CTCP Đầu tư Năm Bảy Bảy (Mã: NBB) vừa công bố báo cáo tài chính quý III/2023 với doanh thu thuần 16,9 tỷ đồng, giảm 86% so với cùng kỳ. Kinh doanh dưới giá vốn, công ty lỗ gộp hơn 453 triệu đồng, trong khi cùng kỳ lãi hơn 68,5 tỷ đồng.
Năm Bảy Bảy cho biết, hoạt động chính của công ty là kinh doanh và chuyển nhượng bất động sản. Tuy nhiên, hiện nay, các dự án đang trong quá trình bồi thường, giải phóng mặt bằng và bổ sung các thủ tục pháp lý. Cùng với sự khó khăn chung của ngành bất động sản nên hoạt động kinh doanh của công ty bị ảnh hưởng đáng kể.
Bên cạnh đó, việc hoàn trả mặt bằng kinh doanh tại trung tâm thương mại Carina của một số đơn vị trong giai đoạn đầu năm nay cũng dẫn đến sự sụt giảm doanh thu của Năm Bảy Bảy.
Song, nhờ doanh thu từ hợp tác đầu tư gần 64 tỷ đồng (ghi nhận tại mục doanh thu hoạt động tài chính), công ty thoát lỗ quý III và báo lãi sau thuế gần 159 triệu đồng, trong khi cùng kỳ đạt gần 303 triệu đồng.
Lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần của Năm Bảy Bảy đạt 211 tỷ đồng, giảm 27% so với cùng kỳ. Lãi sau thuế cũng giảm 71%, đạt hơn 608 triệu đồng.
Năm nay, Năm Bảy Bảy đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế 20,5 tỷ đồng. Như vậy, công ty đã đạt khoảng 3% mục tiêu đã đề ra.
Rót gần 75% tài sản cho các dự án BĐS
Lợi nhuận giảm mạnh, song, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh kỳ này của Năm Bảy Bảy dương gần 137 tỷ đồng trong khi cùng kỳ âm gần 863 tỷ đồng, chủ yếu do trong kỳ này, công ty có khoản thu lớn từ việc giảm các khoản phải thu.
Tại ngày 30/9, tổng các khoản phải thu trong ngắn hạn của Năm Bảy Bảy là 999 tỷ đồng, giảm 28% so với đầu năm, chủ yếu do giảm khoản phải thu do trả trước cho CII B&R.
Bên cạnh đó, công ty cũng đang có hơn 2.000 tỷ đồng khoản phải thu đối với CII từ khoản góp vốn hợp tác đầu tư kinh doanh, phân chia lợi nhuận từ dự án Cao ốc 152 Điện Biên Phủ và dự án Xa Lộ Hà Nội.
Tính tới ngày 30/9, tổng các khoản phải thu (cả ngắn và dài hạn) là 3.030 tỷ đồng, chiếm 44% trong tổng tài sản (6.859 tỷ đồng) của Năm Bảy Bảy.
Mặt khác, chiếm hơn 45,5% tổng tài sản của Năm Bảy Bảy tại ngày 30/9 là chi phí tại các dự án bất động sản dở dang. Trong đó, chi phí đầu tư và phát triển các dự án (ghi nhận tại mục hàng tồn kho) là gần 1.509 tỷ đồng, tăng 12,6% so với đầu năm, lớn nhất là tại hai dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp kết hợp khu dân cư De Lagi (Bình Thuận) (gần 810 tỷ đồng) và Khu dân cư Sơn Tịnh - Quảng Ngãi (628 tỷ đồng).
Ngoài ra, công ty cũng ghi nhận hơn 1.615 tỷ đồng chi phí xây dựng cơ bản dở dang tại các dự án đầu tư bất động sản khác, tăng 0,5% so với đầu năm, như NBB Garden III (831 tỷ đồng), NBB II (783 tỷ đồng),...
Ở diễn biến khác, Năm Bảy Bảy cũng ghi nhận gần 56,5 tỷ đồng khoản người mua trả tiền trước ngắn hạn, trong đó, tiền khách hàng các dự án Sơn Tịnh - Quảng Ngãi, khu dân cư tại TP Bạc Liêu và dự án City Gate Towers ứng trước là gần 27,7 tỷ đồng.
Vay vốn hơn 2.500 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm
Về phần nợ, báo cáo lưu chuyển tiền tệ cho thấy, 9 tháng đầu năm nay, Năm Bảy Bảy là thu từ đi vay gần 2.552 tỷ đồng, đồng thời chi gần 1.677 tỷ đồng để trả nợ gốc vay. Do đó, dòng tiền thuần từ hoạt động tài chính của công ty dương 875 tỷ đồng.
Cùng với dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh dương như đã đề cập, dòng tiền thuần trong kỳ của Năm Bảy Bảy vẫn ghi nhận dương gần 112 tỷ đồng sau khi công ty chi hơn 1.853 tỷ đồng cho hoạt động đầu tư.
Tại ngày 30/9, tổng dư nợ tài chính của Năm Bảy Bảy là 3.546 tỷ đồng, tăng 13% so với đầu năm. Trong đó, khoản tăng lớn nhất trong kỳ là từ Vietinbank với giá trị khoản vay 900 tỷ đồng trong dài hạn nhằm thực hiện dự án Cao ốc 152 Điện Biên Phủ.
Quy tụ những nhân vật có sức ảnh hưởng trong giới tài chính Việt Nam đến từ các quỹ đầu tư, doanh nghiệp niêm yết, cố vấn tài chính từ các ngân hàng, công ty chứng khoán đầu ngành.
Cùng thảo luận về những chủ đề nóng nhất, trọng tâm nhất xoay quanh bức tranh kinh tế 2024, triển vọng kinh doanh các ngành.
Và một cuộc trình diễn độc đáo của số liệu và công nghệ hỗ trợ đầu tư. Với sự xuất hiện của công cụ phân tích dòng lệnh (Order Flow) đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam. Đây là phương pháp tiên tiến nhất trên thế giới chủ yếu là được các quỹ tại Anh, Mỹ và các tổ chức trading chuyên nghiệp ứng dụng và hiện chưa phổ biến cho số đông nhà đầu tư.
Với những thông tin có giá trị cao từ các chuyên gia hàng đầu, Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2024 (Vietnam Investment Forum 2024) với chủ đề “Theo dấu Dòng tiền” không chỉ hữu ích với các nhà đầu tư chứng khoán, bất động sản mà còn hỗ trợ các nhà kinh doanh, các nhà hoạch định lên kế hoạch kinh doanh phù hợp cho năm 2024.
Số lượng có hạn, đăng ký ngay tại đây.