Dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến rất phức tạp. Cả nước có 248 ổ dịch tại 20/34 tỉnh, thành phố, đã tiêu hủy trên 20.280 con lợn. Các điểm nóng về dịch tập trung tại một số tỉnh phía bắc như Lạng Sơn, Cao Bằng, Điện Biên, Phú Thọ, Sơn La…

Công an tỉnh Hà Tĩnh phát hiện, bắt giữ xe tải chở đầy lợn nhiễm dịch tả lợn châu Phi
ẢNH: CÔNG AN TỈNH HÀ TĨNH
Theo Cục Phòng bệnh (Bộ Y tế), dịch tả lợn châu Phi có đặc điểm lây lan nhanh ở tất cả các loại lợn, với tỷ lệ chết cao, có thể lên đến 100%, thiệt hại kinh tế là rất lớn. Các bộ, ngành, địa phương đang tức tốc triển khai biện pháp dập dịch. Song công tác này hiện gặp nhiều khó khăn, một trong số đó là tình trạng người dân giấu dịch.
Giấu dịch diễn ra phổ biến
Ông Phan Quang Minh, Phó cục trưởng Cục chăn nuôi và thú y (Bộ NN-MT), cho biết tình trạng giấu dịch, không báo cáo dịch bệnh đang diễn ra phổ biến với các hình thức: bán "chạy", giết mổ chui, tiêu thụ nội bộ, vứt xác lợn bừa bãi, báo cáo không đúng sự thật, thiếu sự chủ động kiểm tra...
Tại Phú Thọ, từ đầu năm đến nay, dịch tả lợn châu Phi phát sinh trên địa bàn 14 xã, tổng số lợn ốm, chết, tiêu hủy là 722 con. Chính quyền địa phương đánh giá nguy cơ dịch bệnh tiếp tục phát sinh, lây lan là "rất cao". Đáng lo ngại hơn, cơ quan chức năng liên tiếp phát hiện các vụ vận chuyển lợn nhiễm dịch đi tiêu thụ. Hôm 12.7, tổ công tác Công an xã Phú Khê phát hiện một người đàn ông đang vận chuyển 7 con lợn nghi nhiễm bệnh. Người này khai thu mua từ hộ dân ở xã khác với giá 600.000 đồng/con. Kiểm tra tại nhà riêng, lực lượng chức năng thấy 4 con lợn khác có biểu hiện tương tự, lấy mẫu xét nghiệm thì 7/11 dương tính với vi rút dịch tả lợn châu Phi. Toàn bộ số lợn được mang đi tiêu hủy ngay sau đó, đồng thời cơ quan chức năng đã củng cố hồ sơ để xử lý những người mua, bán lợn.

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch xã Thung Nai (Phú Thọ) hướng dẫn người dân rắc vôi bột để khử trùng chuồng trại
ẢNH: TTXVN
Đây là vụ việc thứ 3 bị phát hiện chỉ trong ít ngày. Trước đó hai ngày 9.7 và 11.7, công an cùng cán bộ thú ý của tỉnh Phú Thọ cũng kịp thời ngăn chặn 2 xe tải chở đầy lợn nhiễm dịch tả lợn châu Phi, một xe 190 con, một xe 23 con. Đáng nói, số lợn nhiễm bệnh không chỉ lưu thông trong nội tỉnh mà còn được đưa sang các địa bàn lân cận để tiêu thụ.
Tình trạng vứt lợn chết bừa bãi cũng khiến nhiều cơ quan đau đầu. Ngày 16.7, Công an xã An Bình (Phú Thọ) phối hợp lực lượng thú y phát hiện 9 xác lợn bị vứt ra ngoài môi trường. Tương tự tại Thái Nguyên, chính quyền liên tục ghi nhận các vụ vứt xác lợn chết dọc ven đường hoặc trôi trên sông. Để ngăn chặn, UBND xã Phú Bình (Thái Nguyên) đã phải tổ chức lực lượng hơn 100 người ở hơn 100 xóm, thôn nhằm giám sát chặt chẽ các hộ chăn nuôi, ngăn chuyện vứt xác lợn nơi công cộng.
Còn tại Thanh Hóa, thống kê của Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh này cho biết, từ 21.6 - 11.7, lực lượng chức năng phát hiện 117 xác lợn chết đều trong quá trình phân hủy, trôi nổi trên các kênh, mương nước, cá biệt có ngày phát hiện 18 xác lợn chết. Xác lợn chết chủ yếu được phát hiện trên các kênh Bắc, kênh Chính, kênh Nam thuộc hệ thống kênh Bái Thượng, chuyên cung cấp nước thô cho các nhà máy sản xuất nước sạch. Lãnh đạo chi cục đã đề nghị Công an tỉnh Thanh Hóa xác minh, truy tìm người vứt xác lợn chết xuống kênh, mương.

