Mới đây, ngân hàng Sacombank đã thông báo đấu giá toàn bộ 18 khoản nợ được đảm bảo bằng quyền tài sản tại dự án KCN Phong Phú, huyện Bình Chánh, TP HCM. Tổng giá trị các khoản nợ tính đến 31/12/2021 là 16.196 tỷ đồng. Giá khởi điểm của khoản nợ là 8.640 tỷ đồng. Khoản nợ trên từng được Sacombank rao bán nhiều lần. So với lần rao bán đầu tháng 8, giá các khoản nợ giảm gần 1.000 tỷ đồng.
Nhiều tài sản là BĐS sau nhiều lần rao bán, giá các khoản nợ giảm tới gần 1.000 tỷ đồng mà vẫn ế ẩm
Tương tự, ngân hàng BIDV cũng thông báo bán đấu giá khoản nợ của Công ty CP Vertical Synergy Viet Nam. Tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại Quận 1, Quận 12 và Quận 3 (TP.HCM). Tính đến ngày 14/9, tổng dư nợ của doanh nghiệp trên tại BIDV là hơn 481,2 tỷ đồng, trong đó nợ gốc là hơn 347 tỷ đồng và nợ lãi là gần 134 tỷ đồng. Khoản nợ này được BIDV nhiều lần rao bán. Giá khởi điểm là 348,3 tỷ đồng, giảm hơn 120 tỷ đồng so với lần rao bán hồi đầu tháng 7.
BIDV cũng chật vật với khoản nợ của Công ty TNHH Ngọc Linh với tài sản bảo đảm là Nhà máy Điện phân chì kẽm Bắc Kạn, quyền sử dụng và khai thác các mỏ nguyên liệu... Giá khởi điểm ở lần đấu giá mới nhất là hơn 1.154 tỷ đồng. Sau 11 lần thông báo, BIDV đã giảm giá đấu giá hơn 1.000 tỷ đồng cho khoản nợ trên.
Ngân hàng này cũng đã 10 lần rao bán khoản nợ hơn 475 tỷ đồng của Công ty TNHH Thép Việt Nga được đảm bảo bằng nhiều tài sản là bất động sản và nhà xưởng thuộc sở hữu của công ty và các cá nhân có liên quan. Trong lần rao bán thứ 10, giá khởi điểm mà BIDV đưa ra chỉ là 269 tỷ đồng, tương đương số nợ gốc ngân hàng đã cho Thép Việt Nga vay.
Không chỉ là những tài sản BĐS, mới đây nhất, Công ty Đấu giá Hợp danh Minh Pháp – đơn vị đấu giá được BIDV Quy Nhơn lựa chọn tổ chức phiên đấu giá tài sản là xe Rolls Royce Ghost mạ vàng 5 chỗ BKS 30F -187.88 của FLC – vừa công bố thông tin về phiên đấu giá lần thứ tư đối với tài sản này.
BIDV Quy Nhơn mới đây tiếp tục công bố thông tin về phiên đấu giá lần thứ tư đối với siêu xe mạ vàng của FLC
Phiên đấu giá lần 3 dự kiến diễn ra vào chiều 17/11 đã không thành do không có người đăng ký tham gia đấu giá. Ngay trong ngày, Công ty Đấu giá Minh Pháp cho biết phiên đấu giá lần 4 đối với chiếc xe này sẽ diễn ra vào hồi 14h ngày 25/11/2022. Giá khởi điểm trong lần đấu giá thứ 4 này là 9.126.730.000 đồng. Khách hàng đăng ký tham gia đấu giá sẽ đặt trước 1.825.346.000 đồng (20%).
Như vậy, so với giá khởi điểm lần gần nhất, mức giá khởi điểm của tài sản đã giảm thêm khoảng 3% (282,270 triệu đồng).
Ngoài tài sản nói trên, Công ty Đấu giá Hợp danh Minh Pháp cũng được BIDV Quy Nhơn lựa chọn là đơn vị đấu giá du thuyền FLC Albatross, là tài sản đảm bảo cho khoản vay của FLC.
Phiên đấu giá (lần 2) dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 21/11/2022 với giá khởi điểm 34,675 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo đại diện công ty Minh Pháp, ngày 18/11 sẽ là thời hạn cuối cùng nhưng đến thời điểm sàng 17/11 vẫn chưa có cá nhân, tổ chức nào đăng ký tham gia đấu giá.
Như vậy, rất có thể phiên đấu giá (lần 2) ngày 21/11 đối với du thuyền FLC Albatross cũng sẽ không thể diễn ra vì lý do tương tự.
Thời gian gần đây, đặc biệt là vào những tháng cuối năm, có khá nhiều bất động sản cùng các tài sản có giá trị được ngân hàng phát mại, thanh lý với mức giá khá "mềm", thậm chí có nhiều tài sản sau cả chục lần phát mãi, giảm giá tới hàng trăm triệu đồng nhưng vẫn ế khách.
Theo giới chuyên gia, dù được hạ giá sâu nhưng không nhiều người mặn mà với bất động sản phát mại, thanh lý. Nguyên nhân chính là BĐS đang rơi vào giai đoạn khó khăn và thanh khoản rất yếu, nhất là các tài sản giá trị lớn. Những BĐS này thường được các DN hay tổ chức kinh doanh mua nhưng các DN bất động sản hiện còn khó khăn, phải bán chính dự án của mình thì việc ngân hàng ế khách cũng dễ hiểu.
Bên cạnh đó, nhiều nhà đầu tư cũng "ngại" mua các tài sản thanh lý vì… yếu tố pháp lý. Việc bán đấu giá bất động sản là tài sản thế chấp có nhiều thủ tục pháp lý liên quan đến việc giải chấp, định giá tài sản. Nhiều tài sản thế chấp là bất động sản cần sự đồng thuận của chủ tài sản. Giá khởi điểm phải được đồng ý của cả ngân hàng lẫn khách hàng nên mất nhiều thời gian cho thủ tục đấu giá tài sản bảo đảm.
Thêm nữa, nhiều mảnh đất là tài sản đảm bảo của các khoản nợ đôi khi có lịch sử phức tạp, liên quan đến nhiều tổ chức, cá nhân nên để sang tên sở hữu mất nhiều thời gian, thậm chí không thực hiện được.
Chưa kể, không ít tài sản bảo đảm được định giá cao hơn giá trị thực tế khi phê duyệt khoản vay. Vì vậy, khi phát mại, các ngân hàng thường có xu hướng định giá theo giá trị khoản nợ mà chưa sát với giá thị trường. Vì thế, bất động sản phát mại dù được giảm giá vẫn khó bán.
Một nguyên nhân nữa khiến tài sản thế chấp dù giảm giá liên tục mà vẫn ế là do nền kinh tế khó khăn, thị trường giao dịch tài sản thanh khoản thấp. Dù kinh tế đang dần phục hồi nhưng không dễ tìm được nhà đầu tư đủ tiềm lực tài chính để mua lại các khoản nợ có quy mô lớn.
“Việc thanh lý tài sản đảm bảo có giá trị thấp (mức vài tỷ đồng) sẽ dễ xử lý hơn. Còn với những tài sản giá trị lớn, từ hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng sẽ khó bán hơn. Thường các ngân hàng phải mất nhiều lần rao bán rồi hạ giá mới thanh lý được” – anh Ngô Đức Thuận, giám đốc một công ty trong lĩnh vực BĐS cho hay.