Tiểu đường từ lâu được xem là căn bệnh phổ biến ở người lớn tuổi. Tuy nhiên, với lối sống hiện đại, ít vận động và chế độ ăn uống mất cân bằng, ngày càng nhiều người trẻ mắc bệnh, trong đó có cả học sinh, sinh viên.
Bác sĩ Châu Kiến An, chuyên khoa nội tiết và chuyển hóa ở Trung Quốc, cho biết từng tiếp nhận một nam sinh viên mắc tiểu đường type 2. Bệnh nhân cao 1,73m, nặng 110kg, từ nhỏ đã bị thừa cân. Khi đến khám vì vấn đề cân nặng, các kết quả xét nghiệm cho thấy anh có chỉ số đường huyết cao vượt ngưỡng, kèm theo rối loạn mỡ máu, tăng axit uric và chức năng gan suy giảm. Qua khai thác bệnh sử, bác sĩ phát hiện sinh viên này mỗi ngày đều dùng thức ăn nhanh với khẩu phần gấp đôi người bình thường, uống nước ngọt thay nước lọc và hầu như không vận động do áp lực học hành.

Theo bác sĩ Châu, để phòng tránh tiểu đường, không chỉ cần hạn chế ăn ngọt mà còn phải tránh các loại thực phẩm có chỉ số đường huyết cao - những “thủ phạm giấu mặt” dễ khiến lượng đường trong máu tăng vọt. Dưới đây là 4 nhóm thực phẩm cần đặc biệt lưu ý:
1. Thức ăn chiên rán
Các món ăn vặt phổ biến như gà chiên giòn, khoai tây chiên, xúc xích rán... không chỉ chứa nhiều calo và chất béo mà còn khiến lượng đường trong máu tăng do quá trình chiên ở nhiệt độ cao phá hủy cấu trúc dinh dưỡng và làm tăng chỉ số đường huyết. Ngoài ra, chất béo bão hòa trong thực phẩm chiên còn làm tăng nguy cơ rối loạn chuyển hóa, mỡ máu cao và kháng insulin. Đây là nhóm thực phẩm rất dễ gây nghiện, đặc biệt ở giới trẻ, nhưng lại là “mồi lửa” cho các bệnh mạn tính như tiểu đường, gan nhiễm mỡ, tim mạch.
2. Bánh mì trắng
Loại bánh này thường bị nhầm là món ăn nhẹ và lành mạnh nhưng thực chất lại được làm từ tinh bột tinh chế, có chỉ số đường huyết rất cao. Khi ăn vào, bánh mì trắng nhanh chóng bị cơ thể hấp thu, khiến lượng đường trong máu tăng đột biến. Đặc biệt, nếu ăn bánh mì trắng cùng với mứt, bơ đường hay kẹp thịt chế biến sẵn, nguy cơ tăng đường huyết càng lớn hơn. Bác sĩ khuyến cáo nên thay thế bằng các loại ngũ cốc nguyên hạt hoặc bánh mì đen.
3. Đồ uống có đường
Một lon nước ngọt 360ml có thể chứa tới 10 muỗng cà phê đường. Việc tiêu thụ đều đặn những loại nước này khiến cơ thể liên tục nạp vào một lượng đường vượt mức cho phép, gây ra tình trạng tăng đường huyết kéo dài, dễ dẫn đến kháng insulin - nguyên nhân chính gây bệnh tiểu đường type 2. Các loại trà sữa, nước trái cây đóng chai hay nước tăng lực cũng tiềm ẩn hàm lượng đường rất cao. Thay vì dùng các loại nước uống trên, người trẻ nên tập thói quen uống nước lọc hoặc nước không đường để bảo vệ sức khỏe.
4. Trái cây sấy khô
Nhiều người cho rằng trái cây sấy là món ăn vặt lành mạnh nhưng thực chất đây là đường cô đặc. Khi trái cây được sấy khô, nước bay hơi nhưng đường và calo vẫn giữ nguyên, thậm chí còn được bổ sung thêm đường trong quá trình chế biến. Chỉ một nắm nhỏ nho khô hay xoài sấy cũng có thể chứa lượng đường bằng vài trái cây tươi. Vì có kích thước nhỏ, dễ ăn, nhiều người không kiểm soát được khẩu phần, dẫn đến tiêu thụ đường quá mức.
Bác sĩ Châu cảnh báo: “Bệnh tiểu đường đang ngày càng trẻ hóa. Việc hiểu rõ các nhóm thực phẩm làm tăng đường huyết là bước quan trọng để phòng bệnh. Hãy xây dựng lối sống lành mạnh ngay từ khi còn trẻ".