Công an xã An Bình (Phú Thọ) phối hợp lực lượng thú y phát hiện trang trại vứt 9 xác lợn ra ngoài môi trường
ẢNH: PHÚC BÌNH
Phòng, chống dịch tả lợn châu Phi đòi hỏi nỗ lực đến từ cả hai phía: chính quyền và người dân. Thế nhưng thái độ thờ ơ, vô trách nhiệm thông qua hành vi vứt xác lợn ra môi trường, hoặc vận chuyển lợn nhiễm bệnh mang đi tiêu thụ, đang khiến việc ứng phó dịch bệnh khó càng thêm khó.
Sợ thiệt hại kinh tế nên bán tháo lợn ốm
Ông Phan Quang Minh nhận định, nguyên nhân chính khiến người dân chưa chủ động khai báo khi lợn nhiễm dịch tả lợn châu Phi xuất phát từ tâm lý sợ thiệt hại kinh tế và thiếu niềm tin vào chính sách hỗ trợ.
Nghị định 02/2017 trước đây quy định hộ chăn nuôi được hỗ trợ thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, song quy trình rất phức tạp. Người dân chậm được hưởng hỗ trợ, thậm chí một số địa phương không chi trả hỗ trợ thiệt hại kịp thời. Điều này khiến nhiều người nảy sinh tâm lý bán tháo lợn ốm, lợn chết để có tiền trang trải, tái đàn thay vì báo cho chính quyền để tổ chức tiêu hủy.
Ông Trần N., chủ một trang trại lợn ở xã Văn Giang (Hưng Yên), chia sẻ từng có đàn lợn nhiễm dịch tả lợn châu Phi. "Kinh nghiệm" của người chăn nuôi ở đây là, nếu nhà nước hỗ trợ bằng giá thị trường thì họ sẽ khai báo, ngược lại nếu mức hỗ trợ thấp hơn thì sẽ bán ra ngoài. Thực tế, mức hỗ trợ thường thấp hơn giá thị trường, thủ tục lại lâu, "có khi đến nửa năm mới nhận được tiền", và ông N. chọn cách không khai báo. Không chỉ ông, "10 nhà thì đến 7 nhà, nhất là những nhà nuôi nhiều, lợn to" đều chọn cách bán "chạy" để cứu vãn nguồn vốn.
Theo ông Phan Quang Minh, quy định hiện hành đã có đủ chế tài đối với hành vi che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời khi phát hiện động vật mắc bệnh, chết do bệnh truyền nhiễm; hoặc vận chuyển, vứt xác động vật chết hoặc nhiễm bệnh ra môi trường… Tuy nhiên, rất ít vụ việc bị xử lý, dẫn tới chưa đảm bảo tính răn đe và chấp hành từ người dân. Ông Minh nhấn mạnh, một trong những nguyên tắc để khống chế, dập tắt dịch bệnh là phát hiện sớm và xử lý kịp thời. Song vẫn có địa phương chậm báo cáo hoặc báo cáo không đúng sự thật khi xảy ra dịch. Chưa kể, sau quá trình sắp xếp, tinh gọn bộ máy ở các địa phương, lực lượng thú y hiện rất mỏng, nhiều xã không có cán bộ thú y, dẫn tới việc phát hiện, báo cáo các ổ dịch không đầy đủ.
Điển hình như xã Hợp Kim (hợp nhất từ 3 xã Kim Lập, Nam Thượng và Sào Báy), tỉnh Phú Thọ, sau đợt mưa kéo dài đầu tháng 7 thì dịch tả lợn châu Phi bùng phát ở một số thôn, xóm. Lãnh đạo UBND xã cho hay, do địa bàn rộng, dân cư sống dàn trải, lực lượng cán bộ chuyên môn của địa phương lại thiếu, không thể bao quát toàn bộ trong thời gian ngắn. Trang thiết bị, máy móc phục vụ công tác in ấn và cấp giấy chứng nhận cũng hạn chế, gây chậm trễ trong việc lập biên bản và hoàn thiện hồ sơ thống kê về dịch bệnh.
