
Xe tự hành Curiosity gần địa điểm Mont Mercou trên Sao Hỏa (Ảnh: NASA).
NASA vừa công bố một nghiên cứu mang tính đột phá khi xe tự hành Curiosity trên Sao Hỏa phát hiện ra các phân tử hữu cơ lớn nhất từng được tìm thấy trên hành tinh này.
Phát hiện đánh dấu một bước tiến quan trọng trong hành trình tìm kiếm dấu hiệu về sự sống trên Hành tinh Đỏ.
Phát hiện lớn về các phân tử hữu cơ trên Sao Hỏa
Các phân tử hữu cơ đã được phát hiện trong một tảng đá có tên Cumberland, nằm bên trong miệng hố Gale. Chúng bao gồm các chuỗi carbon dài, với nhiều nguyên tố như hydro và oxy được liên kết bên trong.
Nhóm nghiên cứu cho rằng đây có thể là các mảnh của axit béo, một thành phần quan trọng trong màng tế bào sinh học trên Trái Đất. Nếu nhận định này là chính xác, nó có thể là bằng chứng tiềm năng cho thấy Sao Hỏa từng có điều kiện hỗ trợ sự sống.

Xe tự hành Curiosity đã phát hiện ra mẫu vật hydrocarbon bằng cách sử dụng quy trình gia nhiệt kép (Ảnh: NASA).
Curiosity đã sử dụng thiết bị Phân tích mẫu tại Sao Hỏa (SAM) để kiểm tra các mẫu vật từ đá Cumberland. Trong số các phân tử hữu cơ được phát hiện, các nhà khoa học xác định được decane (C10H22) và dodecane (C12H26), thuộc nhóm hydrocarbon ankan.
Những hợp chất này thường xuất hiện trong các quá trình sinh học trên Trái Đất, nhưng cũng có thể hình thành qua các cơ chế địa chất phi sinh học.
"Sự hiện diện của các phân tử này mở ra một chương mới trong hành trình tìm kiếm dấu hiệu của sự sống trên Sao Hỏa", báo cáo được công bố trên Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia cho biết.
Phát hiện này xảy ra đồng thời với những nghiên cứu khác về các đặc điểm địa chất bất thường trên Sao Hỏa. Tàu Perseverance đã phát hiện những cấu trúc đặc biệt được gọi là "đốm báo" và "hạt anh túc".
Những phân tử này thực chất có thể là các mảnh axit béo, được tìm thấy trong các màng bao quanh tế bào sinh học. Các nhà khoa học cho rằng nếu sự sống từng xuất hiện trên Sao Hỏa thì có lẽ bản chất của chúng là vi sinh vật.
Thách thức để làm rõ sự thật

Các nhà khoa học cho rằng nếu sự sống từng xuất hiện trên Sao Hỏa thì có lẽ bản chất của nó là vi sinh vật, chứ không phải người ngoài hành tinh (Ảnh: Getty).
Dù những phát hiện này đầy hứa hẹn, Curiosity và Perseverance đều không có thiết bị đủ mạnh để xác định chắc chắn nguồn gốc sinh học của các phân tử hữu cơ.
Do đó, NASA và Cơ quan Vũ trụ Châu Âu đang hợp tác trong nhiệm vụ mang tên Mars Sample Return (tạm dịch: Đưa mẫu vật Sao Hỏa về Trái Đất), với mục tiêu mang các mẫu đá này về các trạm nghiên cứu ở Trái Đất để phân tích chi tiết bằng công nghệ tiên tiến hơn.
"Việc đưa các mẫu vật từ Sao Hỏa về Trái Đất là bước quan trọng để xác định liệu hành tinh này từng có sự sống hay không", một nhà khoa học tại NASA cho biết. "Các thiết bị trên Trái Đất có thể phân tích các hợp chất hữu cơ với độ chính xác cao hơn nhiều so với những gì có thể thực hiện trên các tàu tự hành".
Tuy nhiên, nhiệm vụ này đang đối mặt với những thách thức lớn về ngân sách và quy hoạch. Vào năm 2023, một hội đồng đánh giá độc lập đã đặt câu hỏi về chi phí tăng cao của dự án, buộc các cơ quan vũ trụ phải xem xét lại kế hoạch thực hiện.
"Chúng tôi đang nghiên cứu 2 phương án sửa đổi để tiếp tục nhiệm vụ, nhằm đảm bảo tính khả thi trong điều kiện ngân sách hạn chế", một đại diện NASA chia sẻ.
Mặc dù còn nhiều câu hỏi chưa được giải đáp, phát hiện mới của Curiosity tiếp tục củng cố khả năng Sao Hỏa từng có điều kiện phù hợp cho sự sống.
Các nhà khoa học vẫn lạc quan rằng, nếu có sự sống từng tồn tại trên hành tinh này, thì những dấu vết của nó vẫn có thể được tìm thấy trong các mẫu vật sắp được đưa về Trái Đất.