Trước thềm đại hội cổ đông, các ngân hàng công bố tài liệu họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 với kế hoạch kinh doanh đầy tham vọng, trong đó một số nhà băng đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận ba chữ số so với năm 2020.
Cụ thể, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế gấp đôi năm trước đạt 29.662 tỷ đồng, tăng 103% so với năm 2021.
Đây là mức tăng trưởng lợi nhuận cao nhất trong số các ngân hàng công bố kế hoạch kinh doanh tính đến thời điểm này và cũng vượt mức lợi nhuận của "quán quân" ngành ngân hàng năm 2021 (Vietcombank với 27.376 tỷ đồng).
Báo cáo mới đây của Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho biết VPBank kỳ vọng kết quả kinh doanh quý I khả quan nhờ ghi nhận phí ứng trước từ thương vụ bancassurance với AIA. Ngân hàng ước tính lợi nhuận trước thuế hợp nhất quý I đạt 11.000 tỷ đồng, tăng 175% so với năm trước.
Qua trao đổi của VCSC với VPBank, khoản phí ứng trước từ giao dịch bancasurrance với AIA khoảng 5.000 tỷ đồng sẽ được ghi nhận toàn bộ trong quý 1/2022 thay vì phân bổ trong 5 năm. Nếu loại trừ thu nhập bất thường từ phí ứng trước banca, lợi nhuận trước thuế quý I của ngân hàng đạt khoảng 6.000 tỷ đồng.
Nằm trong nhóm nhà bằng đặt kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận bằng lần, Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) sẽ trình cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2022 với mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng trưởng 107,5% so với năm 2021, đạt 2.500 tỷ đồng.
Mục tiêu trên được cho là khá tham vọng khi lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2021 của Eximbank chỉ đạt 1.205 tỷ đồng, giảm 10% so với năm 2020 và không đạt kế hoạch năm là 1.300 tỷ đồng
Ngoài ra, tại đại hội tới đây, ngân hàng sẽ phải báo cáo cổ đồng về kết quả chuyển nhượng cổ phiếu STB.
Trong đó báo cáo đầy đủ việc chuyển nhượng cổ phiếu STB dưới mức giá tối thiểu 13.000 đồng/cp dẫn tới làm giảm thu nhập của Eximbank để Đại hội đồng cổ đông có ý kiến về vấn đề này. Trường hợp Đại hội đồng cổ đông thống nhất thông qua, HĐQT, BKS, Ban điều hành Eximbank phải nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm, tự đề xuất xử lý đối với tổ chức/cá nhân có liên quan.
Một số nhà băng khác cũng đặt mục tiêu tăng lợi nhuận khủng trong năm nay như Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank) với kế hoạch lợi nhuận năm 2022 tăng 71,4% so với năm ngoái, vượt mốc 1.000 tỷ đồng.
Hay Ngân hàng TCMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2022 đạt 11.868 tỷ đồng, tăng 87% so với năm 2021.
Theo ước tính của SSI, lợi nhuận trước thuế quý I/2022 của SHB đạt 3.200 tỷ đồng (tăng 92% so với cùng kỳ) nhờ tăng trưởng tín dụng 5% so với đầu năm, và tăng trưởng tiền gửi 2,5% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,5% trong khi NIM ước tính ổn định.
Ngoài các ngân hàng nêu trên, hầu hết ngân hàng đều có kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2022 tăng từ 30 - 50% như ABBank (57%), SeABank (49%), Viet Capital Bank (45%), TPBank (36%), MSB (34%), hay VIB (31%).
Về phía các ngân hàng quốc doanh, Vietcombank tiếp tục thể hiện mong muốn giữ vững ngôi vương về lợi nhuận khi đưa ra mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2022 tối thiểu đạt 30.661 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2021.
Cùng với đó, mục tiêu tăng trưởng tín dụng được đưa ra là 12% (phù hợp với mức cấp của NHNN), tổng tài sản tăng 8%. Nợ xấu duy trì dưới 1,5%; thị phần thanh toán quốc tế và tài trợ thương mại trên 16%.
Một ông lớn khác là VietinBank cũng đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế dao động khoảng 19.300 - 20.200 tỷ đồng, tăng 10 - 15% so với năm trước.
Những ước tính mới đây về kết quả kinh doanh quý I/2022 của Chứng khoán SSI cho rằng VietinBank có ước tính tăng trưởng lợi nhuận âm so với cùng kỳ. Mặt khác, chứng khoán KB (KBSV) nhận định ngân hàng sẽ có thể bắt đầu ghi nhận khoảng 5 triệu USD phí trả trước bancas trong quý I/2022.
Báo cáo cập nhật ngành ngân hàng của SSI dự báo đối với cả năm 2022, dựa vào kế hoạch sơ bộ của các ngân hàng, tăng trưởng lợi nhuận trước thuế có thể đạt khoảng 24-25% so với cùng kỳ. Cổ tức bằng cổ phiếu dự kiến dao động trong khoảng 15-35%.
Bên cạnh đó, việc công bố kết quả kinh doanh quý I cùng những thông tin về kế hoạch đại hội cổ đông có thể sẽ là những yếu tố hỗ trợ cho diễn biến giá cổ phiếu của ngành ngân hàng trong ngắn hạn. Nhóm chuyên gia duy trì quan điểm tích cực về ngành ngân hàng trong năm 2022.
Thậm chí có những yếu tố tác động tích cực khiến lợi nhuận của nhóm ngành có thể đạt mức cao hơn so với ước tính hiện tại như nền kinh tế phục hồi tốt hơn dự kiến và các khoản thu nhập bất thường từ bancassurance.
Song, công ty chứng khoán cũng lưu ý rủi ro lớn nhất đối với nhóm ngân hàng là trường hợp lãi suất huy động tăng nhanh hơn dự kiến.
Mặc dù diễn biến lãi suất huy động từ đầu năm đến nay phù hợp với kỳ vọng của SSI, rủi ro lạm phát vẫn là một mối lo ngại - đặc biệt là do tác động của cuộc xung đột giữa Nga-Ukraine khiến giá dầu tăng nhanh.