Đáng nói, khó khăn xảy ra với cả những địa phương chưa phải là "điểm nóng" dịch bệnh. Ông Trần Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và chăn nuôi (Sở NN-MT tỉnh Hà Tĩnh), cho biết từ giữa tháng 5 đến nay, đơn vị này phối hợp với công an xử phạt vi phạm hành chính 2 phương tiện vận chuyển lợn không có giấy chứng nhận kiểm dịch, trong đó buộc tiêu hủy 1 xe tải chở 180 con lợn nhiễm dịch, toàn bộ chi phí chủ hàng chịu. "Việc xử lý đối với động vật vận chuyển qua địa bàn gặp nhiều trở ngại, nhất là trường hợp phải tiêu hủy, vì nhiều địa phương hiện không có khu vực xử lý, tiêu hủy tập trung hoặc không sẵn sàng tiếp nhận tiêu hủy do lo ngại về môi trường, an toàn dịch bệnh", ông Hùng nói.
Giải pháp nào?
Để khắc phục tình trạng thiếu hụt nhân lực, Cục Chăn nuôi và thú y đang cử các đoàn công tác đi khảo sát, nghiên cứu và đề xuất Bộ NN-MT tổ chức mô hình trạm thú y liên xã, nhằm thuận lợi trong giám sát, phòng chống dịch bệnh cũng như kiểm soát giết mổ. "Với mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, khi phát hiện dịch bệnh, ngoài báo cáo trực tiếp lên tỉnh, thông qua hệ thống trực tuyến, cán bộ thú y có thể báo thẳng lên cơ quan T.Ư để phối hợp triển khai ngăn chặn", ông Phan Quang Minh cho hay.
Đặc biệt, theo ông Minh, Bộ NN-MT đã trình Chính phủ ký ban hành nghị định mới về chính sách hỗ trợ khắc phục dịch bệnh, có hiệu lực từ 25.7 tới đây. Trong đó, lợn chết do dịch bệnh sẽ được hưởng mức hỗ trợ 40.000 đồng/kg hơi. Quy trình hỗ trợ đơn giản hơn nhiều, cơ quan thú y chỉ lấy mẫu xét nghiệm dịch bệnh của hộ chăn nuôi đầu tiên, những hộ sau nếu có lợn chết thì không cần xét nghiệm nữa; đồng thời có các mốc thời gian xử lý hồ sơ rất rõ ràng. "Chúng tôi kỳ vọng chính sách này sẽ giải quyết tình trạng vứt xác động vật bừa bãi ra môi trường. Người chăn nuôi cần chủ động báo dịch để nhận hỗ trợ, nếu vứt xác lợn chết thì không khác gì ném tiền ra ngoài đường", ông Minh nói.
Song song với xây dựng chính sách hỗ trợ, việc siết chặt quy trình kiểm soát và nắm tình hình địa bàn khi dịch bệnh bùng phát cũng cần được chú trọng. Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng không thể vin vào lý do sáp nhập, địa bàn rộng hoặc thiếu cán bộ thú y mà dẫn tới lơ là, "bỏ trận địa". "Quan trọng nhất vẫn là trách nhiệm, cán bộ phải sâu sát, không ngại xa, ngại khó, phải mở rộng nguồn tin từ chính người dân, làm sao ngay khi xuất hiện ổ dịch là nắm bắt ngay", ông Hòa nêu ý kiến.
Một vấn đề nữa được vị đại biểu lưu ý, đó là xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ lợn nhiễm bệnh nói chung và nhiễm dịch tả lợn châu Phi nói riêng. "Cả một xe tải chở đầy lợn nhiễm bệnh như vậy thì không thể nói là vô tình hay không biết. Cần phải nghiêm trị để làm gương, răn đe người khác", ông Hòa kiến nghị.
Luật sư Nguyễn Thị Thúy, Đoàn luật sư TP.Hà Nội, cho biết các hành vi vận chuyển, giết mổ lợn nhiễm bệnh để tiêu thụ ra thị trường có thể bị xử phạt hành chính theo Nghị định 90/2017 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực thú y, hoặc Nghị định 115/2018 xử phạt hành chính về an toàn thực phẩm; trường hợp nghiêm trọng hơn thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm quy định tại điều 317 bộ luật Hình sự.
Điển hình như Công an TP.Hà Nội vừa khởi tố 2 vợ chồng là chủ lò mổ ở Thường Tín (Hà Nội) về tội danh này, với cáo buộc thu gom lợn chết, lợn nhiễm bệnh rồi đem ra chợ đầu mối tiêu thụ. Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện 45 con lợn sống nghi nhiễm dịch tả lợn châu Phi, cùng hơn 1 tấn thịt lợn đã giết mổ và 450 kg nội tạng. "Cần phát hiện và xử lý các trường hợp tương tự, bởi đây chính là những mầm mống lây lan dịch bệnh không gì ghê gớm hơn", luật sư Thúy nêu quan điểm.