình trạng sốc phản vệ độ 3, biến chứng suy gan, suy thận, suy hô hấp cấp và tiêu cơ vân. Tất cả đều là tình trạng đe dọa tính mạng nếu không được can thiệp nhanh chóng.
Khai thác bệnh sử, trước đó bệnh nhân đi tập thể dục gần nhà thì gặp phải đàn ong vò vẽ và bị đốt đến 70 vết (tức bị 70 con ong đốt).

Bệnh nhân bị 70 con ong đốt khắp người (Ảnh: Bệnh viện Nam Sài Gòn).
Bệnh nhân được đưa đến viện chỉ 40 phút sau khi xảy ra tai nạn. Tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn (TPHCM), người bệnh lập tức được chuyển vào khoa Hồi sức tích cực - Cấp cứu.
Các bác sĩ đã cho bệnh nhân điều trị bằng các biện pháp chuyên sâu như lọc máu liên tục, thở máy, hỗ trợ đa cơ quan, nâng đỡ huyết động và kiểm soát nhiễm trùng.
Sau 10 ngày điều trị tích cực, người bệnh tỉnh táo, được rút ống nội khí quản, chuyển ra phòng thường và đã xuất viện.
"May mắn là tôi được đưa đến viện và được điều trị kịp thời. Tôi thực sự biết ơn các bác sĩ, điều dưỡng tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn", người bệnh xúc động chia sẻ.

Những vết ong đốt của người bệnh đã lặn dần sau khi được điều trị (Ảnh: Bệnh viện Nam Sài Gòn).
Theo BS.CKI Lại Thanh Tân, khoa Hồi sức tích cực - Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn, ong vò vẽ đốt không chỉ gây đau và sưng tấy đơn thuần như nhiều người lầm tưởng.
Nọc độc của chúng chứa nhiều enzyme và độc tố mạnh, có thể gây phản ứng phản vệ, sốc nhiễm độc, tổn thương gan thận, rối loạn đông máu và suy đa cơ quan, đặc biệt ở những người có bệnh nền như tăng huyết áp, tiểu đường, tim mạch, suy giảm miễn dịch…
Khi bị đốt nhiều vết cùng lúc, lượng độc tố trong cơ thể có thể đạt ngưỡng nguy hiểm.
Với hệ thống cấp cứu - hồi sức hiện đại và đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm, ngoài trường hợp trên, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn đã xử trí thành công nhiều trường hợp cấp cứu phức tạp, trong đó có các ca sốc phản vệ, nhiễm độc - nhiễm trùng nặng, suy đa cơ quan...
Việc can thiệp kịp thời, đúng phác đồ và theo dõi sát đã giúp người bệnh thoát khỏi nguy kịch và phục hồi tốt.

Bác sĩ Tân thăm khám cho người phụ nữ bị ong đốt (Ảnh: Bệnh viện Nam Sài Gòn).
Các bác sĩ khuyến cáo, hiện tại đang trong giai đoạn mùa hè, thời điểm bùng nổ hoạt động vui chơi, sinh hoạt, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro như tai nạn giao thông, chấn thương, động vật tấn công...
Sau khi bị côn trùng cắn hoặc ong đốt, người dân tuyệt đối không được chủ quan. Cụ thể, khi đã xảy ra tai nạn, bạn cần di chuyển khỏi khu vực có ong ngay lập tức; không gãi, không tự nặn vết đốt; loại bỏ nọc nếu còn sót; rửa sạch bằng nước muối sinh lý hoặc dưới vòi nước; chườm lạnh.
Nếu có biểu hiện khó thở, chóng mặt, buồn nôn, sưng to vết đốt, phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất.