Theo VBA, ứng dụng Blockchain và AI trong công tác công an giúp tăng cường phòng ngừa tội phạm, phát hiện sớm và ngăn chặn các hành vi phạm tội, nâng cao hiệu quả đấu tranh truy vết các vụ án, giảm thiểu lừa đảo qua không gian mạng. Công nghệ này còn nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, nâng cao năng lực của cán bộ, chiến sĩ ngành công an phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Ông Phan Đức Trung, Phó chủ tịch thường trực VBA cho rằng sự phát triển của blockchain, AI đặt ra nhiều thách thức với ngành công an như tình trạng lừa đảo toàn cầu. Tại tọa đàm, ông Trung đã dẫn một số trường hợp điển hình như dự án gọi vốn đầu tư "ma", deepfake giả danh các nhân vật nổi tiếng, quan chức nhà nước... để phân tích, nêu hướng ngăn chặn các hành vi tương tự.
Đối với lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), ông Lê Linh Lương, Phó viện trưởng Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ nhân tạo ABAII, thành viên VBA nhấn mạnh các mối đe dọa từ deepfake (sử dụng AI làm giả video và giọng nói giống thật). Ông Lương dẫn chứng những trường hợp tiêu biểu như làm giả hình ảnh, giọng nói các lãnh đạo, nguyên thủ các quốc gia.
Để nâng cao nhận thức cho người dân, tránh lừa đảo trên không gian mạng, VBA và Viện ABAII đang triển khai nhiều dự án như nền tảng MasterTeck học trực tuyến phổ cập blockchain, AI; AI tra cứu luật (ứng dụng trợ lý ảo tra cứu văn bản pháp lý); chương trình ChainTracer truy vết các dự án lừa đảo, cảnh báo cộng đồng...
Thiếu tướng Dương Văn Tính, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Công an, cho biết với vai trò chuyên trách về công nghệ thông tin, Cục Công nghệ thông tin rất quan tâm tới việc ứng dụng Blockchain và AI để ngăn chặn, truy vết các hành vi tội phạm mới, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, chiến sĩ từ trung ương tới địa phương. Tuy nhiên, ông Tính cho rằng đây là hai công nghệ mới nên việc ứng dụng vẫn chưa tương xứng với yêu cầu.
Do đó, Cục Công nghệ thông tin kỳ vọng VBA sẽ đồng hành, hỗ trợ trên phương diện đào tạo, nâng cao năng lực cho cán bộ, chiến sĩ ngành công an, cung cấp, hỗ trợ tư vấn xây dựng hạ tầng kỹ thuật và các ứng dụng phù hợp.
Đại tá Phạm Văn Dinh, Phó cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Công an cho biết nhiều trường hợp phát sinh liên quan đến công nghệ blockchain, AI nhưng chưa được giải quyết triệt để vì nhiều lý do như độ trễ của chính sách, tính chất phức tạp và mức độ sẵn sàng của nhân lực.
Ngoài các nội dung về ứng dụng blockchain và AI, các bên cũng thảo luận một số nội dung được Chính phủ đề cập trong chiến lược Blockchain Quốc gia, khả năng hợp tác thực hiện các nhiệm vụ này trong thời gian tới.